Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam?

Vân Khanh

(VNTB) – Khá bất ngờ là thời gian gần đây ở Sài Gòn có một doanh nghiệp với các hoạt động được quảng bá tương tự như Hội Hướng đạo Việt Nam hồi trước tháng 4-1975.

Theo tự giới thiệu với đính kèm một phần tờ giấy phép được cấp theo thủ tục của Luật Doanh nghiệp, “Hướng Đạo Việt Nam. Giấy phép hoạt động Doanh nghiệp Xã hội Phi Lợi Nhuận” – https://www.facebook.com/huongdaovietnam.org/ Chủ của doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận này là ông Phạm Thanh Hiệp, một hướng đạo sinh ở Sài Gòn. Ông Hiệp từng làm việc ở báo Khăn Quàng Đỏ, lúc đó gia đình ông sinh sống trên đường Ngô Tùng Châu, phường 11, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Thực tế thì đây không phải là một hội đoàn xã hội dân sự, mà là doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận, thường đăng ký hoạt động dưới các hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Cũng xin tóm tắt sơ lược, sau tháng 4 năm 1975, Hội Hướng đạo Việt Nam bị giải tán, và trụ sở ở số 18 Bùi Chu tại Sài Gòn bị ‘tiếp thu’. Cơ cấu của tổ chức Hướng đạo trong nước hoàn toàn tan rã.

Ông Phạm Thanh Hiệp, kể: “Năm 1987 tôi là người tập hợp sinh hoạt hướng đạo công khai; những lần như vậy đều bị dẹp hết dưới danh nghĩa của Hội Liên hiệp Thanh niên. Hoặc là những sinh hoạt dưới danh nghĩa câu lạc bộ theo hình thức hướng đạo đều bị Nhà nước không cho. Nhưng sau đó phát triển dần dần, có thể dùng từ ‘chui mà hoạt động công khai’. Và Nhà nước không thấy có gì nguy hại nên để cho hoạt động, và nó phát triển”.

Từ một phong trào chung, đến ngày 07-01-2019 ông Phạm Thanh Hiệp đã đăng ký phong trào dưới hình thức Công ty TNHH Hướng Đạo Việt Nam, có mã số thuế là 0315462689, điều này cũng có nghĩa là phong trào hướng đạo từ hình thức phi lợi nhuận trở thành có lợi nhuận dưới sự quản lý của hai cha con – Phạm Thanh Hiệp và Phạm Hoài Bảo.

Mấy tháng trước, vào ngày 25-8-2020, Công ty Hướng Đạo Việt Nam dưới sự quản lý của ông Phạm Thanh Hiệp, đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP.HCM kiện Công ty TNHH Người dẫn đường Việt Nam – tên tiếng Anh Pathfinders Scout Vietnam – mã số thuế 0314274322 vì đã sử dụng tên “Hướng đạo Việt Nam” trong hoạt động. Và hiện nay, Công ty Hướng Đạo Việt Nam đang tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với tên gọi và logo hoa bách hợp vốn là biểu tượng hơn 1 thế kỷ của phong trào là sở hữu riêng cho mình.

Các tin tức kể trên ‘bị chìm’ trước diễn biến về dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cùng các tin thời sự đại hội Đảng ở các địa phương.

Tuy vậy, trong một diễn biến khác, việc chiếm dụng tên phong trào và logo hoa bách hợp của tổ chức hướng đạo làm của riêng mình, đang khiến cho các anh em hướng đạo sinh quan ngại liệu sau này, nếu phong trào được nhà nước Việt Nam chấp nhận là một sinh hoạt cộng đồng mang tính truyền thống, liệu khi ấy có phải là sẽ không còn được sử dụng logo, hay tên gọi chính thống vốn có trong các hoạt động dạy nghi thức hàng đội cho các hướng đạo sinh?.

Một luật sư từng có thời gian là hướng đạo sinh lúc ông ở tuổi thiếu nhi, nói rằng về mặt pháp lý thật ra không gì đáng ngại, vì sắp tới đây với những cam kết của nhà nước Việt Nam trong các FTA về quyền tự do hội đoàn, thì các hoạt động truyền thống của tổ chức hướng đạo Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quyền lập hội.

Bàn luận về Công ty TNHH Hướng Đạo Việt Nam, vị luật sư nói rằng thường thì các doanh nghiệp xã hội loại này đối mặt với một số thách thức đặc thù so với các doanh nghiệp thông thường khác: Thứ nhất, mục tiêu xã hội không cho phép họ ‘tối đa’ hóa lợi nhuận bằng mọi cách. Thay vào đó, phương châm của họ là ‘tối ưu’ hóa lợi nhuận.

Thứ hai, bên cạnh đó, những chi phí kinh doanh như những doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội phải chi những “chi phí xã hội” rất lớn. Do bản chất “hỗn hợp” của mình, doanh nghiệp xã hội thường có nguồn vốn đầu tư khá đa dạng. Bên cạnh vốn đầu tư thương mại thông thường, có thể tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi dưới dạng vay dài lãi xuất thấp, vốn cổ tức xã hội, hay vốn tài trợ không hoàn lại.

Mặc dù vậy, việc hiện chưa có quy định rõ ràng trong việc tiếp nhận các khoản vốn tài trợ và vốn vay ưu đãi từ các nhà đầu tư xã hội, đang làm cho các doanh nghiệp lúng túng trong giải trình thuế và hạch toán kinh doanh.

“Doanh nghiệp xã hội áp dụng thước đo hiệu quả khác với doanh nghiệp thông thường. Nên cạnh giá trị vật chất, giá trị xã hội mà nó mang lại cho công đồng là giá trị tối đa và cần được đo lường và ghi nhận cụ thể” – vị luật sư nhấn mạnh, và chính điều này lại cho thấy rất có thể hoạt động xã hội mà Công ty TNHH Hướng Đạo Việt Nam đang nhắm đến, sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chụp chiếc mũ “chính trị hóa”…

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền cơ bản công dân đã Hiến định thì không thể hạn chế?

Phan Thanh Hung

VNTB – Niềm tin tôn giáo sẽ hỗ trợ việc quản lý trật tự xã hội tốt hơn

Phan Thanh Hung

VNTB – Hội, đoàn dân sự nào ở Việt Nam không phải chịu sự chỉ đạo của Đảng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo