Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dường như nhà sản xuất ‘pate Minh Chay’ của Công ty Lối Sống Mới đang vô can?

Hoài  Nguyễn

(VNTB) – Trong số 1.416 khách hàng được xác định có mua sản phẩm ‘pate Minh Chay’, TP.HCM đã thu hồi được 261 sản phẩm của 151 khách hàng, 26 khách hàng yêu cầu được giữ lại 45 sản phẩm và 924 khách hàng cho biết không còn giữ sản phẩm.

Trước đó, do phát hiện sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc tố clostridium botulinum gây ngộ độc cho nhiều người tại các tỉnh, thành,… cơ quan chức năng đã phát cảnh báo và yêu cầu thu hồi tất cả 13 dòng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, trong đó có pate Minh Chay.

Tuy nhiên những nạn nhân đang phải chữa trị ở bệnh viện vì nhiễm độc tố clostridium botulinum, vẫn chưa nhận được các khoản chi phí y tế từ phía Công ty Lối Sống Mới.

Trong một thông báo ngày 7-9-2020, tiên lượng sắp tới của bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy là phải thở máy kéo dài nhiều tháng chứ không chỉ một vài tuần. Tương tự, ca ngộ độc botulinum do sử dụng pate Minh Chay đang điều trị tại bệnh viện Nhân dân 115 chưa có tiến triển gì đáng kể sau gần một tháng nhập viện.

Chiều ngày 8-9-2020, báo cáo tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết chỉ trong hơn 1 tháng, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới sản xuất pate Minh Chay đã đưa ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm.

Theo ông Hùng, sau khi có bệnh nhân ngộ độc botulinum, ngày 30-8-2020, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế xuống kiểm tra và đã đình chỉ hoạt động Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới. Đến ngày 31-8-2020, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã có văn bản gửi Công an TP Hà Nội vào cuộc.

Về việc tại sao không đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới ngay khi vụ việc xảy ra, ông Hùng giải thích: “Nếu lưu thông trên thị trường thì trách nhiệm thuộc về ngành công thương, trong sản xuất thì trách nhiệm chính thuộc ngành nông nghiệp và UBND huyện sở tại”.

Vẫn theo ông Nguyễn Minh Hùng, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 lỗi vi phạm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới với hành vi sử dụng người tiếp xúc với thực phẩm mà không đeo khẩu trang; sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; Công ty này vi phạm quy định “Hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa với hàng hóa có giá trị từ 10 đến 20 triệu đồng”.

Với 3 lỗi vi phạm hành chính nêu trên, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới bị UBND huyện Đông Anh xử phạt tổng cộng 17,5 triệu đồng.

Như vậy xem ra liên quan đến vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố clostridium botulinum gây ngộ độc cho nhiều người tại các tỉnh, thành đã được giải quyết ra sao, cho thấy vẫn chưa có câu trả lời, trong khi điều này là cần kíp hơn tất cả mọi chuyện về Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Luật An toàn thực phẩm quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, khoản i, Điều 8, Luật An toàn thực phẩm quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải “Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra”. Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm cũng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Để có thể xác định chính xác trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong vụ việc này, cần căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, động cơ, mục đích, hậu quả, thiệt hại của hành vi,… Theo đó, tùy theo tính chất mức độ hành vi mà người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Về xử lý hành chính, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, bên vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định.

Về trách nhiệm dân sự, trường hợp nguyên nhân gây ngộ độc là do sai phạm cá nhân khi sản xuất thì cá nhân này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Chi phí bồi thường thiệt hại gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại… Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trước mắt, theo lý thuyết y khoa thì vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố clostridium botulinum, nhiều khả năng không cấu thành tội phạm, song tiên quyết phía nhà sản xuất pate Minh Chay phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

***

Chiều ngày 8-9-2020, Bộ Y tế cho biết hiện đang có 10 bệnh nhân nặng ngộ độc clostridium botulinum sau ăn pate Minh Chay điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM chưa được dùng thuốc giải độc. Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiếp tục làm thủ tục nhập 10 lọ thuốc giải độc cho các bệnh nhân này. Thuốc này hiện vẫn do WHO viện trợ, chi phí 8.000 USD/lọ.

Trong lần đầu, 2 lọ thuốc giải độc được WHO cho nhập về từ kho dự trữ tại Thái Lan, lần này, thuốc sẽ nhập về từ kho dự trữ của WHO tại châu Âu. Đây là thuốc rất hiếm do ít nhà sản xuất, ít sử dụng do rất ít ghi nhận ca ngộ độc. Vụ ngộ độc vi khuẩn clostridium botulinum có trong pate Minh Chay là vụ ngộ độc lớn được ghi nhận tại Việt Nam, nhưng theo các bác sĩ cũng không loại trừ từng ghi nhận các ca khác nhưng nhẹ hơn, không có triệu chứng điển hình nên không được chẩn đoán đúng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Văn bản quy phạm pháp luật cần đồng bộ với các ‘mệnh lệnh’ của Đảng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tranh chấp đất đai nội bộ tôn giáo: bằng phán quyết của tòa án, hay bằng quyết định hành chánh của chính quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền khám, chữa bệnh của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo