Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự vụ án Đồng Tâm

Hà Nguyên

(VNTB) – Phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm diễn ra quá nhanh, chỉ sau 3 ngày xét xử, trong đó có 1 ngày là dành cho phần thủ tục. Hiện là thời gian nghị án.

Một thuyết âm mưu đang rộ lên: Những ngày này không phải các quan tòa đang nghị án mà có thể các cấp cao hơn xem xét, cân nhắc cái lợi, hại cho hình ảnh của đất nước trên mặt bằng chiến lược quốc gia về đối ngoại, kinh tế, an ninh và đặc biệt Lòng Dân, vấn đề mà chính chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân quốc khánh 2-9 đã nêu bật ý nghĩa của Lòng Dân đối với sự tồn vong của Dân tộc, đang nghị án.

Bài viết này xin được dừng lại ở mỗi yêu cầu rất quen thuộc: Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự.

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án (Xem Điều 86 BLTTHS 2015).

Trong việc giải quyết vụ án hình sự, chứng cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến việc chứng minh có tội hay không có tội của một cá nhân, pháp nhân. Việc thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh, là tiền đề để diễn ra các hoạt động tố tụng tiếp theo. Nếu không có thu thập chứng cứ thì không có việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự.

Theo quy định tại Điều 88 BLTTHS 2015, thì việc thu thập chứng cứ không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà còn được thực hiện bởi chủ thể là luật sư trong vai trò tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.

BLTTHS 2015 quy định về nguồn chứng cứ gồm:

“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: a) Vật chứng; b) Lời khai, lời trình bày; c) Dữ liệu điện tử; d) Kết luận giám định, định giá tài sản; đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” (Điều 87 BLTTHS năm 2015).

Theo quy định tại Điều 88 BLTTHS 2015, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thu thập chứng cứ bằng cách: Triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Về thủ tục thu thập chứng cứ trong những trường hợp này phải tuân thủ những quy định như: Thủ tục giải thích quyền và nghĩa vụ cho đối tượng bị áp dụng: Thủ tục này được áp dụng trong các biện pháp hỏi cung; lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; khi tiến hành đối chất, nhận dạng, khám người, khám nơi làm việc, khám chỗ ở, địa điểm.

Quy định về việc phải có người chứng kiến trong các trường hợp: Đối với biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể bị can, bị hại, nhân chứng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, nhận dạng thì người chứng kiến là bất kỳ ai và chỉ cần một người (riêng biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể, thì phải là người cùng giới).

Biện pháp khám chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm đòi hỏi phải có người láng giềng, đại diện chính quyền địa phương (nơi làm việc thì đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc) chứng kiến. Trường hợp vắng chủ nhà thì phải có hai người chứng kiến.

Tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, BLTTHS năm 2015 không quy định “chủ thể” sử dụng chứng cứ trong khái niệm về chứng cứ, điều này đã tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội, người bào chữa, bị hại… có thể tham gia vào quá trình chứng minh, giải quyết vụ án hình sự.

Với những tóm tắt kể trên về yêu cầu thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự, cho thấy dường như trong mấy hôm ngắn ngủi ở phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, tất cả các nghiệp vụ quen thuộc về chứng cứ đã không được Hội đồng xét xử dành cho khoản thời gian thích hợp để các bên liên quan tranh tụng, tranh biện.

Xem ra, thời gian nghị án có kéo dài đến đâu đi nữa, thì có lẽ chỉ mang hàm ý đúng như đồn đoán: Những ngày này không phải các quan tòa đang nghị án mà có thể các cấp cao hơn xem xét, cân nhắc cái lợi, hại cho hình ảnh của đất nước trên mặt bằng chiến lược quốc gia về đối ngoại, kinh tế, an ninh và đặc biệt Lòng Dân, vấn đề mà chính chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân quốc khánh 2-9 đã nêu bật ý nghĩa của Lòng Dân đối với sự tồn vong của Dân tộc.

Tin bài liên quan:

VNTB – Những kêu gọi về công đoàn độc lập chỉ nhằm lật đổ chế độ cộng sản?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Vụ án không có bị can?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần tôn trọng “quyền đình công”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo