Việt Nam Thời Báo

VNTB- VTV và cần khinh bỉ mạnh nền chính trị!

Anh Văn


(VNTB) – Mới đây, trong chương trình bản tin chuyển động 24h được phát sóng vào trưa ngày 8/7, vụ việc biệt phủ tại Yên Bái của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái được nhắc tới với một góc nhìn hài hước. Khi mà BTV Thư Hiền lấy một cuốn sách có tựa đề: “Em phải đến Yên Bái học kinh tế” – tác giả: Dư luận viên – Nhà xuất bản Tuyệt văn vời.



Cách nhìn có phần “troll” (biếm, trào phùng) trong một chương trình thuộc kênh truyền hình quốc gia gây ra làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, bởi khó có ai có thể tưởng tượng được, một cách nhìn “châm biếm” (vốn xuất hiện đầy rẫy trên hệ thống “báo” lề trái lâu nay) lại xuất hiện ở một kênh truyền hình quốc gia. Và việc châm biếm “dư luận viên” cũng là một điều đáng chú ý, phê phán và đả kích mạnh mẽ các yếu tố đang tìm cách “bênh vực” vụ Yên Bái.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận được điều này, nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên) trong chia sẻ trên Facebook của mình đã khẳng định: Một thứ gọi là “bìa cuốn sách” chế tác trên mạng với cái gọi là “tác giả dư luận viên” sặc mùi kích động – giễu cợt… tưởng như chỉ thấy trên mạng xã hội, nhưng lại được đưa lên sóng Truyền hình quốc gia giới thiệu, để dẫn dắt 1 câu chuyện nghiêm túc liên quan đến phát triển KTXH của đất nước.

Có thể tha thứ cho não trạng xơ cứng, tinh thần hoang tưởng, tri thức mồ côi… nhưng tự biến mình thành lá cải thì không thể chấp nhận, nhất là ở 1 trong 4 “cơ quan báo chí chủ lực” quốc gia.

Tác giả đang tự hỏi, thế nào là kích động – giễu cợt, khi mà ngay cả cách thức mà quan chức Yên Bái trả lời về vụ việc không hề có tính nghiêm túc, thậm chí có phần giễu cợt cơ quan báo chí – người dân.

Tác giả cũng đang tự hỏi, “câu chuyện” Yên Bái là câu chuyện “nghiêm túc” kiểu nào, và nó có liên quan đến phát triển KTXH đất nước? Hay nó là câu chuyện “đau lòng” của một phương diện “phá hoại” kinh tế – xã hôi của quốc gia?

Liệu ông Mai Thanh Hải có đủ “nghiêm túc” nhìn nhận được tính chất nghiêm trọng của sự vụ, khi mà cuộc chiến chống tham nhũng của Nhà nước và giám sát của nhân dân gần như bị đứng ngoài lề của sự vụ Yên Bái, nơi quyền lực liên kết chặt chẽ với quyền lực?

Tác giả ông đang tự hỏi, cái “não trạng xơ cứng, tinh thần hoang tưởng, tri thức mồ côi” là những khái niệm nên dành cho chính ông hay là VTV, khi mà “châm biếm” là một lĩnh vực cần thiết để đả phá chính trị trong thời kỳ còn “kiềm kẹp”. Liệu ông đã có bao giờ tự hỏi, tay bút của mình có “chùn” lại khi viết về nạn tham nhũng, phê phán quyền lực cấp cao? Và liệu rằng ông có “nghiêm túc thừa nhận” rằng, “viết phê phán tham nhũng” là một thứ hoang tưởng, là sự “mồ côi” của giới nhà báo trong bối cảnh chính trị – xã hội quốc gia. Và rằng, việc tự phán xét VTV là “não trạng xơ cứng” chỉ là cách biểu hiện một trạng thái “xơ cứng về não trạng” đối với hình thức, thể loại lên tin của truyền thông?

Có lẽ ông nhà báo của báo Thanh Niên thích hợp cho các vấn đề phản ảnh “biển đảo” hơn là một vấn đề mang tính chất châm biếm chính trị. Và việc “cải hóa” trong cách nhìn của ông chỉ là cách nhìn về một nền báo chí mà ông đặt nó quá sức kỳ vọng, một nền báo chí mà ông tưởng tượng sẽ được “há miệng to” như bên tư bản, một nền báo chí mà ông tưởng tượng sẽ “không có vùng cấm” như quan chức nhà nước từng hứa hẹn.

Cũng cần nhắc lại rằng, trào phúng – châm biếm không phải giờ mới xuất hiện, mà nó hiện hữu từ năm 1789 trong Cách mạng Pháp. Tại Việt Nam, trào phúng – châm biếm tự bản thân nó là góc nhìn hài hước về một thực trạng đau lòng, kể từ khi tờ báo châm biếm – trào phúng đầu tiên xuất hiện vào năm 1939 mang tên Con ong, hay tờ Vịt Đực ra đời năm 1938 – tức đã chạm ngưỡng 80 năm thì một đoạn video tin tức trào phúng – châm biếm mới xuất hiện. Nếu với tư duy kiểu như ông Mai Thanh Hải, thì chắc chắn, sẽ chẳng có họa sĩ Lê Anh Phong hay tờ báo trào phúng – biếm họa Tuổi Trẻ cười của ngày hôm nay, vì sự chật hẹp – vì góc nhìn hẹp hòi về một nền báo chí của một người là nhà báo. Cũng có lẽ vì những yếu tố như thế, nên báo Thanh Niên trong mấy năm trở lại đây, đã mất dần sức hút so với báo Người Lao Động, Lao Động hay Tuổi Trẻ.

Từ tranh biếm họa đến một tin tức biếm họa bằng video là một bước phát triển rất lớn của nền báo chí quốc gia. Và quả thực, nó nên được nhìn nhận bằng một bối cảnh thực tế tại Việt Nam, bằng sự kỳ vọng của người dân, hơn là cách nhìn tưởng chừng như nghiêm túc nhưng thực ra là giáo điều như cách ông Mai Thanh Hải hoặc những người “đồng chí” của ông đang thể hiện.

Việt Nam, nền báo chí Việt Nam cần tiếp tục khinh bỉ mạnh nền chính trị, như cách VTV thể hiện trong lần hiếm hoi gần đây. 

Rõ ràng là vậy!

Tin bài liên quan:

VNTB – Tổng quát đất nước: thất bại từ hạn chế trình độ nhận thức

Phan Thanh Hung

VNTB – Miếng ngon Hà Nội: không là chính trị thì là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Văn hóa – nghệ thuật “giãy chết” hay là tư tưởng bám rễ ngân sách

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo