VNTB – World Bank: Việt Nam không còn thời gian để lãng phí

VNTB – World Bank: Việt Nam không còn thời gian để lãng phí
 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Hoạt động kinh tế được khôi phục nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đầu vào và lao động tại các tỉnh thành phía Nam…

 

Hiện đang có những rủi ro tiêu cực lớn khi khủng hoảng kéo dài sang năm thứ ba. Sự lây lan của các biến chủng mới – như biến chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm cao – có thể dẫn đến phải tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, và vì vậy, gây thêm thiệt hại cho các nền kinh tế và thương mại quốc tế…

(Trích báo cáo “Không còn thời gian để lãng phí – Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới WB thực hiện, tháng 1-2022).

Sự lúng túng giao thời giữa Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Chính

Theo báo cáo của WB, thì quy mô chính sách tài khóa ứng phó với khủng hoảng của các cấp có thẩm quyền tương đối nhỏ mặc dù Việt Nam còn nhiều dư địa tài khóa.

Thực tế, chính sách tài khóa thắt chặt được áp dụng trong hầu hết thời gian của năm 2021 bất chấp đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 04-2021 và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đi kèm.

Đến cuối tháng 11-2021, ngân sách Nhà nước ước tính bội thu ở mức 120,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD). Tổng giá trị gói hỗ trợ tài khóa năm 2021 được các cấp có thẩm quyền công bố rơi vào khoảng 2,5% GDP, tương đương 55% giá trị gói hỗ trợ tài khóa năm 2020.

Các gói hỗ trợ tương đối nhỏ dành cho doanh nghiệp (vào tháng 04 và tháng 09), và dành cho hộ gia đình và người lao động trong khu vực phi chính thức (tháng 07) chưa được sử dụng hết do những thách thức trong triển khai.

Đến cuối năm 2021, khoảng 72% gói hỗ trợ đến được với người thụ hưởng, trong đó biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chiếm tỷ trọng lớn.

Quá trình triển khai đầu tư công cũng xuất phát chậm trong nửa đầu năm và bị trễ tiến độ đáng kể trong quý III do giãn cách xã hội. Về cơ bản, chính sách tài khóa chưa cung cấp được nhiều hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng cần trợ giúp nhất cũng như chưa hỗ trợ thúc đẩy tổng cầu.

Một mặt, gánh chịu gánh nặng của khủng hoảng mà không tăng chi ở thời điểm hiện tại sẽ không tạo thêm gánh nặng nợ (vay để đối phó với khủng hoảng) cho các thế hệ tương lai.

Mặt khác, không hỗ trợ cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại gây khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho nhiều hộ gia đình và người lao động trong khu vực phi chính thức, có thể làm đảo ngược những thành quả về xóa đói, giảm nghèo mà Việt Nam đạt được trong hai thập niên qua. Bên cạnh đó, đầu tư thấp, nhất là cho cơ sở hạ tầng và vốn con người, có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong tương lai.

Hệ lụy của thói kiêu ngạo chống dịch của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

WB cho rằng sự dè dặt về chính sách đã góp phần dẫn đến thực tế là, khác với năm 2020, Việt Nam không còn đi tiên phong trong việc xử lý tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng.

Trong một năm mà kinh tế phục hồi ở hầu hết các quốc gia so sánh, thì Việt Nam phải vật lộn với giai đoạn đóng cửa kéo dài ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước – thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội – dẫn đến GDP giảm trên 6% trong quý III và làm chệch quá trình phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu năm.

Tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12-2020. Ngược lại, Indonesia, Philippine và Malaysia đều dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam trong năm 2021.

Ngoài ra WB nhận định việc đóng cửa nhà máy và thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn đến tổn thất lớn về việc làm và gia tăng khó khăn cho các hộ gia đình ở Việt Nam.

Ghi nhận của WB cho biết, đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 04-2021 và lây lan ra nhiều tỉnh thành phía Nam và các trung tâm kinh tế lớn – như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội – đã dẫn đến các biện pháp hạn chế đi lại và dịch tễ ngày càng nghiêm ngặt được ban hành từ tháng 05 đến tháng 08-2021.

Tất cả các chỉ số về di chuyển chính đều giảm mạnh kể từ đầu tháng 05. Đến cuối tháng 08, mức độ di chuyển đã giảm 60% đến 75%, cao hơn so với mức giảm được ghi nhận vào tháng 04-2020 khi lần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc.

Khi tình hình lây nhiễm dịu xuống vào giữa tháng 09-2021 và tỷ lệ tiêm vắc-xin tăng mạnh, các cấp có thẩm quyền tuyên bố chuyển từ chính sách “Không Covid” sang chính sách “Sống chung với Covid-19”. Đến đầu tháng 10-2021, nhiều tỉnh thành – gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh – bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.

Hoạt động kinh tế được khôi phục nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đầu vào và lao động tại các tỉnh thành phía Nam…

Người dân lãnh đủ

Đáng ngại hơn, theo khảo sát hộ gia đình được thực hiện từ đầu tháng 08-2021 của Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP), để ứng phó với tình trạng mất thu nhập, các hộ gia đình bị ảnh hưởng phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là tiền điện và tiền mua lương thực, thực phẩm, và phải vay mượn từ bạn bè, mặc dù vay mượn ngày càng khó khăn khi những người quen biết cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều hộ gia đình phải giảm lượng thức ăn trong bữa hoặc số lượng bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, hai phần ba số hộ gia đình tham gia khảo sát gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nữ giới dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn nam giới. Người nhập cư sống trong các khu trọ chật chội đông đúc cũng gặp những vấn đề này nhiều hơn. Cú sốc này có thể để lại hệ quả lâu dài về phúc lợi của người dân sau khi Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Giời ạ, thời gian là thứ VN dư thừa nhất thế giới . Hà Nội không vội được đâu . Rồi bao nhiêu trí thức nước mềnh mong dân sống chậm lại, thêm Thích Nhất Hạnh, thêm triết lý nhà Phật bắt đầu lên ngôi . Nội dân mềnh cứ ngồi nhà nghiền ngẫm triết lý Phật giáo, rồi nghiệm ra triết lý sống, hết sạch thời gian để làm bất cứ 1 thứ gì khác luôn . Cứ thử tưởng tượng lãnh đạo mình cũng nghe theo trí thức, bế quan nghiền ngẫm kinh Phật, mặc kệ cho đất nước muốn ra sao thì ra . Vui phải biết!