Hà Nguyên
(VNTB) – Có ý kiến, vì Đảng lãnh đạo toàn diện, nên Đảng được quyền chỉ đạo tòa án về xét xử những vụ án nào đó…
Những nội dung tiếp theo đây là lược ghi ý kiến của thẩm phán N.Q.H., qua đó góp phần biện giải cho thắc mắc vì sao ở các vụ án liên quan cáo buộc Điều 117, Bộ luật Hình sự hiện hành, tức Điều 88 của phiên bản luật hình sự trước đó, tất cả tranh biện của luật sư đều không giúp cải thiện mức án cáo buộc.
Theo thẩm phán N.Q.H., thì nguyên do của mọi nguyên do là chưa có sự rạch ròi về hành lang pháp lý cụ thể của đảng chính trị.
Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Về lý thuyết tuyên giáo, thì vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các nghị quyết, Đảng lãnh đạo về chủ trương và đường lối đối với hoạt động xét xử là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội.
Cụ thể hơn, mẫu câu thường bắt gặp, là “Đảng chỉ đạo hoặc cho ý kiến về nguyên tắc chung trên cơ sở quy định của pháp luật trong việc giải quyết, xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… và trực tiếp quản lý công tác cán bộ, trong đó có việc xem xét, quyết định nhân sự cán bộ lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án các cấp”.
Tuy nhiên hiện nay, thứ nhất, chưa có tiêu chí xác định rõ, cụ thể, thế nào là vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… từ đó, có thể dẫn đến sự lạm dụng lãnh đạo hoạt động xét xử.
Thứ hai, chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể trong việc xin ý kiến tổ chức đảng về xử lý một số vụ án cụ thể, nên có thể dẫn đến lạm dụng việc xin ý kiến hoặc ngược lại lạm dụng yêu cầu báo cáo và chỉ đạo.
Thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về phạm vi và nội dung việc kiểm tra của các cấp ủy đảng đối với hoạt động xét xử.
Do đó – theo ý kiến của thẩm phán N.Q.H., thì Nhà nước – đúng hơn là Bộ Chính trị, cần phải có các quy định rõ ràng, cụ thể về vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xét xử của Tòa án nói chung cũng như đối với từng vụ án cụ thể nói riêng, để bảo đảm nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan lập pháp cũng là vấn đề cần luận bàn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về hoạt động xét xử của ngành Tòa án.
Quốc hội có quyền hủy bỏ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao nếu trái với Hiến pháp, luật hoặc nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách cho ngành Tòa án. Quyền lực nhà nước là tập trung và thống nhất, nên Quốc hội có quyền cho ý kiến và đánh giá lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – cơ quan xét xử cao nhất mà Hiến pháp quy định.
Như vậy, với tất cả những liệt kê ở trên cho thấy chưa có sự thừa nhận một cách đầy đủ về địa vị pháp lý cũng như về thẩm quyền, tính độc lập của Tòa án trong hệ thống quyền lực nhà nước.
Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan hành pháp cũng là vấn đề.
Trong thực tế, thành phần cấp ủy các cấp luôn có sự cơ cấu, tham gia của người lãnh đạo cơ quan hành pháp. Cho nên, Tòa án tất yếu phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy tương ứng, và đương nhiên thì lãnh đạo cơ quan Tòa án thường là “cấp dưới” của những người lãnh đạo cơ quan hành pháp.
Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan hành pháp còn thể hiện ở việc, cơ quan hành pháp có thẩm quyền tham gia hoặc quyết định những vấn đề về ngân sách, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của Tòa án. Do đó dẫn đến một thực tế là, cơ quan Tòa án khó có thể độc lập, mà chịu sự chi phối và lệ thuộc cơ quan hành pháp.
Mối quan hệ giữa Tòa án và các cơ quan khác cũng là một khoản trống khác về quản trị.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Cho nên thực tế cho thấy, vẫn còn một số trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát cùng cơ quan Tòa án họp bàn thống nhất về đường lối xử lý vụ án trước khi đưa vụ án ra xét xử – quen gọi là họp liên ngành.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không bảo đảm tính độc lập của Tòa án và của Thẩm phán.