Lệ Hằng
(VNTB) – “Miền Nam phóng khoáng, miền Bắc khôn lỏi”, V, cô gái 24 tuổi đang sống tại thành phố mới Bình Dương (miền Nam Việt Nam) cho biết.
Cô cho hay, hầu như gia đình cô có cái nhìn thiếu thiện cảm về miền Bắc. Một quy tắc được truyền miệng trong gia đình là chỉ kết hôn với người từ Đà Nẵng trở vào.
N.N.L, một tài xế taxi tại Bình Dương cho biết anh tiếp xúc với nhiều người qua công việc hiện tại, và anh thấy không hợp với văn hoá người Bắc.
“Người Bắc khôn lỏi quá, họ quá tính toán, vụ lợi, nói chuyện quá to” – L phân giải.
Câu chuyện của L và V không phải là của hiếm trong xã hội tại Việt Nam, nạn phân biệt Bắc – Nam vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội người Việt. Mới đây, những hình ảnh xếp hàng (Sài Gòn) và chen lấn (Hà Nội) của người dân trước ‘ATM gạo’ được thổi bùng thành kỳ thị vùng miền với những đả kích khắc nghiệt nhằm vào người dân miền Bắc, đến mức gọi miền Bắc là ‘parkycho’ (Bắc Kỳ chó).
Kỳ thị vùng miền diễn ra tràn lan trên các trang mạng xã hội từ Facebook đến Youtube.
Một số lý giải ‘văn hoá xếp hàng’ khác biệt đó đến từ lịch sử, văn hoá của hai vùng, một số quan điểm khác nhấn mạnh vai trò của giáo dục hai miền trước khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, tháng Tư năm 1975.
Có quá nhiều lý do để khiến hai miền có sự sai khác văn hoá, hai nơi có ẩm thực khác nhau, phương ngữ khác nhau và phong cách kinh doanh khác nhau. Người miền Bắc có xu hướng nghĩ mình là người có văn hóa hơn, và xem Hà Nội là thủ đô nghệ thuật, văn hoá, giáo dục của Việt Nam. Một số người xem Sài Gòn là một nơi hào nhoáng và vui vẻ, nhưng hơi nông cạn.
Người miền Nam tự xem mình năng động hơn so với Hà Nội, được tiếp xúc nhiều hơn với phong cách của phương Tây, trong khi miền bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Trung Quốc và trải qua thời kỳ dài của nền chuyên chính cộng sản.
Họ chỉ kích động thù hằn dân tộc, thoả mãn tâm địa xấu của họ, G.N – một nhà nghiên cứu văn hoá tại Sài Gòn nói, ám chỉ những ai đang kỳ thị miền Bắc qua hình ảnh xếp hàng lấy gạo.
“Nó làm tổn thương những người miền Bắc ngay cả khi họ không làm điều đó”, N nhấn mạnh.
P.H.T, 32 tuổi, một luật sư thành phố Hồ Chí Minh, xuất thân từ một gia đình từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà và mất tất cả sau chiến tranh. Ông bà của anh đã phải đi cải tạo một thời gian, bố mẹ anh phải lên vùng cao nguyên theo chương trình kinh tế mới. Thế nhưng trong mắt anh, nạn phân biệt vùng miền Bắc – Nam là không thể chấp nhận được.
“Nó không chỉ vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và còn thể hiện trình độ dân trí thấp, khả năng nhận thức không cao”, T khẳng định.
Tại Việt Nam vẫn chưa có một quy định riêng điều chỉnh hành vi này và hiếm khi ai đó bị trừng phạt vì phân biệt vùng miền.
Một người dùng mạng xã hội tên La vender LH bày tỏ tâm trạng buồn vì những lời chỉ trích quá giới hạn của một số người nhằm vào miền Bắc.
“Các bạn phải có góc nhìn khách quan và công bằng hơn và không nên vơ đũa cả nắm. Các bạn có quyền phê phán những thói hư tật xấu, nhưng xin hãy đừng phân biệt vùng miền.”
Làm thế nào để kiên quyết đối phó với vấn đề phân biệt đối xử vùng miền? Bởi trong hoàn cảnh khó khăn nhất, sự tồn tại của phân biệt đối xử đã ảnh hưởng lớn đến sự đoàn kết của người dân Việt Nam.