Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Những kỳ Đại hội XI, XII và sắp tới đây là XIII của Đảng đều yêu cầu phải làm rõ về nội dung, phương thức, mô hình cầm quyền của Đảng, về đặc điểm, điều kiện để một Đảng duy nhất cầm quyền một cách hiệu quả, bền vững.
Trong thực tiễn nền chính trị Việt Nam hiện nay, người dân phải chấp nhận vai trò của Bộ Chính trị đảng cộng sản đối với việc lãnh đạo đất nước. Từ góc nhìn đó, xin được “xía vô chuyện nội bộ đảng”.
Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận chung mà người viết tổng hợp được từ những lần gặp gỡ với một số thân hữu từng giữ trọng trách trong bộ máy quản lý nhà nước.
Thứ nhất, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam không thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Như vậy trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng.
Để làm tốt được những yêu cầu tối thiểu kể trên, cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng – tức luật về Đảng, luật giám sát xã hội, luật phản biện xã hội, luật về hội… Khi có những hành lang pháp lý minh bạch sẽ giúp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội trong kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng, quyền lực nhà nước, góp phần khắc phục những hạn chế của cơ chế một đảng cầm quyền như hiện nay.
Thứ hai, việc bầu cử lựa chọn nhân sự lãnh đạo của tổ chức đảng, của các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, và trong các tổ chức chính trị – xã hội cần được thay đổi đồng bộ theo hướng có cạnh tranh – tức tranh cử một cách thực chất, bảo đảm loại trừ dân chủ hình thức, tiêu cực, lợi ích nhóm dẫn đến suy giảm uy tín, vai trò của Đảng đối với quần chúng nhân dân, làm tổn hại đến bản chất dân chủ của chế độ, và làm cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước qua bầu cử trở nên hình thức.
Thứ ba, để quyền lực nhà nước vận hành trong khuôn khổ, giới hạn hiến pháp, pháp luật quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì Đảng phải có cơ chế, phương thức lãnh đạo hữu hiệu hơn, trong đó thực hiện dân chủ trong đảng một cách thực chất là một giải pháp cụ thể.
Dân chủ trong Đảng là phải có sự đấu tranh thực chất trong nội bộ để khắc phục những yếu kém, hạn chế, khuyết tật về tổ chức bộ máy, trong đường lối, chính sách và năng lực cầm quyền nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tránh chụp mũ kiểu “diễn biến hòa bình – chuyển hóa tư tưởng”.
Nội dung của dân chủ là đề cao tính công khai minh bạch về phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ và những quyết định về phát triển kinh tế, xã hội, khuyến khích đấu tranh, phản biện trong tổ chức ở mỗi cấp và các cấp với nhau; đề cao, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; nghiêm trị mọi vi phạm và người bao che vi phạm; khen thưởng, sử dụng, đãi ngộ cá nhân có năng lực, dám nói dám làm, dũng cảm đấu tranh với mọi vi phạm.
Dĩ nhiên để có thể làm được điều thứ ba kể trên, tiên quyết là phải có bằng được luật về sự lãnh đạo của Đảng – tức luật về Đảng, luật giám sát xã hội, luật phản biện xã hội, luật về hội… Một khi chưa có hàng rào pháp luật điều chỉnh, thì rất dễ xuất hiện việc chính trị hóa các quan hệ xã hội dân sự.
Nói một cách khác, thực hiện vai trò cầm quyền, Đảng phải dựa theo pháp luật để cầm quyền, mới tránh sự cầm quyền tùy tiện, “tân quan tân chính sách”.