Thới Bình
(VNTB) – Việc đồng nhất hai loại “án oan” và “án sai” là một là chưa chính xác, bởi lẽ án oan và án sai là hai việc khác nhau.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao vừa phát biểu trên báo chí trong nước, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của ông không phát hiện vụ án oan nào. Có ai tin không?
“Oan” không phải là một khái niệm phức tạp. Nghĩa thông thường của từ này là “bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý”.
Trên cơ sở này, khái niệm “oan” trong tố tụng hình sự gồm những nội dung sau: Thứ nhất, công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc người đó chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.
Thứ hai, công dân đã bị truy tố ra Toà án để xét xử nhưng Toà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của Toà án cấp dưới bị Toà án cấp trên huỷ, tuyên bị cáo không có tội.
Thứ ba, công dân bị truy tố, xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm, và bản án đã được Toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn. Pháp luật các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận và ở một chừng mực nhất định, quy định các nội dung “oan” trong tố tụng hình sự.
Với chuyện “sai”, theo Từ điển Tiếng Việt, thì từ “sai’’ được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án sai, là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật.
‘Oan’ và ‘sai’ trong tố tụng hình sự là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: Việc làm oan người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật. Trong khi đó khái niệm “sai” được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan thực hành tố tụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế “oan”, “sai” trong tố tụng hình sự cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài ra, cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng phải thật sự độc lập với nhau, độc lập với cấp trên, bỏ ngay tình trạng thủ trưởng “duyệt án”.
“Trước đây, hầu hết thực hiện theo suy đoán có tội nên tìm mọi cách lấy được chứng cứ kể cả nhục hình để có được bản cung theo ý muốn. Điều tra viên nhiều khi làm rất liều, pháp luật quy định rồi nhưng họ vẫn tìm cách hạn chế quyền của bị can. Hoặc có trường hợp, điều tra viên thiếu khách quan vì thành tích. Các bạn bên điều tra có nói với tôi trong nhiều trường hợp phải phá án gượng ép để đáp ứng tiêu chí, thành tích thi đua” – một nhà báo chuyên trách đưa tin về hoạt động pháp đình, kể.
Vẫn theo nhà báo nói trên, nguyên tắc độc lập trong điều tra, truy tố, xét xử giúp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể kiểm tra, giám sát chéo hoạt động của nhau; tránh gây oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nguyên tắc này được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là độc lập? Độc lập là cơ quan nào biết hoạt động của cơ quan đó, chỉ tham gia khi đến nhiệm vụ của mình hay vẫn có thể tranh thủ ý kiến của nhau, họp bàn để trao đổi…? Vì chưa có quy định nên đôi khi, 3 cơ quan tố tụng họp liên ngành để đánh giá về vụ việc nào đó, và sẽ có những ý kiến nói như vậy đã vi phạm nguyên tắc độc lập.
“Tôi cho rằng với cách hiểu như lập luận trên, trong cụ thể các công dân trong vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nếu họ kháng cáo án sơ thẩm thì đó chính là họ đã bị oan, vì tình tiết hôm xét xử cho thấy pháp luật không đưa ra một điều luật cụ thể nào để chứng minh một cách khoa học là hành vi của họ là “sai” trong cáo buộc tội danh.
Có một trớ trêu là nếu như giờ đây họ chống án bằng ‘kêu oan’, thì lại dễ đối mặt với cáo buộc là ‘ngoan cố’; và hơn nữa đã vào cuối nhiệm kỳ, chắc chắn ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, luôn muốn khép lại ghế quyền lực của mình trong êm đẹp cho bản thành tích nhiệm kỳ!” – ông nhà báo nói trên, nhận định.