Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam đang có hai nhà nước trong một đất nước?

Cửu Long

 

(VNTB) – Do có hai chủ thể là Đảng và Nhà nước cùng thực hiện vai trò cầm quyền, nên trong nhiều năm qua đã diễn ra sự chồng chéo về chức năng giữa Đảng và Nhà nước.

 

Cách nói, “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo” là một dẫn chứng cho đánh giá về việc có hai chủ thể cầm quyền, tạo ra tình trạng là dường như ở Việt Nam đã “có hai nhà nước trong một đất nước”,do vậy mà làm thiếu tính thống nhất và minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia.

Hệ lụy là chất lượng của các quyết định, chính sách khó đạt hiệu quả cao. Bởi thực tế ở Việt Nam hiện nay, theo tuyên truyền thì Đảng có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thông qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy Đảng các cấp.

Và đến lượt mình, Nhà nước, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính các cấp cũng xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách giống như của Đảng thông qua các nghị quyết, quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Những điều như nói trên làm cho việc thảo luận, ban hành các chính sách bị phân tán, không có sự gắn kết; vừa lãng phí về thời gian họp bàn, hay chờ đợi xin ý kiến, chỉ đạo, chỉ thị, vừa chậm ra được các quyết sách quốc gia.

Thực tế cho thấy, uỷ viên cấp ủy các cấp của Đảng hầu hết đã giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền, nhưng họ đều phải một lần nữa thảo luận và xây dựng các chính sách quốc gia mà trước đó đã được bàn thảo, ra nghị quyết trong tổ chức của Đảng.

Với lề lối quản trị quốc gia lòng vòng đó, dẫn tới hệ lụy của việc bao biện – và nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là làm thay hay buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Hơn nữa, nó còn dẫn đến tình trạng trách nhiệm trong cầm quyền không rõ ràng là của Đảng hay Nhà nước. Thực tế đã chỉ ra, có không ít các trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa Đảng và Nhà nước, giữa cấp ủy và chính quyền; khó quy được đâu là trách nhiệm của tổ chức đảng, người đứng đầu của Đảng với trách nhiệm của tổ chức nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong thực thi quyền lực.

Ngoài ra, với cách thức cầm quyền này, dường như đã phân định ra chức năng của Đảng chỉ là “lãnh đạo”, chức năng của Nhà nước chỉ là “quản lý”, từ đó đã có sự phân biệt “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, mà điều này ở các nước trên thế giới không đặt ra.

Ai cũng đồng ý là đời sống chung của người dân Việt Nam vẫn còn nghèo khó. Thế nhưng cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị lại tiếp tục chấp nhận việc trùng lắp. Thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng, do đó cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên việc “nhất thể hóa” kiểu “Tổng bí thư – Chủ tịch nước” ở hiện tại lại chưa thấy mang đến kết quả gì tốt đẹp hơn so với trước đó. Có thể nhận ra khá rõ là đề bài của yêu cầu “nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi các chính sách về các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, cho đến nay mới chỉ dừng ở mỗi vị trí “Tổng bí thư – Chủ tịch nước”, và lại chưa nói lên được điều gì trong đổi mới cách thức cầm quyền của Đảng hiện nay.

Do vậy, có lẽ trong nhiệm kỳ mới của lần Đại hội Đảng thứ 13, cần ‘đoạn tuyệt’ việc tổ chức những Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy và thường vụ cấp ủy các cấp bàn riêng việc xây dựng và ban hành các nghị quyết về phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.

Để nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, nên chăng các việc đề xuất sáng kiến chính sách, đến việc tranh luận, phê chuẩn, ban hành các chính sách về phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước, cần được tiến hành ngay trong Quốc hội, Chính phủ tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Điều này có nghĩa, các đảng viên và không đảng viên trong Quốc hội, Chính phủ chỉ cần một lần tham gia vào việc thảo luận, ban hành các chính sách quốc gia.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp chỉ nên tập trung bàn đến các vấn đề về xây dựng Đảng, như: chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; quản lý và giáo dục, xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng vững mạnh,…

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ chửi

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng Cộng Sản Việt Nam lấy dân làm gốc hay làm guốc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Để Đảng hấp dẫn hơn…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo