Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu có cạnh tranh một cách tử tế, thì…

Trần Đoàn Khánh Vân

(VNTB) – Theo Điều lệ Đảng, thì thì Ban Chấp hành Trung ương có quyền xem xét cả về vấn đề Hiến pháp, trước khi Quốc hội thông qua.

“Hiện nay có tình trạng là thể chế có, cơ chế có nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì rất vướng mắc, thậm chí thể chế đó không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Trong trường hợp đó nếu không có những đột phá vì lợi ích chung thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội”.

Phát biểu trên là của ông Nguyễn Đức Hà, cựu Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, khi ông trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 17-8, với tít bài là “Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm” (*).

Bài phỏng vấn dường như muốn đưa đến người đọc một vấn nạn trầm kha:

“Trong một thời gian, chúng ta buông lỏng công tác quản lý, cộng với thể chế, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, đầy đủ, thiếu đồng bộ, thậm chí văn bản này trái văn bản kia nên mới có câu nói vừa buồn, vừa đau lòng là: “Sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”. Vì sao lại như vậy? Vì sáng nay anh dựa vào văn bản A để thực hiện thì đúng, chiều lục tìm thì lại thấy có văn bản B soi ra lại thấy sai. Đến sáng mai lại tìm ra một văn bản khác thì thấy dựa vào văn bản A là đúng… Đó là cách nói ví von, song thực tế cũng có câu chuyện đấy xảy ra” – ông Nguyễn Đức Hà, diễn giải.

Lập luận chung của vị cựu Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, trong bài báo thể hiện qua dạng “hỏi – đáp”, cho thấy toát lên một điểm chung là, “điều quan trọng nhất theo tôi vẫn là người thực hiện. Có trường hợp thể chế đầy đủ, rõ ràng rồi nhưng vẫn cố tình làm sai”.

Nôm na, rất có thể ông Nguyễn Đức Hà muốn nói rằng về nguyên tắc thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị luôn đưa ra chính sách đúng, và việc làm sai chính sách thuộc về các cấp bên dưới. Hoặc cũng có thể ẩn tình ở đây rằng mặc dù là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, song tùy lúc, tùy nhiệm kỳ mà những người đứng đầu Đảng đã có biểu hiện khác nhau về cái gọi là “trung thành lợi ích”, với những cân bằng sai biệt của trục “giai cấp công nhân – nhân dân lao động – dân tộc”.

Vẫn theo nhận xét của ông Nguyễn Đức Hà, thì, “Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, chúng ta mất rất nhiều cán bộ, cũng đau lòng, xót xa lắm, nhưng vẫn phải xử lý. Việc xử lý này giúp lập lại được kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước để mọi việc đi vào đúng quỹ đạo.

Song từ thực tiễn cũng đặt ra một vấn đề đáng lưu tâm là việc xuất hiện tâm lý chờ đợi, tâm lý lo sợ, tâm lý giữ mình, tâm lý làm chậm, thậm chí không làm còn hơn là bị kỷ luật. Điều này làm thui chột, giảm tính sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ. Vì thế, Bộ Chính trị mới giao Ban Tổ chức Trung ương xây dựng quy định để vẫn giữ được kỷ cương, kỷ luật, song vẫn tạo được môi trường để cán bộ làm việc, cống hiến, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, tức là vừa có thể đi theo trình tự nhưng cũng có thể đi tắt đón đầu, tạo ra những đột phá cho mỗi cơ quan, đơn vị”.

Từ đánh giá như đoạn trích trên, cho thấy xem ra ở đây nếu xét về ‘lỗi căn bản’, thì đó lại đến từ cấp cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Và nếu xét từ giác độ ấy, thì trách nhiệm cuối cùng cần được điều chỉnh theo Hiến định tại Điều 4.2 “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Thế nhưng trên thực tế chưa thấy “những quyết định” nào của Đảng phải “chịu trách nhiệm trước Nhân dân”.

Việc quy trách nhiệm, quy lỗi như những phát biểu của ông Nguyễn Đức Hà, cựu Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, xem ra không chỉ là chuyện “đổ thừa cấp dưới”, mà còn là sự thiếu sòng phẳng so với bộ máy công quyền. Bởi chính quyền các cấp vừa phải quản trị hành chính quốc gia theo hệ thống pháp luật quốc gia, vừa phải chịu sự gọi là “lực lượng lãnh đạo” của Đảng Cộng sản qua đại diện cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.

Trong khi đó thì mặc dù Hiến định là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” – Điều 4.3, nhưng cho đến nay pháp luật cụ thể để một đảng chính trị hoạt động là gì, vẫn chưa có. Thậm chí, theo Điều lệ Đảng, thì thì Ban Chấp hành Trung ương có quyền xem xét cả về vấn đề Hiến pháp, trước khi Quốc hội thông qua.

_____________

Chú thích:

(*) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lan-ranh-dam-quyet-dam-lam-va-sai-pham-1706601.tpo

***

Trong Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng mới đây, ngoài việc yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tin bài liên quan:

VNTB – Điều 4, Hiến pháp 2013: đảng tự lấy đá ghè chân mình?

Trương Thế Tử

VNTB – Tâm lý sợ trách nhiệm: nhìn từ điều luật hình sự 117

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Có truy cứu trách nhiệm chính trị?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.