Anh Khoa dịch
(VNTB) – Đền thờ Mao sẽ quay trở lại
Ngày 6 tháng 3 năm 2021
Vào thời hoàng kim những năm 1960 và 1970, ngôi làng Dazhai được gọi là làng kỳ diệu. Hàng triệu người về nguồn cách mạng đã đến để được biết làm thế nào nông dân địa phương đã tạo ra ruộng lúa và hồ chứa bậc thang từ những sườn đồi đầy đá, chỉ với những công cụ gần như dụng cụ cầm tay và đ lòng kính yêu Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Bí thư chi bộ Dazhai, Chen Yonggui, hầu như mù chữ đã được triệu tập đến Bắc Kinh và bổ nhiệm vào Bộ Chính trị với cấp bậc phó thủ tướng. Con trai của một quan chức Dazhai, Liang Jiwen khi đó còn là một cậu học sinh. Ông nhớ lại các quan chức quan trọng hàng ngày đến quê ông ở tỉnh Sơn Tây, trên vùng núi Taihang khô cháy. Ông và các bạn cùng lớp vẫy hoa và hát những bài nhạc đỏ bên vệ đường. “Chúng tôi không có thời gian để việc học,” ông nhớ lại.
Rồi đến lúc sụp đổ. Năm 1980, góp một phần của cuộc thanh trừng có quy mô lớn hơn nhắm vào những người cực tả sau khi Mao qua đời năm 1976, các tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản gọi Dazhai là một vụ lừa đảo. Các nhà điều tra cáo buộc rằng người ta bịa ra các vụ thu hoạch kỳ diệu. Họ đưa tin về các khoản tiền mặt trợ cấp khổng lồ được chuyển đến ngôi làng được cho là tự lực cánh sinh này và hàng nghìn binh sĩ được cử đến để xây dựng các kỳ công kỹ thuật.
Bây giờ Dazhai đang cố gắng thực hiện màn kịch thứ ba. Các quan chức địa phương đã lên kế hoạch đưa ngôi làng này vào một chiến dịch chính thức toàn quốc để quảng bá “du lịch đỏ” và dạy lịch sử đảng cho quần chúng. Họ đang đặt hy vọng đặc biệt vào “công xã” trước đây, một quần thể các nhà ở trong hang động được xây dựng vào năm 1966 được bảo tồn tốt. Một địa điểm đầy lôi cuốn, cổng vào vẫn được trang trí bằng các khẩu hiệu của Mao, ngôi làng đã được đưa vào danh sách các địa điểm được bảo vệ quốc gia vào năm 2013.
Làng vẫn chưa mở cửa cho công chúng, nhưng họ đã có kế hoạch mua lại nhà của những cư dân hiện tại. Trong số đó có Jia Cunlian, một góa phụ đã sống trong một ngôi nhà hang động 30 năm. Bà nhớ đến ông Chen, một quan chức thời Mao, là “người tốt nhất”, ông đã chia sẻ với dân làng những món quà ngoại nhập mà ông đã nhận được, chẳng hạn như dưa hoặc nho khô. Tuy nhiên, bà ấy thích thời gian hiện tại hơn, bà nói: “Hồi đó cuộc sống khó khăn lắm”.
Kể từ những năm 1990, hầu hết du khách đến Dazhai đều là người cao tuổi. Ngôi làng đã cố gắng níu kéo họ bằng những kỷ niệm xưa: các nhà hàng gia đình phục vụ các món ăn nông thôn, bao gồm cả món mì làm từ vỏ cây trong thời kỳ đói kém. Nhưng các nhà lãnh đạo địa phương hiện có tham vọng lớn hơn, liên quan đến một nỗ lực được xem là phục hồi vị trí chính trị của Dazhai.
Để đạt được điều đó, các quan chức sẵn sàng cung cấp một phần sự thật. Shi Yonghong, người đứng đầu văn phòng di tích văn hóa của quận này, Xiyang, thừa nhận rằng lời kêu gọi “Học hỏi từ Dazhai” của Mao đã quá đà vào giữa những năm 1970, chẳng hạn như khi các xã ở các vùng khác của Trung Quốc tạo ra những thửa ruộng bậc thang trên những cánh đồng vốn bằng phẳng để tỏ ra là họ nghe theo lời chủ tịch Mao.
Ông Shi đổ lỗi cho các quan chức ở những nơi này vì đã hiểu sai chính sách, đồng thời nói thêm rằng Dazhai chưa bao giờ yêu cầu được công nhận là một hình mẫu quốc gia. Nhưng ngay cả việc thừa nhận miễn cưỡng những vấn đề xảy ra đã lâu cũng được làm nhẹ đi bởi tuyên bố rằng Dazhai không chỉ nuôi sống dân làng trong những năm đói khổ nhất của thập niên 1960, mà còn “bán sản phẩm dư thừa cho nhà nước”. Ông ta không cung cấp thêm chi tiết nào để chứng minh cho điều từ lâu đã được chứng tỏ là gian dối. Thay vào đó, ông ta nói một cách mơ hồ nhưng hoành tráng về “tinh thần Dazhai”, mà ông ta định nghĩa là làm việc chăm chỉ và không yêu cầu sự hỗ trợ của chính phủ.
