Nguyễn Nam
(VNTB) – “Chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ cả Paris vào một cái chai”/“Juste un mot, si, on peut mettre Paris en bouteille” (proverbe Français)
Phạm Chí Dũng Việt Nam
Nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận về sự việc này như sau: “Tôi có quen biết anh Phạm Chí Dũng. Chuyện anh Phạm Chí Dũng bị bắt, thì tôi nghĩ vừa bất ngờ mà cũng vừa không bất ngờ, bởi vì những bài viết của anh đi vào những lãnh vực rất nhạy cảm và có nhiều số liệu không biết lấy từ đâu.
Cho nên thường những câu chuyện đó, những cơ quan điều tra nguồn gốc ai cung cấp tư liệu mà biết nhiều như thế, thì đó là câu chuyện mà họ muốn tìm, nhưng mà không có cách gì tốt hơn là nên bắt anh Phạm Chí Dũng để điều tra.
Còn anh Phạm Chí Dũng, tôi cho rằng nếu mà nhà nước mà dân chủ, công khai, thì những bài mà anh Phạm Chí Dũng viết khá nhiều, mà khá là cập nhật, cho nên nếu như vậy, nên chăng là báo nên phân tích những bài viết ấy ra rồi phê phán và cũng đặt vấn đề nhanh chóng ngăn chặn từng bước, từng bước, đừng có để viết nhiều quá.
Thì phải lên án trước, lên tiếng trước, vì anh ấy cũng là con một đồng chí cách mạng lão thành, nên nhắc nhở anh và nếu những bài viết đó mà đụng chạm, nói xấu hay bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức có quyền kiện anh ra tòa.
“Nếu mà mình (Việt Nam) làm như vậy, thì tự nhiên nó nhẹ nhàng hơn, xã hội ngày càng dân chủ, minh bạch, những người nào mà viết hay phát biểu quá lời, thì kịp thời lên tiếng ngăn chặn, thì nó tốt hơn là cái gì cũng dùng biện pháp bắt bớ, tù đày”.
Nói thêm, ông Trần Quốc Thuận là phu quân của bà Võ Thị Thắng – cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ông Thuận từng kể với thân hữu rằng sinh tiền, người bạn đời và cũng là tri kỷ của ông đã phải khóc thầm trước nhân tình thế thái, và phải cắn răng câm lặng trước thủ đoạn bất nhân của kẻ thù đội lốt đồng chí, và mạo danh tổ chức Đảng.
Kể cả khi đang là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam và là Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Út Thắng đã có lúc gần như không còn chịu nổi sự dồn đuổi và những đòn vu cáo tàn khốc, đã nghĩ tới cách tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Út Thắng cũng đã chuẩn bị cho mình một sợi dây thòng lọng…
Phải mất gần bảy năm sau, bà Võ Thị Thắng mới được minh oan. Một năm sau ngày Võ Thị Thắng ra đi vào cõi vĩnh hằng, bà được Đảng, Nhà nước truy phong: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Trở lại với câu chuyện về nhà báo Phạm Chí Dũng.
Một ý đáng quan tâm từ luật sư Trần Quốc Thuận, “nếu những bài viết đó mà đụng chạm, nói xấu hay bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức có quyền kiện anh ra tòa”.
Trên trang web của đài VOA (Hoa Kỳ – https://www.voatiengviet.com/author/pham-chi-dung/ogkmv) khi chấp nhận sử dụng bài viết của tác giả Phạm Chí Dũng, đã minh bạch về quan điểm của yêu cầu truyền thông trung thực:
“Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh Anh hùng thông tin. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”.
Như vậy, theo đề xuất của ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nếu có cáo buộc việc nhà báo Phạm Chí Dũng đã dùng các bài báo để nói xấu hay bôi nhọ cá nhân, tổ chức trong bộ máy cầm quyền tại Việt Nam, thì cá nhân, tổ chức ấy có quyền kiện ông Phạm Chí Dũng ra tòa.
Một dẫn chứng thời sự cho giả dụ liên tưởng việc nhà báo Phạm Chí Dũng là công dân của đảo quốc Sư Tử:
Phạm Chí Dũng “Singapore”
Theo tin tức từ https://www.reuters.com/article/idUSKBN26R0CK, vào ngày 6-10-2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xuất hiện tại tòa án tối cao Singapore để bắt đầu phiên xử dài 4 ngày, trong vụ kiện của ông chống lại người dùng mạng Leong Sze Hian với cáo buộc phỉ báng.
Ông Lý Hiển Long kiện Leong Sze Hian (66 tuổi), làm tư vấn tài chính, về một bài đăng trên Facebook của người này vào tháng 11-2018. Người này chia sẻ bài viết của trang tin The Coverage (Malaysia) về bê bối rửa tiền của Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB ở Malaysia. Bài viết của trang tin này cáo buộc cựu thủ tướng Najib Razak của Malaysia đã ký “các thỏa thuận bí mật” với ông Lý Hiển Long để nhận lại sự giúp đỡ từ các ngân hàng Singapore nhằm rửa tiền từ quỹ 1MDB.
Các luật sư của Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng bài viết trên chứa các cáo buộc “sai trái và không có cơ sở”, đồng thời “hết sức phỉ báng”. Họ cáo buộc Leong Sze Hian đã chia sẻ bài viết “một cách hiểm độc” để làm hại thân chủ của họ.
Phía Leong Sze Hian nói rằng ông “chỉ đơn thuần chia sẻ” bài viết mà không bình luận gì thêm hay thay đổi nội dung bài viết, và bác bỏ cáo buộc chia sẻ bài viết ác ý. Chia sẻ với truyền thông trước khi bước vào tòa án ngày 6-10, ông Leong nói rằng ông chỉ được trang bị “thanh gươm chân lý”, theo Đài Channel News Asia.
Trước đây, nhiều nhân vật cấp cao trong Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền Singapore, gồm Lý Quang Diệu – cố thủ tướng Singapore và là cha của ông Lý Hiển Long, đã kiện truyền thông nước ngoài, các đối thủ chính trị và những người bình luận trên mạng về hành vi phỉ báng.
Singapore hiện duy trì kiểm soát chặt truyền thông địa phương và ban hành luật chống tin giả vào năm ngoái. Tuy nhiên, chính phủ Singapore nói rằng luật này không cản trở các chỉ trích hợp pháp hay hạn chế tự do ngôn luận, theo Hãng tin Reuters.
Giả dụ như Việt Nam cũng ‘bắt chước’ Singapore về sự bình đẳng quyền lực công dân, thì với mẫu câu quen thuộc “đã có Đảng và Nhà nước lo”, rất có thể nhà báo Phạm Chí Dũng phải đối mặt với hai nhân vật cao cấp nhất lúc hầu tòa trước vụ kiện tuyên truyền chống Nhà nước: ông Nguyễn Phú Trọng – đại diện cho Đảng, và ông Nguyễn Xuân Phúc – đại diện cho Nhà nước.
Nếu có một vụ kiện tụng như giả dụ nói trên, chắc rằng khi đó bắt đầu có một chính quyền lắng nghe, kể cả những ý kiến chỉ trích rất là gay gắt cũng không ngại lắng nghe. Và nếu đấy là những sự chỉ trích mà chính quyền nghĩ rằng không đúng, thì sẽ nói lại, thậm chí cả tranh luận lại quyết liệt với những người đưa ra những chỉ trích ấy.
Rồi trong trường hợp mà chính quyền thấy rằng bị xúc phạm, thì luật pháp hiện nay của Việt Nam vốn từ lâu đã cho phép đại diện chính quyền kiện dân sự ra tòa vì những sự chỉ trích như thế… Tất cả những điều đó sẽ tốt hơn nhiều so chuyện quen thuộc lâu nay là dùng hình sự để bắt bớ.
“Juste un mot, si, on peut mettre Paris en bouteille” (proverbe Français).