Sa La
Lời tòa soạn: Sa La là bút danh. Người viết bài chia sẻ với biên tập viên Nguyễn Nam của Việt Nam Thời Báo, rằng ông đã phân vân lắm khi quyết định gửi bài cộng tác. Lý do, có thể nhiều tình tiết từ góc nhìn thuần chứng lý văn bản, ít nhiều làm phiền lòng một ai đó.
Rộng đường dư luận và tinh thần cầu thị, xin được đăng tải trên cơ sở quyền tự do tôn giáo, quyền tự do chính trị của công dân. Bài viết khá dài với 2.481 từ.
***
(VNTB) – Theo thông báo từ chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn phát hành vào sáng ngày 16/4/2020, thì “Lễ Tưởng niệm và Công bố Di chúc của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ – Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, cử hành nội bộ vào lúc 9 giờ, ngày 26 tháng 3 năm Canh Tý (tức ngày 18/04/2020)” (1)
Cùng lúc có hai Viện Tăng thống?
“Thông báo V/v Lễ Tưởng niệm online và triển hạn ngày Hải táng Xá lợi của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN”, ghi nơi phát hành là “Viện Tăng thống”, địa chỉ ở chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn. Đây là ngôi tự mà Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã an trú và viên tịch.
Tuy nhiên trước đó, vào cuối giới chiều ngày 14/4/2020, tài khoản cá nhân của một tu sĩ (2), có đăng tải một văn bản có tên “Quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN, v/v Cung thỉnh xử lý thường vụ Viện Tăng thống”. Văn bản không có chữ ký xác lập về nội dung. Và cũng ghi nơi phát hành là “Viện Tăng thống”.
Sáng ngày 15/4/2020, tài khoản kể trên tiếp tục đăng tải về nội dung trích ghi âm, xác nhận sự thật “Quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN, v/v Cung thỉnh xử lý thường vụ Viện Tăng thống” (3)
Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, chùa Phước Bửu, ấp Thạnh Sơn 1A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nói rằng: “Việc đại sự có các bậc tôn túc lo liệu, đừng làm những việc quá vai trò của mình!”.
Hầu hết các bậc tôn túc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chọn im lặng.
Trong một bản tin phát hành ngày 28/3/2014 trên trang web có tên “Phòng thông tin Phật giáo quốc tế”, được cho là “Cơ quan thông tin và phát ngôn của Viện Hóa đạo – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”, cho biết như sau (trích): “Hoà thượng Thích Chơn Tâm, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, hiện cư trú tại chùa Từ Hiếu ở Phường 1, Quận 8 Saigon, đã bị ông Muôn, Trưởng Công an Phường 1, Quận 8, đến thông báo chính quyền thành phố không cho phép Hoà thượng lưu trú và phải rời khỏi chùa Từ Hiếu về lại tỉnh An Giang.
Vấn đề khó khăn là trước đây Hoà thượng Thích Chơn Tâm cư trú hợp pháp tại chùa Tây Huê, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc là nơi Hoà thượng trú trì. Nhưng qua năm 2006, “chính quyền phường núi Sam kết hợp với Ban Trị Sự Hội Phật giáo Việt Nam 3 lần trục xuất Hoà thượng ra khỏi Chùa Tây Huê, phường núi Sam, lý do là Hoà thượng theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức mà chính quyền lên án là bất hợp pháp”. Từ đó, đi bất cứ đâu, tới bất cứ chùa nào, Hoà thượng đều bị nhà cầm quyền địa phương xua đuổi, trục xuất” (dừng trích).
Hòa thượng Thích Chơn Tâm chính là người có tên trong một văn bản do tu sĩ có thế danh Phạm Trinh đăng tải trên tài khoản cá nhân facebook (2). Trong văn bản này có một ‘phán xét’ mang tính cáo buộc ở thể câu văn khẳng định: “Một số cá nhân tiếm danh GHPGVNTN ban hành những văn bản bất hợp lệ, trái Hiến chương gây hiểu lầm cho Tăng, Ni phật tử”.
Câu hỏi đặt ra: trong hai văn bản phát hành kể trên đều cùng chung nhân danh “Viện Tăng thống”, vì sao nội dung dường như ‘chỏi’ nhau? Và xét về quy định liên quan trong công bố một nội dung có tính cách quan trọng, thì hình thức công bố ra sao? Phải chăng là do mùa dịch cúm Vũ Hán khó đi lại bởi lệnh giãn cách xã hội, nên chỉ giản dị từ một bản văn trên tài khoản cá nhân của một tu sĩ, sau đó là những ‘xác nhận’ dạng ‘tin đi – tin lại’ cũng trên tài khoản facebook này? (4)
Có lẽ trả lời sẽ sớm phần nào sáng tỏ tại “Lễ Tưởng niệm và Công bố Di chúc của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ – Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, cử hành nội bộ vào lúc 9 giờ, ngày 26 tháng 3 năm Canh Tý (tức ngày 18/04/2020)” (1).
Nhìn từ đức “Dũng”
Đức Phật đã dạy trong nhiều kinh của Nam tạng và Bắc tạng rằng: Có bốn nhân tố tâm lý là gốc của mọi hành động sai lầm dẫn đến khổ đau, ưu não cho mình và người là ‘tham, sân, si và sợ hãi’. Đức Phật cũng dạy có bốn nhân tố tâm lý giúp con người đi ra khỏi tâm lý sai lầm, đi ra khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não là: vô tham, vô sân (từ), vô si (hay minh, trí tuệ) và vô úy (không sợ hãi, hay định tỉnh, như như bất động; hay không dao động).
Vô úy là thái độ sống của người Phật tử chân chính giữa dòng đời vô thường, biến động. Thái độ sống ấy biểu hiện một cách tự nhiên của những tâm hồn nhuần thấm từ bi và trí tuệ. Không có một nỗ lực khác thường nào ở đây để được ngợi ca là can đảm, hay dũng cảm.
Chính vì thế mà thái độ sống điềm nhiên ấy thật sự mang bản chất dũng cảm, đúng nghĩa ‘dũng cảm’, bởi dũng cảm luôn có mặt ngay trong tâm thức từ bi, trí tuệ: có trí tuệ là có dũng cảm; có từ bi là có dũng cảm; và có trí tuệ là có từ bi và dũng cảm.
Cái “Dũng” mà Quốc sư Vạn Hạnh đã để lại trong một bài thiền thi của ngài rằng: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô./ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
Tạm dịch: Thân như bóng chớp chiều tà,/ Cỏ xuân tươi tốt, thu sang rụng rời./ Sá chi suy thịnh việc đời,/ Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Trong Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử năm 1951, “Bi – Trí – Dũng” là châm ngôn của Huynh trưởng và Đoàn sinh các ngành Thanh, Thiếu. Ở ngành Đồng có châm ngôn là “Hoà – Tin – Vui”. Đến Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử năm 1964, châm ngôn của tổ chức không còn phân chia theo ngành. Tất cả đều theo châm ngôn Bi – Trí – Dũng.
Như vậy nếu nhìn về cái “Dũng” như trên, thì có lẽ trong vườn hoa Phật giáo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lâu nay đang muôn màu, muôn vẻ; trong đó có tổ chức gọi là Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với nhiều hoạt động xã hội cộng đồng, gợi nhớ lại hình ảnh của tinh thần Bi – Trí – Dũng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở miền Nam Việt Nam trước 30 tháng tư, 1975.
Ở mùa Phật Đản 2019, Phật Lịch 2563, thượng tọa Thích Vĩnh Phước, đại diện của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã phát đi thông điệp với với 5 kêu gọi sau đây:
“Một. An ninh quốc phòng và vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đang bị uy hiếp, phải nhờ vào sức mạnh toàn quân, toàn dân mới có thể đương đầu.
Hai. Hãy trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm, họ chỉ vì yêu tổ quốc và lên tiếng đòi công bằng cho người dân mà bị tù đày, lao lý.
Ba. Hãy phổ biến ý thức, đặt sự sống còn của tổ quốc và dân tộc lên trên mọi ý thức hệ cục bộ xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng ý kiến trung thực, xây dựng của nhân dân.
Bốn. Can đảm và cấp thời cải tổ thể chế chính trị sâu rộng, từ thể chế độc đảng, sang thể chế chính trị đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập, để toàn dân và các thành phần dân tộc có thể tham gia, cùng chung sức cứu nguy tổ quốc.
Năm. Hãy về với dân để sống an vui, hạnh phúc với gia đình”.
Cả năm kêu gọi ở trên cho thấy một chữ “Dũng” sắc nét ở Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Muôn hương sắc trong vườn hoa Phật Giáo Việt Nam
“Một số cá nhân tiếm danh GHPGVNTN ban hành những văn bản bất hợp lệ, trái Hiến chương gây hiểu lầm cho Tăng, Ni phật tử” là câu văn thiếu cẩn trọng trong một bản văn như đã nói ở trên.
Trong chiều dài lịch sử, giáo lý Đức Phật đã thấm sâu, in đậm vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân tộc, gắn bó cùng dân tộc qua mọi thăng trầm, vinh nhục của tổ quốc. Chính vì vậy, thăng trầm của dân tộc và đất nước, người Phật tử càng không thể bàng quan, mũ ni che tai, không thể an phận lo riêng cho đời mình.
Với cách hiểu đó, thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hôm nay đang là ‘cây lành sinh trái ngọt’.
Bồ tát vô úy – có thể đó là một hòa thượng Thích Không Tánh, người đã khởi xướng chương trình ủy lạo các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, mà sau này được tiếp nối với tên gọi “Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” do nhóm linh mục ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, kế thừa.
