Loan Thảo
(VNTB) – Phải chăng tôn giáo cũng được xem là món hàng hóa để làm áp phe trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có điều nào trong các văn bản pháp lý cho phép hay cấm các loại hình kinh doanh kiểu “du lịch tâm linh” này không, nhất là khi giao đất cho tư nhân triển khai dự án? Điều này chính quyền phải trả lời cho rõ các dự án như vậy có đúng luật hay không.
Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch lấy yếu tố tâm linh là mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu từ con người. Vì thế du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn.
Du lịch tâm linh là chuyến du lịch khám phá thế giới tâm linh để trở về với thế giới nội tâm, lắng nghe và tìm về những điều tốt đẹp. Đi sâu vào cuộc hành trình tâm linh này, người ta có thể rũ bỏ những ưu phiền, khổ đau để có được một tâm hồn tự do và hạnh phúc, lòng ngập tràn niềm vui sống cùng tình yêu thương bao la, vô tận…
Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những cái thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội của con người, nhất là những cư dân vùng Á Đông nói chung trong đó ở Việt Namvăn hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở Việt Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của du lịch tâm linh.
Ngoài ra du lịch tâm linh ở Việt Nam còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những điều huyền bí.
Trong giáo trình đào tạo sinh viên ngành du lịch, có 4 yếu tố sau: Thứ nhất, du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin và ở Việt Nam. Thứ hai, du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc.
Thứ ba, du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành. Thứ tư, du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam mà không nơi nào có đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thế nhưng với những dự án như Đại Nam, Bái Đính, Tam Chúc,… rõ ràng đều không thể được gọi là “du linh tâm linh”, vì tất cả mới được giới chủ tư nhân xây dựng trong thời gian gần đây chưa đến 20 năm trở lại.
Và không chỉ là câu chuyện của “tâm linh”, mà còn là việc phải chăng tôn giáo cũng được xem là món hàng hóa để làm áp phe trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang kiên trì đeo đuổi suốt 3 nhiệm kỳ là người đứng đầu Đảng?
Trước tiên, Đảng và Nhà nước cần trả lời câu hỏi sau cho rõ, doanh nghiệp tư nhân X.Y.Z. kia được xây chùa trong khu du lịch, tại sao người Phật tử, người tu sĩ lại không được xây chùa trên mảnh đất họ có quyền sở hữu? Vậy phải chăng có một loại chùa để kinh doanh du lịch, và loại chùa khác để tu hành?
Thứ hai, giới chủ tư nhân và cả ‘chủ nhà nước’, họ có quyền mời bất cứ tu sĩ nào về tụng kinh, hương khói, nhưng chỉ là danh nghĩa cá nhân vị ấy, chứ không thể mang danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một khi Giáo hội đã tham dự vào khu du lịch tâm linh, thì cơ sở nào trong hiến chương của Giáo hội quy định điều đó?
Trên thực tế, những chùa trong các khu du lịch được gọi là tâm linh thời hiện đại, việc ‘bổ nhiệm’ ai trụ trì tại đây là của giới chủ, nhưng ‘bảng hiệu’ chùa thì vẫn ghi “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, như đây đã trở thành động sản – bất động sản thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.