Nguyễn Nam
(VNTB) – Sở dĩ nhấn mạnh trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì đơn giản trước khi là người đứng đầu Chính phủ, ông từng là một trong những lãnh chúa ở miền Trung, cùng thời với ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).
Ông Nguyễn Xuân Phúc có nơi chôn nhau cắt rốn tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông sống cùng người chị gái tại quê nhà một thời gian, sau đó được những người đồng chí của cha mẹ ông bí mật đưa ra Bắc học theo chế độ của học sinh miền Nam vào năm 1967.
Lý lịch đăng là ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyên môn, nghiệp vụ là Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978). Sau khi tốt nghiệp, ông trở về và được nhận vào làm việc tại tỉnh nhà bấy giờ là Quảng Nam – Đà Nẵng.
Từ năm 1980 đến 1993, ông Nguyễn Xuân Phúc thăng dần từ các chức vụ cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lên đến chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông lên đến chức vụ Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa I, II. Thời gian này, ông có theo học ngành Quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Từ năm 1993 đến 1996, ông Nguyễn Xuân Phúc lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa XV, XVI tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Từ năm 1997 đến 2001, sau khi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương, ông Nguyễn Xuân phúc là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, XVIII; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, kiêm Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI.
Năm 2001, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông cũng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
Từ năm 2004 – 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khoá XIX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khoá VII; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá VII; Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội khoá XI…
Chặng đường hoạn lộ tiếp theo đó là ông Nguyễn Xuân Phúc nối bước đồng liêu Nguyễn Bá Thanh để ‘lên Trung ương’, và giờ ông là Thủ tướng, đồng thời có đồn đoán ông ngấp nghé chức vụ tân Tổng bí thư Đảng khóa 13.
Với lý lịch kể trên cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc với học hàm “Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội”, nếu ông thật sự học hành tử tế, và thời gian dài trải qua các chức vụ quản lý ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó là người đứng đầu tỉnh Quảng Nam, thì chắc chắn ông là một trong những quan chức am tường vào loại bậc nhất các giá trị của rừng tự nhiên miền Trung.
“Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Xuân Phúc – một quan chức từng làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hiểu rõ sự nhập nhằng, chồng chéo trong quy hoạch 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất lâu nay đang khiến nhiều cánh rừng trên hồ sơ đã được quy hoạch chức năng phòng hộ, nhưng hiện trạng lại là đất rừng trồng, đất vườn, đất nông nghiệp, kể cả đất ở của người dân.
Tôi còn nhớ hồi tháng 11 năm 2018, trong bài phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, ông Phúc rất tự tin tuyên bố: “Tôi ở Chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng uỷ nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề. Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết…”
Nói như lời chắc nịch như trên, vậy thì thử hỏi vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc lại để rừng ở miền Trung bị tàn phá khiến người dân sống cảnh lũ lụt ở hiện tại?” – một nhà báo đã nghỉ hưu chia sẻ với biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo.