Tú Anh dịch
(VNTB) – Kể từ sau sự hòa giải đầy kịch tính vào thập niên 70, quan hệ Mỹ – Trung Quốc chưa bao giờ tiêu cực đếnnhư vậy, cho tới này cả hai nước xoay sở để tránh xung đột lớn, nhưng đại dịch virus corona đã phơi bày khả năng mối quan hệ hai bên sẽ ngày càng xấu đi.
Năm ngoái, một số người xem mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng lạnh nhạt là một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng đó là một sự mô tả không chính xác.
Bối cảnh chung của quan hệ Mỹ-Trung rất khác với điều kiện địa chính trị trong thời chiến tranh lạnh giữa Washington và Moscow 40 năm trước. Có hai yếu tố chính khiến việc tăng cường quan hệ chính trị và chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh không làm tổn hại.
Thứ nhất, không giống như Liên Xô, Trung Quốc không cố gắng truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới. Trong những năm gần đây, cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến kinh tế và quân sự, chứ không phải ý thức hệ.
Thứ hai, mạng lưới quan hệ thương mại và đầu tư khổng lồ đã đặt nền tảng cho quan hệ Trung-Mỹ và cân bằng các lĩnh vực khác. Ngược lại, chẳng có thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Liên Xô.
Cho đến gần đây, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có xu hướng loại trừ khả năng rằng mối quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng có thể trở thành một cuộc đối đầu toàn diện.
Tuy nhiên, hai yếu tố chính này đang tiêu tan dần, và điều đặc biệt đáng lo ngại là ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy xung đột giữa Trung – Mỹ đang có vẻ nhuốm màu ý thức hệ.
Trong đại dịch corona, số người chết ở Mỹ đã vượt quá số lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam, kéo dài 9 năm. Cơn giận của người Mỹ trước sự tàn phá của đại dịch đang ngày càng hướng vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong chính phủ và Quốc hội Mỹ tin rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Những người ủng hộ quan điểm này nói rằng việc Trung Quốc ban đầu cố che đậy sự nguy hiểm của virus gây ra COVID-19 đã giết chết hàng chục ngàn người Mỹ. Họ tin rằng hành động che đậy thảm khốc của Bắc Kinh phản ánh bản chất xấu xa của ĐCSTQ, vốn đàn áp tự do ngôn luận và cai trị bằng nắm đấm sắt.
Ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ xem ĐCSTQ là nguyên nhân cốt lõi gây ra “vấn đề Trung Quốc”. Phong trào này ngày càng giống như một cuộc chiến ý thức hệ, tấn công vào chính bản chất của đảng cầm quyền Trung Quốc, mà không chỉ là hành vi của ĐCSTQ.
Lãnh đạo cuộc chiến này là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, ông tuyên bố rằng virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Theo một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Pompeo tin rằng chế độ ĐCSTQ không bao giờ đáng tin. Nhưng Pompeo không phải là người duy nhất trong Nhà Trắng bị mất lòng tin trầm trọng như vậy.
Các nguồn tin ở Washington nói rằng mặc dù quan điểm “ĐCSTQ xấu xa về bản chất” chưa phổ biến trong chính phủ Mỹ, thì quan điểm này đã phổ biến trong giới hoạch định chính sách nước này từ lâu.
Đồng thời, các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã phổ biến một số thông tin rằng chế độ cộng sản vượt trội hơn hệ thống dân chủ phương Tây, và chỉ ra rằng rất lâu sau khi Trung Quốc chế ngự được dịch bệnh, các nước lớn phương Tây vẫn trong tình trạng chật vật phòng chống.
Một số quan chức ĐCSTQ đưa ra thuyết âm mưu rằng, Mỹ lợi dụng cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông và dịch bệnh corona để làm suy yếu Trung Quốc.
Đây là những dấu hiệu đáng báo động về một cuộc xung đột thực sự nguy hiểmgiữa Washington và Bắc Kinh đang hình thành. Nếu xã hội Mỹ và Trung Quốc vẫn ràng buộc với nhau bằng cả mạng lưới tương tác kinh tế song phương đan xen sức mạnh của toàn cầu hóa kinh tế, thì mới có thể tránh được một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện.
Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy quá trình chia rẽ giữa hai quốc gia.
Theo Reuters, chính phủ Mỹ hiện đang xem xét các biện pháp để giảm phụ thuộc vào các nguồn cung khác nhau từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch sử dụng cắt giảm thuế quan và trợ cấp chính phủ để khuyến khích các công ty Mỹ di dời các hoạt động sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Ưu tiên trước tiên là nguồn cung cấp y tế và chăm sóc sức khỏe vốn vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu Trung Quốc. Tuy nhiên, phạm vi của sáng kiến chính sách này sẽ được mở rộng để bao quát nhiều lĩnh vực, bao gồm các sản phẩm cung cấp điện, viễn thông, công nghệ thông tin và giao thông vận tải.
Hoa Kỳ đã cấm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, tham gia mạng 5G. Nhưng động thái này chủ yếu là nhằm giúp an ninh quốc gia chống lại gián điệp mạng Trung Quốc.
Những gì bắt đầu diễn ra trong chính phủ Hoa Kỳ là một chính sách sâu rộng nhằm loại bỏ sự hiện diện của Trung Quốc càng nhiều càng tốt trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ. Đây là một cuộc chiến với tác động toàn cầu lớn hơn nhiều.
Ngay cả khi cựu Phó Tổng thống Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, những xung đột rủi ro cao như vậy sẽ không giảm đi vì nguyên nhân sâu xa chính là chương trình nghị sự chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình cho biết tại Đại hội ĐCSTQ vào tháng 10 năm 2017 rằng vào năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường toàn cầu cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tập do đó đã phát triển một chiến lược để đạt được mục tiêu này thông qua ngân sách khổng lồ dành cho quân sự, và công nghệ công tiên tiến.
Tập Cận Bình cũng đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua “Sáng kiến vành đai và con đường”, đồng thời cố gắng làm suy yếu uy quyền của Mỹ trên mạng và trong không gian.
Kế hoạch của Tập Cận Bình đã khơi dậy bản năng quyền lực và lãnh đạo ở Mỹ. Ngay cả trong những ngày cuối cùng của chính quyền Barack Obama, quan hệ song phương đã bắt đầu căng thẳng.
Tổng thống Trump chỉ tăng tốc xu hướng này. Một cựu quan chức chính quyền Obama, người tư vấn cho ông Biden về chính sách đối ngoại cho biết quá trình này sẽ không bị đảo ngược.
Chính phủ Biden sẽ mở rộng hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh để đạt được các mục tiêu chính sách về Trung Quốc, nhưng họ sẽ không nhẹ nhàng hơn trong các vấn đề an ninh, nhân quyền và thương mại với Bắc Kinh, cựu quan chức nói.
Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có tác động toàn cầu lớn hơn nhiều so với cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô.
Trung Quốc mạnh hơn về kinh tế và công nghệ so với Liên Xô, và đang bắt kịp Mỹ trong các lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là hai nước có thể đối đầu khốc liệt trong những thập kỷ tới.
Tình huống này có thể tránh được trong ba trường hợp: (1) nếu ĐCSTQ ngừng thay đổi trật tự thế giới hiện tại theo tầm nhìn của mình; (2) nếu Washington chấp nhận tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc; (3) hoặc nếu kết hợp cả hai trường hợp nêu trên.
Đối với các nền dân chủ châu Á và châu Âu, trường hợp thứ nhất rõ ràng là tốt nhất. Đây là lý do tại sao các đồng minh chính của Mỹ như – Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các nước châu Âu – nên hợp tác để buộc Bắc Kinh có trách nhiệm hơn nhằm ngăn chặn xung đột ý thức hệ và chiến lược giữa siêu cường đang hình thành.
Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Comment/Coronavirus-pandemic-pushes-US-and-China-into-new-Cold-War