Hòa thượng Thích Không Tánh lúc còn trú trì chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn, thì địa chỉ chùa Liên Trì chính là địa điểm quen thuộc cho các họp mặt, các gặp gỡ của giới xã hội dân sự ‘ngoài quốc doanh’ ở Việt Nam – trong đó có Hội nhà báo độc lập Việt Nam. Đây cũng là nơi cưu mang những người dân oan đang đeo đuổi việc thưa kiện đất đai.
Hòa thượng Thích Không Tánh còn được biết đến là người đứng đầu của Hội đồng Liên Tôn giáo Việt Nam, với các thành viên đến từ Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Phật Giáo.
Bồ tát vô úy – có thể đó là một hòa thượng Thích Nguyên Lý, người cần mẫn tổ chức những chuyến đi ủy lạo cho người dân nghèo khó ở các vùng cao nguyên hẻo lánh.
Bồ tát vô úy – có thể đó là một thượng tọa Thích Vĩnh Phước đã sang Bắc Mỹ để lên tiếng cho tự do tôn giáo ở Việt Nam hồi giữa năm 2019.
Bồ tát vô úy – có thể đó là thượng tọa Thích Thiện Minh, người được Mạng Lưới Nhân Quyền tuyển chọn để nhận lãnh Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2008. Ông bị bắt tù từ năm 1979 đến năm 2005 mới được trả tự do, như vậy là đã phải ở trong tù liên tục suốt 26 năm. Có thể nói đây là một vị tu sĩ ở tù lâu năm nhất tại miền Nam Việt Nam. Ông là tu sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Dĩ nhiên đến đây sẽ có ý kiến về liên tưởng đến câu chuyện bó đũa và đôi đũa.
Tôi cho rằng thử cách nhìn như sau: một bó đũa, đúng là không ai bẻ được. Bài học rút ra: phải đoàn kết!
Nhưng đũa chỉ thành “bó” khi có người buộc chúng lại. Những chiếc đũa vốn là những đơn vị rời rạc, khi cần người ta chắp hai chiếc thành đôi đũa để và cơm, gắp thức ăn, thỉnh thoảng gặp đôi đũa vênh thì dân gian bực bội mà rằng “vợ dại không hại bằng đũa vênh”.
Đũa cả để xới cơm, hay đũa bếp để nấu thức ăn thì to hơn, dài hơn đấy nhưng cũng chẳng ai sử dụng cả bó. Dường như khi thành từng bó, thì đũa chả làm được gì ngoài việc làm cái ẩn dụ nói trên; còn khi có tác dụng thật thì chúng chỉ là từng đôi, kết hợp chiếc này với chiếc khác đều được, miễn là (tương đối) bằng nhau. Mà cũng có thể dùng từng chiếc xiên xỏ cũng đưa được miếng ăn lên miệng.
Lại có bài học về so bó đũa chọn cột cờ. Ý là khó chọn lựa lắm, thôi thì trong cái sàn sàn như nhau ấy chiếc nào nhỉnh hơn tí thì được chọn. Thoắt cái đổi đời từ đũa thành cột, lại còn làm hẳn “cột cờ”!
Cái sự “được chọn” ấy mong manh, nhưng mang lại may mắn kỳ lạ cho chiếc đũa nào chỉ dài hơn cả bó một tẹo. Ngày thường chắc chiếc đũa ấy không được việc gì, vì chả thành đôi với chiếc nào khác để mà sử dụng. Thế mà khi cần thì một chiếc đũa “không giống ai” cũng có thể trở thành “cột”.
Tất nhiên, khi chiếc đũa vào vai “cột cờ” thì mặc nhiên người ta cho rằng đám đông kia ai cũng như ai, tất cả “bằng đầu” như một bó đũa và giá trị của “cột cờ” này thế nào là nằm ở ý đồ người chọn. Vậy đừng tự hào là danh giá nếu được chọn làm “cột cờ”, bởi vì bản chất vẫn là chiếc đũa, ngồi vào vị trí cao quá khả năng thì chỉ làm vị trí ấy tầm thường đi mà thôi.
Thử hình dung một xã hội mà ai cũng như ai – những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc, kích thước như ra từ một khuôn. Ấy là chưa kể giờ phổ biến loại đũa dùng một lần xong thì vứt bỏ. Ngay cả đũa ngà đũa bạc mà vua chúa thường dùng cũng chỉ quý vì là đồ dùng của bậc vua chúa, chứ hẳn không phải vì giá trị “làm đũa” của nó.
Dông dài như trên để muốn nói rằng, giả dụ như trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mai đây sẽ phát triển mạnh mẽ của tổ chức Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hay của nhiều nhóm khác trong cùng phụng sự theo tôn chỉ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thì đó là điều vui mừng, hơn là dè chừng đến độ nặng lời với nhau…
______________
Chú thích:
(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=909148089514378&id=100012575853657
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=556913275258452&id=100028193539709
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=557590468524066&id=100028193539709
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=558360065113773&id=100028193539709