VNTB – Quản trị quốc gia theo luật hay theo đạo đức cách mạng?

VNTB – Quản trị quốc gia theo luật hay theo đạo đức cách mạng?

Mỹ Thuận

(VNTB)  – Làm việc với Đảng ủy Công an trung ương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu… danh dự là thiêng liêng cao quý nhất”.

 

Báo Tuổi Trẻ đã có bản tin tường thuật với giọng văn cứ như trong truyện diễm tình (*), và đã trình bày đóng khung lời của ông Nguyễn Phú Trọng:

“Lực lượng công an cần có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, giữ cho được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy tinh, gọn, mạnh…; xây dựng lực lượng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu; nội bộ phải đoàn kết, không được để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Từ phần “đóng khung phát biểu” ở trên có thể thấy rằng trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng đang kêu gọi vấn đề đạo đức – điều mà Nho giáo nói gọn qua 4 bước là “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”.

Viết trong chương đầu tiên của cuốn sách mang tên Đại Học (nằm trong bộ Luận Ngữ: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), có đoạn như sau:

“Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ (bình thiên hạ), trước hết phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình (trị quốc). Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình (tề gia). Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình (tu thân). Muốn tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính. Muốn cho tâm tư của mình ngay thẳng, đoan chính, trước hết phải có ý nghĩ thành thật. (thành ý) Muốn có ý nghĩ thành thật, trước hết phải có nhận thức đúng đắn. (trí tri). Mà con đường nhận thức đúng đắn chính là nghiên cứu đến nơi đến chốn, lĩnh hội được cái nguyên lý của sự vật (cách vật)”.

Ở đoạn trên, Khổng Tử nói rằng ai làm được 8 bước này thì người đó là thánh nhân.

Như vậy nếu không căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh các hành vi chức trách, thì để làm được những yêu cầu mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước đặt ra, là “xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu; nội bộ phải đoàn kết, không được để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, thì họa chăng đó là bậc thánh nhân như Khổng Tử đề cập ở trên.

Quản trị quốc gia cần theo luật chứ không phải chỉ cần đạo đức cách mạng kiểu “bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Ở đây, nói theo lập luận của ông Nguyễn Phú Trọng, “bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, thì cần phải có sự tham gia của người dân trong quyền lực giám sát ngay trong bộ máy quyền lực của Đảng.

Mỗi người dân bị ảnh hưởng hoặc có sự quan tâm đều phải được lôi cuốn vào quy trình ban hành quyết định của Đảng, vì Hiến định ở Điều 4 là Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Điều này có thể thực hiện bằng cách: người dân được cung cấp thông tin và được tham vấn ý kiến hoặc được tạo điều kiện để đưa ra khuyến nghị của mình, và trong một số trường hợp, được trực tiếp tham gia vào quy trình ban hành quyết định của Nhà nước và của Đảng. Việc làm này nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế phù hợp với cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Việc làm này cũng đồng thời nâng cao tính tích cực chính trị của người dân, biến họ trở thành những chủ nhân thật sự của đất nước. Chỉ khi người dân thật sự tham gia vào quá trình quản trị, họ mới tích cực ủng hộ và thực hiện những chủ trương, chính sách được đề ra.

Khi ấy, người dân chính là trọng tài công minh nhất cho phán xét ai đó có hay không việc xem trọng danh dự; coi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất!

____________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dung-vi-chuc-vi-quyen-vi-tien-ma-lam-viec-xau-20200921161802186.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)