Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thấy gì từ việc kiều hối giảm mạnh?

Ninh Kiều

(VNTB) – Đại dịch Covid đã khiến dòng tiền ‘kiều hối’ chảy về Việt Nam không còn lạc quan như các dự báo của chính quyền.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người đi xuất khẩu lao động. Hiện có hơn nửa triệu người Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, trong đó, phổ biến nhất là các nước Đông Á. Lượng tiền do người lao động gửi về Việt Nam từ 2,5-3 tỷ USD/năm; dĩ nhiên ở đây không tính lượng kiều hối do người Việt định cư ở nước ngoài gửi về.

Trở ngược thời gian. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2019 của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) công bố vào trung tuần tháng 12-2019, thì dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ nhận được 16,7 tỷ USD kiều hối.

Cũng trong thời gian này, khi nhà báo Phạm Chí Dũng có được quyền tự do viết lách, ông hoài nghi về những con số kiều hối trong các thống kê mà nhà đương cuộc đưa ra. Chính điều này nên giờ khi phía cơ quan nhà nước than thở rằng kiều hối năm 2020 giảm mạnh vì Covid, cho thấy chỉ tạm tin ở mỗi vế về số ngoại tệ của người Việt từ nước ngoài gửi về quê nhà đang tuột dốc.

“Gần 18 tỷ USD hay chỉ dưới 8,5 tỷ USD?” – nhà báo Phạm Chí Dũng đặt nghi vấn trong bài viết “Ngân hàng Thế giới tính khống số kiều hối về Việt Nam?”, đăng trên VOA ngày 12-09-2019 (*).

“Bởi theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2017, và lên đến 15,9 tỷ USD trong năm 2018, có mức độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.

Từ đó có thể ước tính số kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 sẽ vọt đến gần 18 tỷ USD!

Nhưng theo quan chức Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. HCM, người chuyên theo dõi và thông tin cho báo giới về kết quả kiều hối ở thành phố này, lại cho biết ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP. HCM chỉ đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến cả năm 2019, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM chỉ đạt con số trên 5 tỷ USD.

Nếu mức 5 tỷ hoặc nhỉnh hơn một chút là số liệu cuối cùng về kiều hối về TP.HCM trong năm 2019, kết quả này là không có gì vượt hơn so với 5 tỷ USD kiều hối về thành phố này trong năm 2018, thậm chí còn thua cả số 5,2 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2017.

So sánh trên phản ánh một diễn biến quan trọng của đồ thị kiều hối về TP.HCM: sau khi tạo đỉnh vào những năm 2016 và 2017, kiều hối về TP.HCM có xu hướng giảm dần, bất chấp Sài Gòn là nơi tập trung hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài và là địa chỉ ‘giàu có’ nhất’ về nhận kiều hối, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam.

Kết quả kiều hối về Sài Gòn lại là phác thảo cho bức tranh kiều hối về Việt Nam, bởi đã hình thành một quy luật: Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam – theo thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối trong nhiều năm qua.

Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2017 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.

Tương tự, nếu căn cứ vào con số khoảng 5 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2019 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD”.

Đó là câu chuyện của thì quá khứ. Sắp kết thúc năm 2020, phía Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo là kiều hối nhìn chung sẽ giảm đến mức 20% so với bình quân mọi năm. Kiều hối giảm, các hộ gia đình sống dựa vào nguồn tài chính từ xuất khẩu lao động sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”.

Và trước hiện tình đó, nếu mai đây có diễn văn nào lại ‘nhảy đĩa’ cho ‘lời có cánh’ cũ rích: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”, thì đó đúng là hành vi của “tự chuyển hóa – tự diễn biến”, cần phải bị loại khỏi sàn độc đấu chính trị ở Việt Nam.

______________

Chú thích:

(*) https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-the-gioi-tinh-khong-kieu-hoi-viet-nam/5079584.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá USD tự do xuống thấp hơn cả giá USD ngân hàng

Baraju T. Ogelefecejo

Vụ phong tỏa tài khoản cá nhân ở Vietcombank: Góc nhìn từ ‘sân chơi’ Hoa Kỳ

Phan Thanh Hung

Kiều bào và mặt khác của kiều hối *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo