Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tướng Giáp là người văn – võ song toàn, Hữu Mai chỉ là ‘ăn theo’ thôi?

Ghi chép của Hiền Vương

 

(VNTB) – Lâu nay, hễ nhắc đến hồi ký Võ Nguyên Giáp thì công chúng nhớ ngay công ‘chấp bút’ của nhà văn Hữu Mai.

 

Hồi ký Võ Nguyên Giáp trọn bộ có độ dày 1358 trang, thì phần do nhà văn Hữu Mai thể hiện chiếm 1136 trang.

Tuy nhiên mới đây, khi làm thủ tục hành chính về in ấn, phát hành hai cuốn sách trong bộ hồi ký là ‘Đường tới Điện Biên Phủ’ và ‘Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử’, phía nhà xuất bản đã xin ý kiến gia đình cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, và được ông Võ Điện Biên cho biết “không cần phải lấy ý kiến gia đình nhà văn Hữu Mai”.

Báo Tuổi Trẻ hôm 29-3 dẫn lời tiến sĩ Lưu Trần Luân, nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia – Sự Thật, người từng được tiếp xúc khá nhiều với đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như tiếp tục có mối quan hệ với các con của Đại tướng, khẳng định tác giả của hồi ký là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy công nhận rằng nhà văn Hữu Mai có công trong bộ hồi ký và có quyền liên quan, một quyền có tính vĩnh viễn, hoặc là quyền tác giả “thứ cấp”, nhưng tiến sĩ Luân có quan điểm rằng đại tướng Võ Nguyên Giáp mới giữ quyền tác giả chính.

“Đặc thù hồi đó là tổ chức phân công viết, đây là nhiệm vụ và cũng là vinh dự cho những người viết, chứ không có ai nhờ viết, không có hợp đồng thuê viết nào. Chỉ khoảng mươi năm trở về đây vấn đề bản quyền ở nước ta mới được để ý đến chứ trước không ai nói đến bản quyền và những cuốn hồi ký này đều mặc nhiên thuộc về các nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp” – ông Luân biện luận.

Là người đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai lên tiếng về việc này, ông Trần Hữu Bình nói rằng theo Luật sở hữu trí tuệ, cha ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Những năm cha ông còn sống, nhuận bút vẫn được chia theo tỉ lệ 50/50 cho hai bên. Nhưng từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, con trai đại tướng là ông Võ Điện Biên đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả.

“Gia đình chúng tôi không trả lời về việc này” – ông Võ Điện Biên nói với Tuổi Trẻ ngày 17-3. Bà Võ Hạnh Phúc nói: “Nhà tôi không nói chuyện này. Uy tín của gia đình tôi thế nào thì chúng tôi biết, mọi người biết”.

Nhà báo Nguyễn Thông, cựu giảng viên trường Đại học Dự bị TP.HCM, nhìn nhận kể ra cũng hơi vương vướng ở chỗ đụng tới phần nhạy cảm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng về mặt đạo lý và nguyên tắc, chả nhẽ tước bỏ công lao của nhà văn Hữu Mai, hàm đại tá, người nổi tiếng một thời của giới văn chương, thì không nhạy cảm chăng?

Nhà báo Nguyễn Thông lập luận bằng một con đường vòng, qua đó gián tiếp thấy rằng phía gia đình tướng Giáp hiện nay, dường như họ tiếp tục thần thánh hóa với mặc định rằng người thân của mình vốn là ‘văn – võ song toàn’.

“Cần hiểu cặn kẽ vụ này về nhiều khía cạnh thì may ra mới gỡ rối được” – nhá báo Nguyễn Thông gợi ý rằng hãy thử nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5-2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng “ai đã chắp bút cho ông Obama?”.

“Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là ‘chấp bút’. Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. ‘Chấp’, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình, tác phẩm nào đó theo đề cương gạch đầu dòng có sẵn, hoặc theo ý kiến, lời nói, lời kể, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó.

Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người.

Bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 không phải do ông Duẩn viết mà do một nhóm cố vấn được cho là gồm các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc Xuân chấp bút. Cho đến nay, người ta vẫn chỉ dám nói/ viết rằng bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang chứ không ai dám khẳng định “điếu văn của ông Lê Duẩn”.

Nó (bản điếu văn) đã thành tài sản chung nên ông Ngạc, ông Xuân cũng chả dám đòi tác quyền, mà thực ra có đòi cũng không được bởi các ông ăn lương, làm nhiệm vụ theo sự phân công. Nhưng nói tới điếu văn ấy mà lờ tịt tên hai ông đi thì rất tệ.

Với tác phẩm văn học thì khác. Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều có người chấp bút. Đơn giản là người kể chỉ có vốn liếng thực tế đời sống, dạng tư liệu thô, kém khả năng văn học, hoặc rất bận bịu, không thể biến “tài sản” vốn tự có thành tác phẩm được.

Nó cũng giống như xi măng, đem trộn kịp thời thì xây nên nhà cửa, còn bị cất mãi trong kho thì vón cục, chỉ còn nước bỏ đi.

Người làm nhiệm vụ ghi lại, hệ thống lại những lời kể của ai đó để ra thành cuốn sách thì đó là người chấp bút. Không có họ, sẽ không có tác phẩm. Tất nhiên người kể và người chấp bút phải hợp nhau.

Trên đời thiếu gì những ông to bà lớn lắm “xi măng” nhưng đành cất mãi trong kho, do không tìm được tri âm tri kỷ. Ông Nguyễn Đức Thuận sẽ chả mấy ai biết đến nếu không nhờ sự tài hoa của nhà báo Trần Đĩnh khi cuốn hồi ký “Bất khuất” ra đời.

Nhắc tới “Bất khuất” là phải sóng đôi Nguyễn Đức Thuận – Trần Đĩnh (mà đúng ra phải Trần Đĩnh – Nguyễn Đức Thuận).

Cuốn “Sống như anh” cũng vậy, bà Phan Thị Quyên đóng vai người kể, còn sự sáng tạo là ở người biên chép lại, nên trên sách chỉ ghi tên tác giả Trần Đình Vân, kèm dòng chữ nhỏ “theo lời kể của chị Phan Thị Quyên”…

Nhà văn Hữu Mai nổi tiếng trong văn giới không phải chỉ bởi ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Vùng trờiÔng cố vấn… mà còn bởi ông đã chấp bút thành công hầu hết những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là cuốn Từ nhân dân mà ra.

Hồi bé tôi được đọc mấy cuốn này, mê lắm. Càng về sau càng hiểu không có ông Hữu Mai thì những lời kể của tướng Giáp cũng chỉ như mấy câu khẩu hiệu thô vụng giăng đầy trên đường hoặc kẻ vẽ trên tường, vậy thôi.

Về nguyên tắc (do con người quy ước với nhau), với hồi ký, người được đứng tên tác giả luôn là người kể, còn người chấp bút được ghi trên sách bằng dòng “XYZ thực hiện”. Không được lấn sân nhau, lại càng không được bỏ bất kỳ thành phần nào, bởi đó là đạo lý, là đánh giá đúng công sức lao động. Anh có thứ này, tôi có thứ kia, hai trong một, không thể có sản phẩm nếu thiếu một bên.

Chính vì vậy, dù có vận ra lệ này luật kia bằng giời đi nữa để nhằm xóa tên người chấp bút, cụ thể trong trường hợp này là nhà văn Hữu Mai, thì người ta đã cố tình đánh mất sự tử tế của con người.

Buồn cười nhất là có một ông ở nhà xuất bản Chính trị quốc gia khi được hỏi sao lần xuất bản ấy lại không có tên Hữu Mai, ổng trả lời ráo hoảnh rằng… quên. Cứ nhẹ bẫng như trò chơi thổi bong bóng xà phòng.

Còn một ông chuyên gia thì khăng khăng khẳng định cụ Hữu Mai không có quyền gì cả bởi đó là nhiệm vụ cụ phải làm. Tôi chỉ muốn hỏi ông ấy, ai giao, và nếu không phải cụ Hữu Mai mà là thân sinh của ổng chấp bút thì có khăng khăng vậy không?

Nói thêm tí nữa cho hết nhẽ ngôn ngữ. ‘Chấp’ còn là từ thuần Việt, có nghĩa là cho ai đó được điều kiện lợi hơn mình, ví dụ “chấp hai đánh một, chấp cả làng…”, trường hợp này không có liên quan gì đến nghĩa chấp của chấp bút.

Còn ‘chắp’ là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại.

Truyện Kiều có câu “Trong khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim – Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ.

Nhà thơ thiếu nhi Cẩm Thơ khi tưởng tượng ra hình ảnh tên lính Mỹ đầu hàng chú giải phóng quân có chi tiết rất tếu “Chắp tay lạy má xin cơm/ Em mà có đói chả thèm thế đâu”. Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay…

Còn viết là “chắp bút” rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ” – nhà báo Nguyễn Thông đã biện giải với lập luận như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và quyền tự chủ đại học

Phan Thanh Hung

VNTB – Hà Nội soi cờ vàng trong phòng ngủ người Việt hải ngoại

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Từ chuyện ông phó Hội ‘ngu ngơ’ đến ông giảng viên… ‘lụi’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.