Anh Văn
(VNTB) Là người Cộng sản cuối cùng, ông tìm cách lấy lại uy tín cho Đảng ông, nhưng càng lấy lại, nó lại càng là phương thuốc kéo dài sự suy kiệt của dân tộc này. Chân chính của ông hóa ra chính là sự chân chính của ích kỷ và hẹp hòi, giữa sự vun vén cho Đảng mà quên đi vun vén và mở đường dân tộc.
VNTB – Ông Nguyễn Phú Trọng: người Cộng sản chân chính cuối cùng? |
Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc”, vai trò của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cao! Nhiều quan điểm bắt đầu đánh giá lại tính chất “lú” mà họ từng “ban tặng” cho ông Tổng Bí thư, và nhiều trong số đó lại bắt đầu hành động tôn vinh, ngưỡng mộ, gọi ông Trọng là “người Cộng sản chân chính cuối cùng”.
Họ dựa vào đâu?
Từ thời điểm Quan Làm Báo ra đời đến khi Chân dung quyền lực xuất hiện gây nhiễu loạn chính trường Việt Nam. Hầu hết cán bộ cấp cao ở địa phương đến trung ương bị khui ra, hoặc trực tiếp cho đó là những tên “gian thần, Hán thần”, hoặc gián tiếp gieo rắc nghi ngờ đến sau những nghi án gây hại cho người tài, bán tài nguyên quốc gia, chia chác lợi ích.
Ông Nguyễn Phú Trọng không có tên, tuyệt nhiên hoàn toàn trong sạch.
Thậm chí có một câu chuyện về ông Trọng liên quan đến Trịnh Xuân Thanh (chưa kiểm định) là khi Trịnh Xuân Thanh bắt đầu “nổi sóng”, ông Thanh có đến nhà ông Trọng “xin cứu”, nhưng ông Tổng Bí thư đã không tiếp!
Ông Nguyễn Phú Trọng “chân chính” một lần nữa khi ông Dương Đức Quảng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí – Văn phòng Chính phủ), một người bạn của TBT Nguyễn Phú Trọng thời kỳ đi học cũng có một bài viết trong đó đề cập đến cách hành xử rất khéo léo và tính người của ông Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là câu chuyện ông Trọng có hai người con, cả hai “đều là viên chức nhà nước và là các công dân bình thường”, và trong lần gả con gái, ông Trọng “chỉ mời bạn bè thân thiết từ phổ thông đến đại học”, chứ không mời người “quyền cao, chức trọng”.
Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nhị Lê miêu tả ông Nguyễn Phú Trọng như một nhân vật chân thiện mỹ đầy đủ. “Từ khi tôi được biết ông cho tới ngày hôm nay, ông vẫn luôn là người dễ gần, giản dị đến mộc mạc, nghĩa tình, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, thủy chung, nhưng cũng hết sức quyết liệt và cực kỳ cẩn trọng.”
Thậm chí, tác giả Nguyễn Hồng Hải trong bài viết đăng trên Anh Ba sàm vào đầu năm 2016 đã bàn về những cải cách liên quan trực tiếp đến thể chế chính trj mà do ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành. Nó đảo ngược lại nhận định của đa số thời điểm lúc đó là ông… Nguyễn Tấn Dũng, người được cho “thân phương Tây”.
Gã đầu bạc; người Cộng sản chân chính cuối cùng; sĩ phu Bắc Hà – là những cụm danh từ mà dư luận (đặc biệt là trên mạng) dành riêng cho ông Tổng Bí thư. Họ tin rằng, ông là người trong sáng, liêm khiết, vì Đảng, vì dân.
Người Cộng sản cuối cùng?
Ông Nguyễn Phú Trọng có thể là người Cộng sản cuối cùng trên dãy đất hình chữ S này, ít nhất là trên cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông phát ngôn và có lối hành xử tác phong đặc sệch của người Cộng sản, nơi mà sự trái chiều với ý kiến lãnh đạo trở thành suy thoái đạo đức. Và nơi mà nền kinh tế luôn là “định hướng XHCN”, chính trị luôn là “XHCN”.
Ông Nguyễn Phú Trọng, về mặt học thức và lý luận cũng là người Cộng sản, trong các bài phát biểu tại các Hội nghị lớn nhỏ trong nước hay trả lời phỏng vấn báo giới trong và ngoài nước, ông để xoay quanh vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam làm chủ đạo. Và dường như nhiệm vụ của ông chính là người gác đền cho Đảng. Ông trăn trở về “bộ phận không nhỏ cán bộ”, lo toan về “tự diễn biến, chuyển hóa trong đảng”, trằn trọc về “suy thoái tư tưởng chính trị, đọa đức lối sống”, thổn thức trước “nguy cơ của thế lực xấu, thù địch phản bộ lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng”.
Ông Nguyễn Phú Trọng gắn vận mệnh của mình vào Đảng, và gắn vận mệnh của Đảng vào Dân tộc, coi đó là sự sống-còn. Trong cuốn sách của ông do NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2015, người đọc có thể bị đập ngay vào mắt cái sự “cốt lõi Cộng sản” trong con người Tổng Bí thư, khi nguyên tắc “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn” được định vị một cách vững chắc nhất, và cuốn sách dày cộm đó đã lý giải một cách đầy ma mị rằng, tại sao sự trường tồn của dân tộc phải gắn bó một cách khăng khít nhất, mạch lạc nhất với Đảng.
Sau Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, người cho ra đời tác phẩm “Tự chỉ trích” năm 1939, tác phẩm mà đã phê bình những khuyết điểm trong Đảng, đề cao tính thống nhất tư tưởng, cách để Đảng gây ảnh hưởng mạnh nhất, tạo tính lợi ích chung cho toàn Đảng, làm tăng uy tín trong Đảng, thì ông Nguyễn Phú Trọng là người thứ hai nhắc lại “uy tín của Đảng, tư tưởng của Đảng”, và gia cố mạnh mẽ tính tự chỉ trích trong Đảng bằng Nghị quyết Trung ương 4 với phong trào “Phê bình và tự phê bình”.
Ông là người biết chơi chữ theo đúng tính Đảng, với đa nguyên – đa đảng, ông dựa vào “sự cần thiết khách quan” để phản bác, với chống tham nhũng – ông ẩn dụ bằng hình ảnh “con chuột và cái bình”, khi được hỏi về “sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và cá nhân có khiến Việt Nam dân chủ và giàu mạnh, ông lại có dịp đề cao tính “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Khi nói về tính kiếm tra, giám sát của Đảng, ông vỏn vẹn trong câu, dù không hứng thú những “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Ông là người Cộng sản cuối cùng, hoặc ở phương diện làm hình ảnh Cộng sản cuối cùng cũng không sai.
Nhưng liệu là chân chính?
Người Cộng sản cuối cùng và sự chân chính vẫn là hai khái niệm khác nhau, và ở mức độ nào đó, chân chính dường như né tránh những người Cộng sản.
Xét về ông Trọng, có thể xét về hai mặt của sự chân chính. Với gia đình, người thân (họ hàng, đồng nghiệp) – ông có thể chân chính như cách mà nhà báo Nhị Lê nhận xét: người dễ gần, giản dị đến mộc mạc, nghĩa tình, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, thủy chung. Nhưng điều đó không có nghĩa ông chân chính đối với dân và nước.
Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh là một điển hình nhất của tính “chân chính với dân tộc” của ông Nguyễn Phú Trọng. Xét thấy đầu tiên, tham nhũng và lạm dụng quyền lực của ông Thanh chính là khi ông Trịnh Xuân Thanh trở thành Đảng viên, được học qua lớp “chính trị”, được cất nhắc – bầu bán qua sự “đồng thuận chung”.
Những thuật ngữ nêu trên (đảng viên, lớp chính trị, cất nhắc, đồng thuận chung) là đặc tính chỉ có ở những thể chế độc tài/ một đảng, và không có tính đa nguyên. Ở một thể chế chính trị Cộng sản, thuật này được gia cố mạnh hơn và chính nó đã khiến cho đạo đức con người bị suy thoái, hay chính xác hơn là cơ chế làm thoái hóa tính đạo đức con người, “cổ vũ mạnh mẽ” trong tính thú vật và lòng tham bên trong của mỗi cá nhân.
Là người đứng đầu một Đảng, và chính Đảng ấy đã làm tạo điều kiện cho những Trịnh Xuân Thanh xuất hiện, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự chân chính?
Vào ngày 17/04 tại Hà Nội, ông lên tiếng mạnh mẽ về quyết tâm chống tham nhũng, khi nhấn mạnh sẽ “truy tố, xét xử dứt điểm 12 đại án” liên quan đến kinh tế, làm ăn thua lỗ. Các dự án này xuất phát từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng chính “tư tưởng, đường lối chỉ đạo” của Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi nhấn mạnh kinh tế nhà nước làm chủ đạo đã tạo “điều kiện và khuyến khích” cho ông Nguyễn Tấn Dũng lạm quyền và sản sinh ra các dự án, tập đoàn ăn hại nguồn lực quốc gia. Với tư cách là người đứng đầu Đảng, ông liệu thực sự có chân chính!
Là người có quan điểm đanh thép và khéo léo về tham nhũng và chống tham nhũng, ông thẳng thắn thừa nhận tham nhũng như “ngứa ghẻ”, và không còn ăn mảnh, mà là trở thành đường dây. Ông nhấn mạnh, tham nhũng xử nghiêm và không có vùng cấm. Nhưng ông lại giữ một tư duy về trừng trị “một vài người để cứu muôn người”, tức tính cấp thiết của tham nhũng cũng chỉ là giữ gìn một thể trạng Đảng tốt, để cứu vớt uy tín Đảng. Ông nhận ra là quyền lực làm suy thoái con người, là cái nguồn gốc để nảy sinh tệ tham nhũng – ông chia sẻ phải nhốt “quyền lực vào cơ chế”, nhưng chính ông lại là người tuyên bố với cử tri “Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương Lĩnh của đảng”, tức toàn bộ chính trị – xã hội này lại vận hành quanh cái Đảng pháp. Như vậy thì “quyền lực” thoái hóa từ Đảng lại nhốt vào cơ chế “Đảng pháp”, tựu chung không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Liệu ông có là người chân chính.
Ông ở đâu, chịu trách nhiệm thế nào khi nguồn lực, tiềm lực quốc gia bị bào mòn bởi những người đảng viên của ông? Ông ở đâu, và đã làm gì khi con đường đi lên của dân tộc này lại bị quấn quanh bởi cụm từ XHCN mà chính ông thừa nhận chưa biết đến đâu? Ông ở đâu và làm gì khi mà cứ tìm cách gia cố cho Đảng, thứ mà nảy sinh “sự thoái hóa, biến chất” ngày càng tinh vi hơn?
Ông có thể là một người cha tốt, chồng tốt, ông tốt, đồng nghiệp tốt – nhưng ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ là một công dân tốt, bởi nó gắn với sự một lòng với chính Đảng của ông, cái Đảng mà tự lâu tự nó biến cuộc chiến chống lại tham nhũng và tha hóa của con người trở thành một cuộc chiến… vô vọng!
Cũng giống như vua Tự Đức có thể là một học trò xuất sắc của tư tưởng Nho giáo, nhưng lại là một kẻ tội đồ của sự phát triển của dân tộc. Chính Tự Đức và những người con của ông đã khiến cho một nhà nước thống nhất bị mất chủ quyền và ràng buộc bởi những Hiệp ước nhục nhã nhất với ngoại bang.
Là người Cộng sản cuối cùng, ông tìm cách lấy lại uy tín cho Đảng ông, nhưng càng lấy lại, nó lại càng là phương thuốc kéo dài sự suy kiệt của dân tộc này. Chân chính của ông hóa ra chính là sự chân chính của ích kỷ và hẹp hòi, giữa sự vun vén cho Đảng mà quên đi vun vén và mở đường dân tộc.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ khẳng định: Ông Phú Trọng là con người đi lên từ đường Đảng, ông ấy không có một tầm quan sát quốc tế, cũng như tầm để dẫn dắt dân tộc trong một bối cảnh quốc tế.
—————–