Hà Nguyên
(VNTB) – Việc khen thưởng các cá nhân tham gia vào quá trình điều tra, phá án một vụ đại án như vụ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh là hoàn toàn bình thường.
Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 2/3, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an, đã trả lời báo chí Việt Nam về thông tin một số cán bộ công an được khen thưởng vì có thành tích trong vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Tướng Tô Ân Xô nói là sau khi xét xử, các cơ quan đều họp rút kinh nghiệm, đánh giá và khen thưởng các cá nhân có thành tích trong phá án. Thế nhưng, “vừa qua qua một số bức ảnh không rõ xuất xứ, một số cá nhân, tổ chức, các thế lực chống đối đã thêu dệt câu chuyện, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của công an, đất nước, làm mọi người hiểu lầm. Việc khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân tham gia vụ đại án, kéo dài nhiều năm như vậy là điều hoàn toàn bình thường”.
Tuần lễ trước đó, đại diện hãng tin Đức DPA hôm 25/02/2021 tại Hà Nội đã hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện tại Đức, tờ taz.de (24/02/2021) thì vụ việc “một số bức ảnh” là tình tiết mới mà nay Đức biết được, như mô tả trong bài viết có tựa đề “Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Những kẻ bắt cóc được vinh danh” (Entführungsfall Trinh Xuan Thanh: Kidnapper von Hanoi geehrt).
Đài Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Slovakia vào ngày 23/2/2021 phát chương trình truyền hình liên quan vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Nội dung chương trình đề cập đến việc 12 cán bộ thuộc Bộ Công an Việt Nam được tuyên dương, khen thưởng vào năm 2020 do hoàn thành nhiệm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi. Và lần này, Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam thì cho rằng “một số bức ảnh không rõ xuất xứ, một số cá nhân, tổ chức, các thế lực chống đối đã thêu dệt câu chuyện, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của công an, đất nước, làm mọi người hiểu lầm”, và cũng không trả lời cụ thể là có hành vi ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ tại Đức hay không.
Theo các ký giả phương Tây, ở đây họ không hề suy diễn hay thêu dệt, chỉ đơn giản là đồng ý việc bắt và xử những kẻ phạm pháp ở mọi hình thức là chuyện đương nhiên cần phải làm. Nhưng đến một quốc gia tự trị khác để bắt cóc người bị tình nghi như việc làm của chính quyền Việt Nam, thì Việt Nam đã thể hiện thiếu hiểu biết về sự ban giao hữu nghị của cộng đồng quốc tế, và đang xài ‘luật giang hồ’.
Bàn luận về chuyện ý kiến thắc mắc của báo chí phương Tây và Việt Nam, một luật sư đề nghị ẩn danh, hiện thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét như sau:
“Tôi cho rằng những người phát ngôn ở Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã cố tình quên đi vấn đề mang tính lý thuyết, đó là khi các vấn đề pháp lý về tư pháp phát sinh của Việt Nam, nhưng đương sự hoặc nghi can lại đang ở nước ngoài hoặc bỏ trốn đi nước ngoài, từ đó nãy sinh các tình huống xử lý về mặt pháp lý giữa các quốc gia với nhau.
Có trường hợp các quốc gia đã ký hiệp định song phương hoặc đa phương thì được xử lý theo các hiệp định đó. Tuy nhiên cũng có nhiều quốc gia Việt Nam chưa ký các hiệp định về tương trợ tư pháp, hiệp định về dẫn độ, hiệp định về chuyển giao người bị kết án… Do đó, vấn đề truy bắt hay xử lý với các nghi can là người Việt Nam ở nước ngoài lại cần phải được thực thi theo luật pháp của các quốc gia ấy.
Trường hợp không thực thi đúng pháp luật quốc tế sẽ bị xem là sự xúc phạm đến tính tuân thủ và văn hóa pháp quyền của nền văn minh nhân loại. Do vậy nên câu chuyện xử lý các tình huống pháp lý nảy sinh vì thế không phải khi nào cũng đơn giản như phát ngôn của Thiếu tướng Tô Ân Xô”.