Út Sài Gòn
(VNTB) – Người Sài Gòn quạu quá nên chơi chữ như trên, chứ chẳng có ý gì xúc phạm về một người đã khuất.
Cơn mưa chiều tối hôm rồi khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh bị ngập rất nặng. Có thể nói đây là một hình ảnh quá quen thuộc. Cũng có nhiều biện pháp đề ra, chính quyền cũng chi trả khoản tiền cho vấn đề này. Song, đâu vẫn hoàn đấy, chỉ còn tiền ngân sách là sứt mẻ thôi.
– Thiệt chán quá đi à…
– Có chuyện gì mà mới sáng sớm đã than vậy bà Bảy?
– Thì vụ ngập chứ đâu. Bữa hôm rồi đó, Sài Gòn mình mưa quá trời, đường ngập tùm lum rồi tràn cả vào nhà. Mình trở tay không kịp con nước luôn, tủ lạnh rồi một số vật dụng khác bị ướt. Nước tràn vào cả bàn thờ ông thần tài thổ địa luôn. Cả buổi tối phải lấy ca tạt nước ra ngoài.
– Phải công nhận bữa đó mưa to thiệt. Thằng cháu tui từ Bình Dương về, gặp trời mưa. Lúc trước đã ngập, còn đỡ đỡ. Bây giờ ngập một phát là muốn hết cái xe, thậm chí xe hơi còn tắt máy. Một số người còn bị ướt ba-lô, bên trong có điện thoại, laptop. Tiệm sửa xe thì không nhận khách nữa bởi xe sửa quá nhiều.
Nói đi cũng nói lại, tuy đường ngập, gây nhiều bất tiện cho người dân, song cũng thấy vai trò của chiếc xe máy là như thế nào? Trời mưa xuống, nước bắt đầu “dâng”, rất thường xảy ra hiện tượng kẹt xe (nhất là khu vực Nguyễn Xí, bến xe miền đông).
Lẽ hiển nhiên là không ai muốn mình chạy vào khu vực ngập nước, nhất là xe hơi, sẽ có nguy cơ bị thủy kích (dĩ nhiên là cũng có thể sẽ có tài xế tay lái lụa bất chấp tất cả), xe buýt thì hoạt động theo giờ, những lúc đó, chiếc xe máy là phương tiện hữu hiệu để di chuyển. Tuy cũng có thể dễ dàng bị vô nước, song việc sửa một chiếc xe máy khi đó sẽ dễ dàng hơn so với xe hơi (ở các tiệm sửa xe ven đường).
– Mà sao tui thấy cái câu chuyện về mỗi lần mưa là ngập còn hoài thế này. Chính quyền mình cũng đầu tư vào việc cải thiện chất lượng đường sá lắm rồi mà.
– Đồng ý. Có điều tui vẫn thấy không ổn thế nào á. Điển hình như một số con đường, tui thấy đâu có hư hao gì, cũng đào lên, rồi lấp lại. Mà khi lấp lại, đâu có đều đâu, lởm chởm, chỗ cao chỗ thấp. Đó là chưa kể có mấy cái cống ở giữa đường nữa…
– Ông nói sao chứ người ta làm cống kiểu vậy, phòng nước ngập giữa đường nó rút.
– Nếu đúng như vậy thì tui cũng cảm ơn. Có đoạn tui đi, cái cống nó còn cao hơn cái đường, xung quanh ngập quá trời…
Nói vậy thôi, như tụi mình còn đỡ. Với mấy người mưu sinh trong mưa, họ còn cực nữa. Như bữa tui có nói chuyện với một ông xe ôm tên Tuyền, ổng chia sẻ vậy nè: “Mưa kiểu này mình thấy sợ lắm. Đường ngập là một lẽ, rồi còn sợ cái con virus cúm Tàu nữa. Mà giờ cũng phải ra đây mình vẫn chạy để kiếm tiền mua gạo chứ biết làm sao? Mùa mưa này rồi không biết chừng nào mới hết dịch đây, để còn làm ăn. Trông cho nó mau hết dịch, cho bà con dễ sống”.
– Có điều này ngộ lắm ông, chiều mới đây nè, tui có đọc một bản tin của một tờ báo mà dân mình hay nói là đáng tin cậy. Người ta ghi nhận trong khi thực tế mưa ngập sâu, tắt máy xe, người dân phải chật vật trong việc tìm đường về. Vậy mà theo ghi nhận của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, thì nước chỉ ngập tới mắc cá chân thôi à. Cho nên báo mới đặt ra câu hỏi, “Đêm qua toàn TP.HCM chỉ có 38 điểm ngập chưa qua đầu gối: Dân tin được không?”.
– Thì chắc là mấy ông hạ tầng khi đó đang ở nhà với vợ con nên chẳng biết. Đâu có phải như người dân, đi làm về, có người phải thức trắng đêm luôn. Chắc sau giấc ngủ đêm, khi trời sáng mấy người đó ra đường, nước rút bớt rồi, họ thấy vậy nên họ báo cáo vậy thôi mà.
– Mà nói nào ngay, không biết do dân mình quá quen với cảnh ngập hay đã chán ngán với tình trạng “hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều” nên giờ cũng chẳng thèm quan tâm bao giờ sửa nữa. Bữa thằng cháu tui đi phỏng vấn tình hình đường ngập ở khu Thanh Đa, người dân họ kêu cũng có báo chí xuống ầm ầm, cũng phỏng vấn lên đài, rồi người dân cũng góp ý. Cuối cùng ngập vẫn ngập, riết họ chán luôn.
– Thì cũng như tui với bà thôi, năm nào cũng nói, mà có được lợi ích gì đâu? Giữ sức tát nước cho khỏe. Chính quyền cũng đề ra phương pháp này rồi biện pháp nọ, cuối cùng mưa rồi cũng ngập. Không biết bao giờ mới giải quyết được một cách triệt để đây!
Thành phố Hồ Chí Minh khác Sài Gòn ở chỗ, hễ mưa thường là ngập, tựa như là một câu chuyện nhiều kỳ và vẫn chưa có… hồi kết…