Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần nhân rộng việc đối thoại với người dân

đối thoại với dân

Quang Nhựt

(VNTB) – Nếu chính quyền thực hiện được những cuộc đối thoại với người dân, lắng nghe dân nói, chỉnh sửa việc làm sao cho phù hợp với lòng dân thì tốt biết bao!

Tôi không phải là một phóng viên, càng không phải là một “fan cứng” của Việt Nam Thời Báo, tôi chỉ là một độc giả. Sau khi đọc xong bài viết của tác giả Trúc Ngọc (*), về chuyện nếu chính quyền thật sự muốn lắng nghe, đối thoại với người dân, thì điều đó rất đáng để ghi nhận.

Đối thoại là một trong hai kiểu giao tiếp ngôn từ nghệ thuật cơ bản, bên cạnh độc thoại. Nói một cách dễ hiểu, đối thoại là sự giao tiếp qua lại giữa người với người. Khi người A nói thì người B nghe và ngược lại. Điều đó không đồng nghĩa với việc “động tay động chân” hay sử dụng “bất kỳ công cuộc” nào trong cuộc đối thoại.

Có người đặt ra câu hỏi: “Bạn có bao giờ đặt mình vào vai trò của người trong cuộc hay người đang bức xúc chưa mà nói cho hay?”.

Lẽ hiển nhiên, khi con người bị chèn ép vào bước đường cùng thì buộc lòng phải thể hiện ra bằng tay chân. Tuy nhiên, còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, nơi chốn. Nó tựa như việc bước chân vào nơi trang nghiêm phải ăn mặc chỉnh tề vậy. Ngay cả ở ngoài đường, ngoài chợ, việc bạn cố tình mạt sát một người nào đó hay cầm đồ “chọi” một đối tượng nào đó, nếu bạn không có vấn đề về thần kinh, cũng sẽ rơi vào tình huống gây rối trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho người khác.

Nên nhớ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định trong Hiến pháp.

Trong một cuộc trao đổi hoặc bảo vệ một vấn đề nào đó trước cả hội đồng học thuật chẳng hạn, người bảo vệ phải trả lời tất cả những câu hỏi của quan khách. Đồng ý một điều, có những câu trả lời không thỏa mãn ý muốn của người đặt ra, hoặc thậm chí sẽ gây ra bức xúc. Vậy thì khi đó sẽ thế nào? Sẽ ném một cái gì đó lên người đang trình bày vấn đề? Hay sẽ bước thẳng lên bục và hành động vũ lực ‘táng’ ai đó một cái?

Nhiều ý kiến lên án hành động của một số người mặc sắc phục là sai khi đàn áp người biểu tình ôn hòa. Những nhân viên công lực này đã sử dụng bạo lực để ép buộc người khác phải dừng việc biểu tình, vốn cũng là một quyền hiến định.

Đã thấy họ sai, không lẽ giờ đến lượt mình khi tham gia cuộc đối thoại nào đó cũng làm như họ? Đó là chưa kể những hành động đó còn làm xấu đi hình ảnh một Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Bởi lẽ chỉ khi lời nói, lý lẽ vào đường cùng, con người mới phải sử dụng đến bạo lực.

Rồi cũng có người sẽ ý kiến, nếu không làm vậy thì mấy người đó vốn là các quan bề trên sẽ còn hách dịch thêm nữa? Đồng ý, nhưng Việt Nam là đất nước có luật pháp hẳn hoi, sao người dân không thử như nước ngoài, khi có chuyện gì xảy ra, cứ làm đúng theo thủ tục của pháp luật. Báo chí từng đăng rằng “Việt Nam của dân, do dân, vì dân”, xu thế hội nhập và phát triển, hy vọng rằng chính quyền sẽ không để “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Thật sự mà nói, không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở tỉnh, chính quyền thực hiện được những cuộc đối thoại với người dân, lắng nghe dân nói, chỉnh sửa việc làm sao cho phù hợp với lòng dân thì tốt biết bao. Con người có đúng có sai, “núi này cao có núi khác cao hơn”, cũng có không ít câu chuyện nói về những con người tài giỏi trong nhân gian mà chưa phát hiện được, những đóng góp của họ là đáng để ghi nhận. Nhưng điều này cần phải đồng bộ cả cấp tỉnh lẫn đến phường, xã.

Tôi nhớ lúc trước ông Hai, một người bà con, kể: “Chuyện này cũng không phải mới xảy ra nhưng tui nhớ hoài luôn. Kế nhà tui có cái bà làm chức gì đó. Hai nhà đối diện nhau, đường làng nhỏ. Bả kêu phía bên tui đập tường, lùi nhà vô đi, mở rộng đường đi.

Lúc đầu thì tui nghĩ thôi đường chung, mình hy sinh một tí cũng không sao, bả đề xuất vậy chắc bả cũng sẽ bỏ ra một miếng. Mỗi người một ít vì cái chung. Ai dè đâu bả không bỏ ra. Phía bên kia đường cũng không ai bỏ ra luôn. Cái tui không đồng ý, phản ứng.

Bả nói không đồng ý cũng không được, mấy nhà phía trước đã bị bả áp lực lùi vào rồi, còn nhà ông với nhà ông T., phải lùi vào. May mắn là con tui học ở Sài Gòn, nó biết chuyện, gửi đơn lên các cơ quan của tỉnh, rồi tờ báo Tỉnh ủy xuống ghi nhận. Lúc đó bả mới thôi. Rồi bả dọn đi đâu tui cũng không biết. Qua vụ đó thì tui thấy một vài cơ quan của tỉnh cũng được, có điều địa phương nhiều người bá đạo quá”.

Qua chia sẻ của ông Hai, nếu như không có người con ‘học ở Sài Gòn’ biết luật, thì liệu cuộc sống của ông sẽ như thế nào? Khi đó chẳng phải “luật là tao, tao là luật” trở thành quá đúng hay sao?

Nói tóm lại, đối thoại là một trong những loại “văn hóa giao tiếp”. Nếu chính quyền đã chấp nhận lắng nghe, suy nghĩ và đưa ra phương pháp giải quyết, người dân cũng nên cố gắng tiết chế cảm xúc trong… giao tiếp.

____________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-chinh-quyen-doi-thoai-voi-nguoi-dan

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà ở xã hội: ế vậy sao

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Họ vẫn “đối thoại” đấy chứ

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về pháp luật đến người dân

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo