Khánh Hòa
(VNTB) – “Cán bộ công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng, đề nghị dừng lại ngay. Bây giờ trong cả thời Covid-19 mà cũng còn tham nhũng thì dân không thể nào chấp nhận được”.
Báo chí đã trích lời của ông Lưu Bình Nhưỡng khi ông phát biểu thảo luận kinh tế – xã hội sáng 15-6. Ông Lưu Bình Nhưỡng là phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Liên quan đến chuyện cán bộ tham nhũng, trong một đề xuất hồi cuối tháng 5-2020 của sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thì cần có cơ chế, quy trình để doanh nghiệp tố cáo cán bộ tham nhũng.
Trong một báo cáo của sở này gửi trình lãnh đạo UBND TP.HCM, về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố giai đoạn 2016-2019, thì các chỉ số thành phần PCI của TP.HCM trong giai đoạn 2016-2019 có tăng nhưng không nhiều – tăng 5,4 điểm trong 04 năm; trong khi các tỉnh thành khác có sự tăng mạnh về điểm số nên dẫn đến việc TP.HCM xuống hạng: năm 2016: hạng 8, năm 2017: hạng 8, năm 2018: hạng 10 và năm 2019: hạng 14.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng để tăng chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cần xây dựng ngay cơ chế, quy trình giúp doanh nghiệp tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ.
Trong thời gian chờ đợi cho việc thực thi các chính sách vẫn đang dừng ở mức đề xuất kiến nghị, hoặc mới chỉ là khuyến cáo như lời của ông Lưu Bình Nhưỡng, thì tổ chức Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (M.net) cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đã công bố triển khai Sáng kiến giám sát độc lập M-score để thu thập ý kiến phản hồi của người dân, về việc triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết Định số 15/2020-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Đây là gói hỗ trợ an sinh trị giá 62 ngàn tỷ mà báo chí đã đăng tải, song chưa thấy tường thuật cụ thể việc giải ngân tiến độ ra sao, và hình ảnh tuyên truyền cho những người dân gặp khó khăn đã được nhận khoản tiền an sinh này.
Thông cáo báo chí của tổ chức Oxfam tại Việt Nam, viết: “Oxfam phối hợp với Mạng lưới lao động di cư – Mnet , Công ty thời gian thực RTA và các chuyên gia đầu ngành xây dựng 1 Khung hướng dẫn Giám sát chung quá trình triển khai gói cứu trợ nhằm hỗ trợ Mặt trận tổ quốc – đồng thời cũng bao gồm các tổ chức chính trị xã hội (trực thuộc Mặt trận tổ quốc) như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Công đoàn và Hội Cựu chiến binh triển khai giám sát gói hỗ trợ này một cách hiệu quả. Bảng hỏi khảo sát ý kiến người dân thông qua website và đường dây nóng về gói 62k tỷ áp dụng Hệ thống M-score là một sáng kiến để thực hiện khung Giám sát đánh giá. Mục tiêu của bảng hỏi nhằm đảm bảo:
– Người dân lên tiếng khi họ tự đánh giá mình thuộc đối tượng được hưởng lợi nhưng không có thông tin hay không được tham gia;
– Người dân lên tiếng về bất cập, nhũng nhiễu, khó khăn khi làm hồ sơ/thủ tục và kiến nghị thay đổi (danh tính người dân sẽ được giữ kín).
Các thông tin người dân cung cấp và chia sẻ chỉ sử dụng với mục đích là Kênh phản hồi độc lập để chính quyền địa phương kiểm chứng lại kết quả triển khai thực hiện gói hỗ trợ và được đảm bảo bảo mật thông tin và không chia sẻ với bất kỳ ai khác mà không có sự đồng ý trước của người cung cấp thông tin”.
Bà Nguyễn Thu Giang, trưởng Ban điều hành M.net cho biết sáng kiến này được triển khai đồng loạt trên các tỉnh thành mà M.net đang hoạt động, bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng. Ngoài ra, cơ chế này cũng được triển khai ở các tỉnh thành khác thông qua các tổ chức xã hội khác, như Mạng lưới Tiên phong vì Tiếng nói người Dân tộc thiểu số, và Liên minh Minh bạch Ngân sách.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Oxfam đặc biệt quan tâm tới quyền và lợi ích của người nghèo và người yếu thế. Sáng kiến này sẽ tạo thêm cơ hội để người dân thuận tiện và tự tin gửi ý kiến phản hồi, từ đó chính quyền địa phương sẽ có thông tin chính xác, kịp thời và có chất lượng để cung cấp dịch vụ được tốt hơn”.
Hiện tại, báo chí ở Sài Gòn vẫn chưa thấy loan tin tức về danh tánh vài người dân nghèo và yếu thế nào đó đã nhận được số tiền hỗ trợ từ gói 62 ngàn tỷ như thông báo của chính phủ.