Lynn Huỳnh
(VNTB) – Nếu như ông Hùng điên như cáo buộc của nhà cầm quyền, thì điên mà còn biết trăn trở khi ăn hạt cơm của nhân dân, quả là một người điên cực kỳ tử tế.
Trên báo Tiếng Dân và trang Việt Nam Thời Báo, đều có chung bài viết về “Dự án Tự do cho Blogger Lê Anh Hùng” (*)
Ông Lê Anh Hùng, một người viết báo tự do, là hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, cộng tác viên của VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ, https://www.voatiengviet.com/author/le-anh-hung/tukmr).
Ông Hùng đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bất ngờ đưa vào bệnh viện Tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội, sau khi khởi tố hình sự ông Hùng vào ngày 5-7-2018 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Không rõ vì sao đến lúc này gia đình của ông Lê Anh Hùng chưa cậy đến luật sư trong những yêu cầu tố tụng liên quan, của việc có phải đây là ‘đòn bẩn’ của chính quyền?
Ông Lê Anh Hùng tỉnh hay điên? Nếu như ông Hùng điên như cáo buộc của nhà cầm quyền, thì điên mà còn biết trăn trở khi ăn hạt cơm của nhân dân, quả là một người điên cực kỳ tử tế.
Có một thực tế là trước năm 1975 ở miền Nam cũng nhiều văn nghệ sĩ đã từng lui tới nhà thương điên Biên Hòa với tư cách bịnh nhân. Kể tiếp câu chuyện ở đây là những ghi nhận tại phòng lưu trữ của bệnh viện Tâm thần trung ương II, tức nhà thương điên Biên Hòa, trước tháng 4-1975.
Ở phòng lưu trữ của nhà thương điên Biên Hoà, hiện còn bút tích lời kêu cứu của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngu Í (1921 – 1979) viết vào năm 1976 như sau:
“Tôi là Nguyễn Hữu Ngư, 58 tuổi, bút hiệu Nguyễn Ngu Í, là nhà văn, nhà giáo, nhà báo chuyên nghiệp, hiện là bịnh nhân ở khu 3, bịnh viện tâm thần Biên Hòa (tức nhà thương điên Biên Hòa). Xin có lời kêu cứu với các bạn, các thầy, học trò cũ và những người quen biết:
Tôi mắc bịnh cuồng não tuần hoàn từ năm 18 tuổi. Lúc trẻ, năm bảy năm bệnh tái phát một lần, càng có tuổi chu kỳ càng hẹp. Biến cố lịch sử tết Mậu Thân xúc động tôi quá mạnh, tôi lên cơn dữ dội. Nay chu kỳ bịnh lại công phạt, cứ vài tháng là bịnh cũ tái phát trở lại, tôi phải sống nhờ cơm của nhân dân, lấy bịnh viện làm nhà.
Vừa rồi tôi suýt chết, tôi thấy sức lực tôi đã mòn nhiều, sống ráng độ vài năm nên tha thiết yêu cầu người quen giúp phương tiện để tôi có thể:
1- Mua một kính cận thị bị anh em quận đội đánh bể vì tôi đột nhập vào quận đội nửa đêm tết năm ngoái.
2- Làm một hàm răng giả (tôi phải ăn nuốt trọng từ một năm nay).
3- Tái bản quyển “Sống vô vị”, “Có những bài thơ”, “Hạnh phúc chính nơi bạn”.
4- Xuất bản hai tập hồi ký “Nếu tôi nhớ kỹ” và “Những bức thư tình tưởng không bao giờ viết”.
Nguyễn Ngu Í đã được các bác sĩ ở nhà thương điên Biên Hòa nhận xét: “Một người điên mà biết trăn trở vì sống nhờ hạt cơm của nhân dân thì quả là một người điên cực kỳ tử tế”.
Trong hồ sơ bịnh lịch của Nguyễn Ngu Í nhập viện hồi năm 1964 có đoạn viết: “Bịnh khởi phát từ năm 1940 với triệu chứng nói nhiều, chửi bới, lui tới lăng xăng. Đã điều trị ở nhà thương Chợ Quán một đợt sáu tháng, được choáng điện nhiều lần, khi về đi dạy học được. Đến năm 1947, bịnh tái lại, điều trị ở trại an trí Quảng Ngãi sáu tháng, bệnh giảm, vài tháng bịnh trở lại, đến Biên Hoà, ra vào 12 lần, mỗi lần hai ba tháng…”.
Giai thoại về Nguyễn Ngu Í hay được nhắc kể là có lần, chính quyền Sài Gòn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch bình định cấp tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long tại căn cứ Đồng Tâm, có cả cố vấn Mỹ tới dự. Nguyễn Ngu Í cũng tới dự với tư cách nhà báo. Ông mặc áo sơ mi trắng, thắt cà-vạt nhưng lại mang guốc vông. Chính điều đó đã biểu hiện một trạng thái bất thường.
Sau bài phát biểu của một cử toạ, Nguyễn Ngu Í xin phát biểu cảm tưởng của một nhà báo. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Ông nghiêm mắt nói: “Làm công việc bình định đồng bằng sông Cửu Long nhưng vị quận trưởng có mặt tại đây là một người đạo đức giả, là kẻ gian phu! Ông ta thông dâm với tất cả những nữ giáo viên xinh đẹp trong vùng. Trong số gái mất nết ấy, vài người hiện có mặt tại đây…”.
Nguyễn Ngu Í vừa nói vừa chỉ vào mặt viên quận trưởng, vừa lia lia ngón tay về phía các cô giáo. Trước tình thế quá căng thẳng, một viên chức địa phương phải lên phân trần với cố vấn Mỹ và các quan chức chủ toạ rằng đó là một nhà báo mắc bịnh thần kinh đang lên cơn. Có lẽ vì Nguyễn Ngu Í mang đôi guốc vông không giống ai nên ông thoát nạn.
Nhà báo Võ Đắc Danh kể rằng Nguyễn Ngu Í là bạn thân với nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 – 1987, tên thật Tô Văn Tuấn, sinh tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa), mà Bình Nguyên Lộc lại có người con trai là bác sĩ Tô Dương Hiệp làm giám đốc bịnh viện tâm trí Biên Hoà những năm 1972 – 1973. Bản thân nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng từng là bịnh nhân của nhà thương điên Biên Hoà trong những năm Pháp thuộc.
Chính vì mối quan hệ này mà nhà văn Nguyễn Ngu Í từng được bác sĩ Tô Dương Hiệp trực tiếp chăm sóc như một người thân. Những lúc tỉnh táo, Nguyễn Ngu Í thường bắt bác sĩ Hiệp ra ngồi đánh cờ tướng với ông hàng buổi. Thắng thì vui vẻ, thua thì nổi cơn điên. Có lần ông cầm bàn cờ đập lên đầu bác sĩ Hiệp, thủng cả bàn cờ , tròng xuống cổ, mặt mày đầy máu nhưng bác sĩ Hiệp vẫn vui, vì đó không chỉ là một bịnh nhân mà còn là bạn chí cốt của cha mình.
Bác sĩ Hiệp mất năm 1973 vì bịnh ung thư, an táng tại nghĩa trang phía sau bịnh viện tâm trí Biên Hòa. Nguyễn Ngu Í mất năm 1979, tại tư gia ở Sài Gòn. Bình Nguyên Lộc sang California chữa bệnh năm 1985, và từ trần bên ấy năm 1987.
Thi sĩ Bùi Giáng từng nhập viện hai lần ở nhà thương điên Biên Hòa. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977. Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi: “Bệnh tái phát từ tháng 4 năm 1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hóa trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3 năm 1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn…”.
Hồi trước 1975, nhà thương điên Biên Hòa nổi tiếng tới mức có thời Biên Hòa đồng nghĩa với… điên. Cho ai đó đi Biên Hòa, có nghĩa là người đó điên tới mức rồi, phải cho vô nhà thương điên thôi.
Nhà thương điên Biên Hòa được xây dựng như một công viên rộng lớn, theo hình bàn cờ, có nhiều cây xanh và thảm cỏ mượt mà. Cả thảy có 20 khoa điều trị, mà trước năm 1975 được gọi là trại, được đặt tên theo số thứ tự, chẵn dành cho nam, lẽ dành cho nữ. Ngoại lệ, không có trại 1 và 2, được thay bằng trại quan sát nữ và trại quan sát nam.
Vào năm 1974 chuyển sang khu quân y, đổi tên thành trại Phượng và trại Dũng, mang tên 2 đứa con của cố bác sĩ giám đốc Tô Dương Hiệp; không có trại 15, được thay bằng trại Nhi Đồng; không có trại 17 và 18, được thay bằng Nông Trại Nữ và Nông Trại Nam – Nay gọi là khoa phục hồi chức năng.
Đa phần các trại có hàng rào dăm bụt, mương thoát nước và lề cỏ may bao bọc. Đặc biệt trại 13 và trại 16 , được xây kiên cố như nhà tù, 1 lầu, 1 trệt, bên ngoài có tường cao giăng kẽm gai bên trên, cổng vào chật hẹp kín bít, bên trong trại có nhiều hàng rào song sắt. Nơi đây giam cầm bịnh án, những bịnh nhân đã từng giết người, hoặc dự tính giết người. Ngày xưa, những ai giả điên trốn lính, đưa vào đây đảm bảo hết điên ngay. Trại Nhi Đồng thì rộng rãi hơn những trại khác, có sân chơi, có cầu tuột, xích đu, bàn quay,…
Trăm năm qua, nhà thương điên Biên Hoà đã có hàng chục ngàn bịnh nhân đến và đi, tất nhiên đi về đâu của bước chân người điên thì chẳng ai biết được. Có một nghĩa trang phía sau dành cho hàng ngàn người ở lại. Có một phòng bảo tàng rất khiêm tốn dành cho những giá trị mà họ để lại. Ở đó có những bút tích, những bài thơ, những bức tranh cũng hết sức khiêm tốn, nhưng, xin chớ vội coi thường, bởi điên mà còn biết trăn trở khi ăn hạt cơm của nhân dân như nhà văn Nguyễn Ngu Í thì quả là một người điên cực kỳ tử tế.
___________________
Chú thích:
(*) https://baotiengdan.com/2020/05/03/du-an-tu-do-cho-blogger-le-anh-hung/;
https://vietnamthoibao.org/vntb-du-an-tu-do-cho-blogger-le-anh-hung/
Lynn Huỳnh, từng có thời gian ngắn là học trò trường Dưỡng Trí Viện, còn được người dân Biên Hoà gọi là trường nhà thương điên. Bởi đây là ngôi trường nằm trong khuôn viên đất bệnh viện, được bác sĩ giám đốc Nguyễn Văn Hoài (giám đốc người Việt đầu tiên của bệnh viện, các thời trước đó toàn người Pháp) cho xây dựng để dạy dỗ con em y bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Trẻ con các vùng lân cận cũng được vô tư cho vào học, không vấn đề gì (chuyện học hành ngày xưa dễ lắm thay!).
Lynn Huỳnh là một trong vài chục học trò thuộc diện “trái tuyến” ấy. Trường luôn có mười lớp, từ lớp một đến lớp năm, năm lớp A dành cho con trai, năm lớp B dành cho con gái. Con trai và con gái luân phiên nhau học tuần sáng, tuần chiều. Tuần học buổi sáng, hầu như không học trò lớp năm nào thích nghỉ học, vì được hát quốc ca và kéo cờ…