Phạm Chí Dũng (nhà văn)
Người Việt 27/7/2017
Trong toàn cõi Việt Nam, Văn Nghệ TP.HCM – một tuần báo trực thuộc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.HCM – có lẽ là trang văn nghệ duy nhất hiện thời không chỉ tự diễn biến tính đảng một cách giáo điều nhất, mà còn “công an tính” sắt máu không kém.
Tuần báo Văn nghệ TP. HCM: đấu tố cụ Phan Châu Trinh, xúc phạm nhân phẩm trí thức
Thô tục tận cùng
Trong tâm thức và tâm lý của giới sáng tạo nghệ thuật thường chẳng ưa gì thói công an trị nhưng ít dám công khai nói ra, Văn Nghệ TP.HCM là một trường hợp đặc biệt kỳ dị khi từ nhiều tháng qua, tờ báo này đã dung nạp một đội ngũ tác giả với đẳng cấp từ ngữ tha hóa đến mức “máu trên máu dưới.”
“Máu trên máu dưới” là cụm từ đã từng tồn tại trong một bài viết “phê phán các quan điểm sai trái và xuyên tạc” ẩn trong mục “Nghiên cứu-Phê bình-Trao đổi” của Văn Nghệ TP.HCM, nhằm công kích và bôi xấu một phụ nữ hoạt động nhân quyền, nhưng ngay sau khi đăng đã bị nhiều văn nghệ sĩ phản ứng quyết liệt đòi gỡ bỏ từ ngữ tận cùng bỉ lậu này.
Cụm từ trên không phải là duy nhất, mà chỉ là một trong nhiều minh họa bị “hóa thân” vào gương mặt của giới văn nghệ đương đại thuộc hội đoàn nhà nước. Bởi giới dư luận viên được “biên chế” vào Văn Nghệ TP.HCM còn sử dụng nhiều từ ngữ khác không kém tượng hình mà bản thân sự dung tục còn phải ôm mặt xấu hổ – đặc trưng cho một nền văn hóa xuống cấp tận cùng của đội ngũ tác giả nghiễm nhiên ăn thuế dân nhưng vẫn “tự do sáng tạo” đến mức đạp thẳng lên các quyền tự do căn bản của dân.
Những tác giả đó là ai? Phải chăng là các thành viên của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.HCM?
Những văn sĩ và nghệ sĩ ở Sài Gòn cho biết, họ “sẵn sàng lấy đầu mà đoan chắc là không có một nhà văn nào mất liêm sỉ đến độ viết bài theo lối dư luận viên trên tờ Văn Nghệ TP.HCM. Việc tờ báo mang danh nghĩa đại diện cho tiếng nói của giới văn nghệ sĩ mà lại đăng những bài viết hạ cấp đến thế là một sự xúc phạm nặng nề đến lòng tự trọng của toàn thể giới văn nghệ sĩ.”
Phép loại suy đã rõ: chỉ có thể là dư luận viên.
“Hợp đồng công an”?
Số bài viết “chống diễn biến hòa bình” của dư luận viên lại dày đặc một cách bất thường trên Văn Nghệ TP.HCM. Rất nhiều bài và nội dung trong những bài viết này đã được tung ra trên các blog, facebook cá nhân của các dư luận viên từ trước đó, rồi được cập nhật thông tin và “xào nấu,” cóp dán để cuối cùng trở thành “tác phẩm nghệ thuật” trên Tuần báo Văn Nghệ của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.HCM.
Sẽ có thể châm chước cho thái độ “cuồng đảng” của những người đang tiếm danh tiếng nói và bộ mặt văn học nghệ thuật, nếu số dư luận viên này không quá cực đoan và đậm đà thuộc tính vô liêm sỉ. Rất dễ nhận ra là nhiều bài viết được đăng trên Văn Nghệ TP.HCM không chỉ công kích mà còn mạt sát, chửi bới thô lậu ghê gớm đối với những nhà hoạt động bảo vệ cho dân oan đất đai, nạn nhân ô nhiễm môi trường, những người vận động thúc đẩy sớm ban hành Luật Biểu Tình và Luật Về Hội, những người dám thể hiện chính kiến ủng hộ đa nguyên và đa đảng…
Nhiều văn nghệ sĩ lại rất nghi ngờ rằng đã có một bản “hợp đồng” giữa ông Nguyễn Chí Hiếu – Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM và cũng là một quan chức của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.HCM – với giới “công an nhân dân.” Theo đó, Văn Nghệ TP.HCM đăng định kỳ và đột xuất loại bài “chống diễn biến hòa bình” của giới tác giả công an và đồng thời cho giới này được hưởng nhuận bút. Còn tất nhiên, nhuận bút được trích từ nguồn ngân sách mà các “cơ quan chủ quản” là Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM cấp hàng năm cho Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.HCM, hoặc từ “mật quỹ” của cơ quan an ninh – “cơ quan phối hợp.” Ngân sách hay quỹ này lại được “trích” từ tiền đóng thuế của người dân thành phố…
Văn nghệ ngược dòng
Việt Nam năm 2017. Chẳng mấy khác với vài ba chục năm trước, vẫn là cái thời mà văn học nghệ thuật như lùng bùng nguyên trạng trong cái áo đặc biệt dùng để trói bó phạm nhân, trong một tâm thế mà mỗi câu chữ và hình tượng phản biện trong tác phẩm đều bị kiểm duyệt một cách phi nhân tính và phi nhân bản, vào lúc mà nhiều nhà văn cùng nghệ sĩ đã buông bút, buông đàn, buông cọ, chán chường trong nỗi thất vọng không gì diễn tả nổi về một chế độ chính trị bế tắc đang khiến các rường cột luân lý xã hội sụp đổ thê thảm…
Bỉ bôi thay, Văn Nghệ TP.HCM lại ngược dòng vào đúng cái lúc như thế. Lúc của buổi chợ chiều chính thể cùng những bài viết tụng ca lãnh đạo tởm lợm khắm mùi cả dặm xa. Ngược dòng với tuyệt đại đa số nhà văn và nghệ sĩ đang muốn tránh thoát cái bóng đè khủng khiếp lên tâm não và đời sống của họ để hy vọng tìm ra một tia sáng, dù chỉ là tia sáng im lặng.
Văn Nghệ TP.HCM cũng đang ngược dòng tâm tư và ngược dòng xu thế dân chủ không thể quay ngược của thời đại. Tờ báo này lại đang ngược dòng khi tự nguyện làm mũi xung kích bảo vệ cho mảng tường thành toàn trị đổ nát, chấp nhận “thiên chức công an” thay cho thiên chức sáng tạo nghệ thuật, chấp nhận sự lên ngôi của bẩn thỉu về ngôn từ và đê tiện về tư cách.
Văn nghệ là một thiên chức của tự thân nó. Nghệ thuật chỉ được xác nhận và tôn vinh bằng chiều dài lịch sử nếu không dính dáng đến chính trị hoặc bị chi phối bởi chính trị, đặc biệt là chính trị độc đoán.
Không chỉ là cảm giác bị xúc phạm. Những bài viết thô lậu của giới dư luận viên công an cứ hiện lên mỗi ngày trên Văn Nghệ TP.HCM càng đổ trút thêm nỗi đọa đày tức tưởi lên đầu và vào tim các nhà văn và nghệ sĩ đang trú chân trong một tổ chức hội đoàn nhà nước – nơi đã thụt lùi vào quá khứ hàng nửa thế kỷ.