Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đối thoại – Thêm bạn bớt thù. Tại sao không?

Đối thoại

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nhà báo Lưu Trọng Văn có một chia sẻ ở tài khoản cá nhân facebook của ông, rằng vì sao không tử tế mà trao đổi sòng phẳng với nhau như những người đàn ông, thay cho việc hầm hè đe dọa bắt bỏ tù của ụp chiếc mũ chính trị hóa?

Nhà báo Lưu Trọng Văn, viết:

“Trần Quốc Hương ông trùm tình báo Việt Nam, người chỉ huy trực tiếp các nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt. Biết ông Hương là cộng sản thứ thiệt, chính Ngô Đình Nhu đã bay từ Sài Gòn ra Huế, không phải để phỏng vấn tra hỏi, mà để… đối thoại.

Sau cuộc đối thoại đó Ngô Đình Nhu còn nhiều cuộc gặp Trần Quốc Hương để lắng nghe tiếng nói phía đối nghịch. Ông Nhu nói với ông Hương: tôi đang viết chính đề cho Việt Nam Cộng Hòa, tôi sẽ đưa một số ý kiến của anh vào.

Đó là những gì Trần Quốc Hương kể cho các nhà văn ở trại viết Đà Lạt, người ghi lại là Nguyễn Hồng Lam.

Đối thoại?

Phạm Hồng Phong, phó chánh án Toà án tối cao tại TP.HCM đã chửi thẳng thừng tại Quốc hội, rằng “hãy cảnh giác với thế lực thù địch đang chống phá”, khi phản ứng với những ai phê phán các quan toà gây ra bao vụ oan sai.

Đối thoại?

Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm vì không có lãnh đạo như Ngô Đình Nhu dám và biết lắng nghe, không chỉ người có ý kiến khác mình, mà biết lắng nghe cả kẻ đối nghịch, nên đã đẩy người dân tranh chấp dân sự thành kẻ chống phá, thành thế lực thù địch, dẫn đến đổ máu tang thương.

Vì không có nhà lãnh đạo có tâm, biết thành tâm đối thoại để tìm ra sự thật, mà những dân oan cởi truồng chặn xe đại biểu Quốc hội ngay giữa thủ đô văn hiến.

Mà có dân oan phải tự tử để hy vọng ánh sáng công lý chiếu rọi.

Đối thoại?

Đối thoại!

Võ Văn Thưởng từng đề xuất nghị quyết về Đối thoại thay vì nghi kỵ biến người phản biện có ý khác thành thế lực thù địch. Rất tiếc Bộ Chính trị không thông qua.

Đối thoại?

Đối thoại!

Vì Trường Chinh không đối thoại với Kim Ngọc, nên đất nước đói nghèo với mô hình hợp tác xã cha chung không ai khóc.

Và cũng chính Trường Chinh vì dám thay đổi chính mình, đã trực tiếp đối thoại với các doanh nhân Sài Gòn, nên đã có nghị quyết Sáu phá bỏ quan liêu bao cấp, mở ra chân trời mới cho đất nước.

Nếu Nguyễn Phú Trọng tự hỏi vì sao Trần Huỳnh Duy Thức tác giả chiến lược “Con đường Việt Nam” bị tù 16 năm, nhưng lại được nhiều trí thức tinh hoa và nhà phản biện dân chủ yêu nước tôn trọng, tôn vinh coi như biểu tượng của họ? Rồi chủ động đối thoại như Ngô Đình Nhu đối thoại với Trần Quốc Hương, thì cái gọi là “thế lực thù địch” như Phạm Hồng Phong lo ngại sẽ tự biến mất, trên tổ quốc mà tất cả chúng ta cùng yêu thương, chỉ còn những tấm lòng vì nước vì dân cùng hài hoà, dung hoà gạt qua khác biệt vì mục tiêu chung: quốc gia, dân tộc.

Đối thoại: Thêm bạn bớt thù!

Tại sao không?”. (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2679555372369683&id=100009457401127)

Xin được tiếp mệnh đề “Đối thoại – Thêm bạn bớt thù. Tại sao không?”

Nếu nhà chức trách tử tế để cùng chia sẻ những băn khoăn về thời cuộc với đảng viên Phạm Chí Dũng – một cán bộ nguồn được đào tạo bài bản tại Đức chuyên ngành chứng khoán, thì có lẽ sẽ không nỗi nào tình cảnh của người trí thức tâm huyết ấy buộc phải tuyên bố trả lại tấm thẻ đảng viên, và Phạm Chí Dũng đã dùng ngồi bút của mình cho đấu tranh với tâm thế một công dân đòi hỏi những quyền mà người dân phải được thụ hưởng, đúng như nội dung mà trăm năm trước Nguyễn Ái Quốc đã dõng dạc với “Yêu sách của nhân dân An Nam” (xem thêm *).

Không thế lực chính trị nào đã chọn việc bắt bỏ tù người đưa ra “Yêu sách của nhân dân An Nam” đó. Nhưng, với Phạm Chí Dũng thì ông nhiều lần bị đe dọa ‘hình sự hóa’ một quyền dân sự hiển nhiên ấy, và đến tháng 11-2019, ông lâm cảnh lao tù.

Nguyễn Ái Quốc viết “Yêu sách của nhân dân An Nam” lúc ông 29 tuổi.

Gần trăm năm sau đó, có một người trẻ được đào tạo bài bản như Phạm Chí Dũng, ở tuổi vừa ngoài 30 đã được nhà chức trách xem là “thế lực thù địch”, chỉ vì anh đồng tình, và kiên quyết đấu tranh hệt tấm gương Nguyễn Ái Quốc cho yêu cầu tương tự như tiền nhân ở trăm năm trước:

“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;  4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”. (**)

Vì sao không đối thoại với Phạm Chí Dũng?

Vì sao không đối thoại với người trẻ hôm nay về yêu cầu của tiền nhân cho những đòi hỏi của người dân hiện tại?

Vì sao lại không thể sòng phẳng đối thoại để lời lẽ sẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ?.

Một chút lạc quan, có lẽ đành phải chờ đợi ít nhất là đến khi ca khúc “Việt Nam, Việt Nam” của cố nhạc sĩ Phạm Duy được cho phép hát trên những chương trình ở sóng truyền hình, ở các đại nhạc hội của nhà nước Việt Nam.

Còn giờ thì có lẽ người ta vẫn ngại ngần những ca từ:

“Việt Nam đem vào sông núi

Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…

Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời

Tình Yêu đây là khí giới

Tình Thương đem về muôn nơi

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người…”.

Một chút nói thêm về “thư đi” mà không có “tin lại”.

Sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, một bài báo trên tờ Thanh Niên số phát hành ngày 30/1/2013, có đề tựa “Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời”, phổ biến một lá thư của ông (không đề ngày) gửi đến “giới chức có thẩm quyền” xin cấp phép cho phổ biến ca khúc “Việt Nam, Việt Nam”. Thư có đoạn (xem thêm ***):

“Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề ‘Việt Nam, Việt Nam’ sáng tác từ 1960, rút trong trường ca ‘Mẹ Việt Nam’, là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó… (lời ca bài ‘Việt Nam, Việt Nam’). Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến.” (thư kèm một CD gồm hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam”).

Một lá thư khác, cũng theo bài báo ấy, dài đến mười trang của giáo sư Trần Văn Khê (6/2012), người bạn cố tri của Phạm Duy, nội dung đề nghị cấp phép phổ biến hai trường ca của Phạm Duy là “Con đường cái quan” và “Mẹ Việt Nam” (kết thúc bằng chung khúc “Việt Nam, Việt Nam”). Thư có đoạn:

“Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn… Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn Hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để giúp cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân… Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh… để thấy rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào, từ trong nội tại tâm hồn đến cảnh vật bên ngoài, luôn lấp lánh cái bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau”.

Cả hai lá thư với lời lẽ thiết tha ấy đều “thư đi” mà không có “tin lại”.

________________

Chú thích

(*) http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/100-nam-ban-yeu-sach-cua-nhan-dan-an-nam-122240

(**) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 1, trang 469-470.

(***) https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-pham-duy-tam-nguyen-cuoi-doi-40719.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Từ sân sau trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông tiến sĩ Bùi Văn Cường chịu thiệt hại gì khi bị “vu khống”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà nước đại diện nhưng Nhà nước là ai?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo