Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cách ly tại nhà và… ‘hòa bình’ với dịch giã

Loan Thảo

 

(VNTB) – Cần tính đến phương án ‘sống chung’ với dịch, ưu tiên bảo vệ các nhóm nguy cơ, có bệnh lý nền.

 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đề xuất như vậy với các luận cứ sau đây: Hiện 68% số ca bệnh không có triệu chứng, so với giai đoạn đầu phát hiện chuỗi Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 68% ca bệnh có triệu chứng, bây giờ thì đảo ngược lại. Trong đó, có 1,3% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng, phải cần hỗ trợ hô hấp (31 trường hợp, gồm 6 trường hợp chạy ECMO).

Bác sĩ Võ Xuân Sơn – chuyên khoa ngoại thần kinh là một người thường xuyên góp mặt trên các diễn đàn truyền thông trong vai trò của phản biện chính sách. Ông ủng hộ ý kiến của đồng nghiệp Nguyễn Trí Dũng, vì, “suy cho cùng, một tỉ lệ lớn người nhiễm virus cúm Tàu là không có triệu chứng. Điều đó có thể cho thấy, nhiễm virus cúm Tàu không phải là tận thế. Chỉ có những người có nhiều bệnh nền, hoặc người già mới có nguy cơ cao khi bị nhiễm virus cúm Tàu. Vậy thì nó có đáng sợ đến mức mà sáng ra không thấy giăng dây là đã cám ơn đời hay chưa?”

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng cần có một nghiên cứu khoa học về thống kê thực sự số ca nhiễm Covid có triệu chứng là bao nhiêu chưa? Có cần phải lấy bao nhiêu bệnh viện làm bệnh viện chỉ chuyên chữa cúm Tàu hay không? Hay là nên để bệnh viện chỉ để chữa cho những ca nhiễm virus cúm Tàu có triệu chứng cần phải can thiệp y khoa. Còn lại, để họ ở nhà hoặc cách ly tập trung.

Theo đánh giá của Giám đốc HCDC ở buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25-6, thì khi virus SARS-CoV-2 lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện 2 trạng thái. Trạng thái đầu tiên là độc lực gia tăng, trường hợp này ít hơn và xảy ra khi có biến chủng; và trạng thái thứ 2 là độc lực sẽ giảm. “Phải chăng, trạng thái này đang diễn ra ở TP.HCM, bởi có sự lây lan nhanh nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ”, ông Nguyễn Trí Dũng phỏng đoán.

Cũng ở cuộc họp trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (ông Sơn nguyên là Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình ông sinh sống ở Sài Gòn từ trước 1975) cho biết hiện số trường hợp F1 phải cách ly tập trung của TP.HCM đang tăng cao.

Trên thực tế, một số cơ sở cách ly, đặc biệt là khu cách ly tập trung tại Đại học Quốc gia TP.HCM tình hình rất khó khăn. Dù địa điểm này chỉ cách ly khoảng 2.000 trường hợp nhưng nhân viên y tế tâm sự họ đã kiệt sức, rác thải thì vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp đã cách ly đủ 21 ngày, muốn được làm thủ tục về theo dõi tại nhà, nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm lần cuối, có khi phải mất 2 – 3 ngày.

Tuy nhiên ở đây có một thông tin khá bất ngờ, đó là trong khi báo chí đưa tin người dân ùn ùn đi chích ngừa, thì nhiều nhân viên y tế ở phòng mạch tư nhân lại chưa được chích.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn thẳng thừng phản ứng:

“Có một cái mà chúng ta cần phải thay đổi trong tình hình mới, đó là chiến lược vắc xin. Chúng ta đang đi ngược với luật nguy cơ. Trong khi nhân viên y tế là nhóm nguy cơ cao, thì cho đến tận bây giờ, một số lượng lớn nhân viên y tế vẫn chưa được chích vắc xin. Nhóm nguy cơ cao khi bị nhiễm virus cúm Tàu là người già, người có bệnh nền thì lại bị loại ra không được chích vắc xin. Đó là điều phản khoa học, và thiếu nhân văn.

Ngoài ra, việc phong tỏa, hạn chế cần phải được xem lại. Và khi áp dụng phong tỏa thì cần có thời gian rõ ràng, và mục tiêu đạt được cụ thể (chứ không thể chung chung), có tính toán đến cuộc sống của người dân.

Tình hình mới với số lượng nhiễm ngày càng cao, cho dù có chiến tranh sinh học hay không, thì nó cũng sẽ còn kéo dài, và số lượng sẽ còn gia tăng hơn nữa. Chúng ta không thể cứ mãi dùng các biện pháp cực đoan!”


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam thoả thuận đình chiến với COVID -19

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư gửi ngài phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhân Sài Gòn thiết quân luật

Phan Thanh Hung

VNTB – Hayat-vax là vắc xin của nước nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo