VNTB – Tôi biết làm sao?

VNTB – Tôi biết làm sao?

Quang Nhựt

 

(VNTB) – Cấm hết toàn bộ như vậy đó thì tụi em làm ăn khó khăn lắm

 

Có lẽ, sinh ra trong cuộc đời, chẳng ai mong muốn mình bị khiếm khuyết một cái gì đó. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ là hoàn toàn không thể nói trước bất kỳ điều gì. Nói vui theo kiểu dân gian, “giày dép còn có số” thì huống chi là con người…

“Trước khi bước chân vào nghề làm báo, tôi có đi dạy cho những em học sinh bị mù. Nhìn chung, tinh thần các em rất lạc quan, vượt lên nghịch cảnh. Thầy trò vui vẻ ở những buôi học lắm. Các em còn rủ hai thầy cùng nhau nhậu, rồi còn chỉ cho các thầy cách sang đường như thế nào, dùng cây dọ đường ra sao… Trời có thể lấy của các em đôi mắt nhưng lại cho các em giọng hát. Và các em có thể dùng nó để mưu sinh”, nhà báo Th.V. chia sẻ trong hoài niệm.

Cuộc sống mưu sinh của người mù, có thể nói, là khó khăn hơn so với người bình thường. Song, với họ, nụ cười luôn ở trên môi. Dù là trời nắng gắt, họ vẫn miệt mài, chăm chỉ mưu sinh. Bởi họ hiểu rằng, nếu không cố gắng, thì cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Tưởng rằng cuộc sống cứ thế mà trôi qua, thế rồi, vì những người không ý thức, không quan tâm đến người khác, bất chấp thời gian chỉ để thỏa mãn cái đam mê hát hò của mình, vô hình trung, lại làm cho công việc mưu sinh của những người mù phải đứng trên bờ nguy hiểm nếu chính quyền không có biện pháp hữu hiệu trong việc cấm hát bằng loa thùng, loa kéo.

“Nếu mà cấm như vậy đó là những người như tụi em vậy nghĩa là sống rất là khó khăn. Tại vì mình đi ra đường buôn bán mình phải nhờ cái loa, thì mình bắt nhạc, hoặc mình ca hát, bà con người ta thấy vậy người ta mới thương, người ta ủng hộ, mà nếu mà cấm, cấm hết toàn bộ như vậy đó thì tụi em làm ăn khó khăn lắm. Còn cái chuyện mà nhạc karaoke mà nhậu nhẹt này nọ thì cái đó nên cấm cái đó được” – ông Thắng, một người mù quê ở Bạc Liêu chia sẻ suy nghĩ trước đề xuất cấm hát bằng loa kéo.

Một điều dễ dàng nhận thấy, tuy khiếm khuyết một phần thân thể, song người mù cũng như bao người mưu sinh khác, họ cũng cần nghỉ ngơi chứ họ không thể hát suốt ngày suốt đêm.

“Nhà nước cũng nên du di, cũng ngơi tay cho mấy cái người mà khiếm thị, tật nguyền như chú vầy nè, người ta đi ra chợ người ta hát trong cái buổi sáng mà. Thí dụ giờ người ta hát 7 giờ cho tới 10 giờ sáng thì trong cái giờ đó ai cũng lao động, cũng đâu có giờ giấc mà người ta nghỉ trưa đâu, chưa có giờ nghỉ phải không. Cái giờ đó người ta cũng đi tìm chén cơm manh áo.

Mà vả lại những người buôn bán trong chợ đó, người ta cũng rất là chia sẻ, người ta cũng rất là thông cảm, du di cho những người tật nguyền, cho những người khiếm thị mà người ta đi ca hát ở ngoài giữa dòng đời như vậy” – ông Hiệp, một người mù đến từ Đồng Tháp cho biết.

“Mình có hát hay có làm gì thì tới trưa mình cũng dừng à. Tại vì mình làm tới giờ ngủ nghỉ của người ta thì mình cũng phải nghỉ” – ông Dũng, một người mù quê Đồng Nai nói.

Đồng cảm với những thân phận khó khăn, khuyết tật, nhìn chung, những người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, bằng tất cả trái tim, họ không phàn nàn hay ca thán gì về những người mù dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh này. Ngược lại, họ còn giúp đỡ…

“Ở trong nhà, mỗi khi nghe tiếng hát, là mình biết người mù đang đi bán, nếu kịp, mình thường chạy ra mua một cái gì đó. Có khi không xài, nhưng giúp được người ta cái gì mình giúp.

Còn nếu đang đi trên đường, gặp hoàn cảnh nào tương tự, nếu tiện, mình cũng thường ghé vào giúp. Nếu nói họ làm phiền đời sống người khác, mình không cho là vậy. Bởi thực tế, mình thấy cũng nhiều người hảo tâm giúp đỡ họ như mình, vui vẻ với tiếng hát của những người mù. Bữa mình gặp ông bảo vệ cùng một số người dân còn giúp, đỡ người mù đi ra đường, leo lên xe nữa” – bà Thu, cư dân sinh sống khu vực chợ Cây Quéo kể.

Nếu như quyết định cấm hát bằng loa kéo một cách triệt để, điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng thêm cái gọi là gánh nặng công cuộc mưu sinh lên vai của những người mù, những người hát kẹo kéo…. Bất nhẫn lắm!

Và điều đó càng bất nhẫn hơn nữa khi có không ít người mù xuất thân từ miền Tây sông nước đang mưu sinh bằng lời ca tiếng hát ở Sài Gòn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)