Trong một văn phòng dày đặc khói thuốc lá, nhìn ra quảng trường làng phủ đầy tuyết, Phó bí thư Đảng ủy Dazhai, Li Huailian, vui vẻ chêm thêm. Bà gọi câu chuyện về những khó khăn của ngôi làng này như một cách để hiểu ý của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông nói với người dân hạnh phúc không phải từ trên trời rơi xuống. Dazhai thịnh vượng vì người dân luôn siêng năng và tuân theo mệnh lệnh đảng, bà ấy tuyên bố. “Đảng bảo chúng ta đi đâu, chúng ta đi đó.”
Trong buổi họp mặt đầu tiên là một bản tóm tắt khá nhạt nhẽo về quá khứ đầy biến động của làng bà. Nhưng những quan chức địa phương này biết họ đang làm gì. Họ muốn Dazhai trở thành một địa điểm du lịch đỏ nổi tiếng, được quảng bá cùng với các căn cứ cách mạng trên tuyến đường Trường Chinh. Để đạt được điều đó, họ cần nắm được vai trò đó trong vở kịch lịch sử của thời Tập Cận Bình. Đối với ông Tập và người của ông, quá khứ là để có lý do ngưỡng mộ đảng, chứ không phải là bằng chứng để phán xét về sự lãnh đạo của đảng.
Không chỉ những giáo hoàng thích tuyên bố không thể sai lầm
Lịch sử thực sự là một thứ nguy hiểm. Những lời khen ngợi trong quá khứ đối với Dazhai và quan chức phụ trách nó, ông Chen – một người nhiệt thành đã ra lệnh cho 141 vụ hành quyết chính trị và nói rằng những người cách mạng có thể trồng ngũ cốc trên những bãi biển đầy cát – là một lời nhắc nhở rằng đối với Mao, sự cai trị của đảng là một dự án dựa trên đức tin. Nó thường đặt hệ tư tưởng lên trên chuyên môn và lẽ thường, với những kết quả khủng khiếp. Đơn tố cáo của Dazhai vào năm 1980 phản ánh các động thái của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc khi đó, Đặng Tiểu Bình, nhằm tạo ra một nhà nước duy lý, và kỹ trị. Đặng đánh cược là đảng không cần sự sùng bái cá nhân để duy trì sự ủng hộ của dân chúng. Thay vào đó, ông tìm kiếm một sự ủy nhiệm dựa trên việc làm cho Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và thịnh vượng. Để chứng minh cho những cải cách dựa trên thị trường mà ông ta tin là quan trọng đối với dự án đó, ông ta, một cách thực dụng, đã để cho những sai lầm của chủ nghĩa Mao được nêu ra.
Ông Tập ủng hộ sự tổng hợp của hai cách tiếp cận này. Khi đảng sắp kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 7, các nhà lãnh đạo của đảng kêu gọi công chúng đối chiếu sự trỗi dậy kinh tế và ổn định xã hội của Trung Quốc với sự suy giảm kinh tế và hỗn loạn chính trị ở phương Tây. Đó là một lời kêu gọi theo phong cách của Đặng về tính chính đáng có được từ kết quả. Tuy nhiên, điều đó cùng tồn tại với cuộc trò chuyện có tính tung hô về “những thành tựu rực rỡ và kinh nghiệm quý báu mà đảng chúng tôi tích lũy được”. Những thảm họa của chủ nghĩa Mao không được nhắc đến. Vào thời Tập, khi các học giả Trung Quốc nói quá nhiều đến những sai lầm trong quá khứ, họ đã mắc tội tin vào “chủ nghĩa hư vô lịch sử”, cái án dẫn đến kết thúc sự nghiệp. Khi người nước ngoài nhớ lại những nỗi kinh hoàng cũ, họ bị buộc tội là tìm cách lật đổ sự cai trị của Cộng sản. Tháng trước, ông Tập đã tập hợp các lãnh đạo cấp cao để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử đảng một cách chính xác, để truyền “gien đỏ và ngọn lửa cách mạng” cho các thế hệ sau.
Ông Tập tìm kiếm một ủy nhiệm vừa thực dụng vừa dựa trên niềm tin. Chủ đề chung là sự trung thành tuyệt đối. Theo logic của thời đại Tập, người Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự cai trị khôn ngoan của đảng ngày nay vì họ luôn tin tưởng đảng, ngay cả khi nó sai lầm. Nhìn nhận một cách khách quan, Dazhai không xứng đáng trở thành một nơi để hành hương một lần nữa. Dù vậy, nó vẫn có thể xảy ra. Ở Trung Quốc, quá khứ là những gì đảng cần.
Nguồn: The Economist