Trường Sơn
(VNTB) – Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề xuất nên mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm tìm F0.
Về năng lực xét nghiệm để đảm bảo cho công tác lấy 500.000 mẫu/ ngày đang triển khai, ông Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết TP.HCM là địa phương có số lượng đơn vị được cấp phép làm xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 nhiều nhất cả nước, hiện năng lực khoảng 20.000 mẫu/ngày.
Để đáp ứng công tác lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, ngành y tế TP.HCM được sự hỗ trợ của một tập đoàn thêm một cơ sở xét nghiệm đặt ở bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức) với năng lực 30.000 mẫu/ngày. Như vậy, nếu lấy mẫu gộp 10 thì cộng cả năng lực hiện hữu và sự hỗ trợ thêm, sẽ đủ năng lực xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày.
Câu hỏi đặt ra: giá trị thực sự của kết quả tầm soát mẫu gộp 10 với mức 500 ngàn mẫu/ ngày?
GS.TS Phan Trọng Lân – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng để đánh giá tình trạng lây lan của bệnh dịch dựa trên 3 yếu tố: virus gây bệnh, yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống.
Về virus, qua giải trình tự gene cho thấy nhiều trường hợp đã nhiễm biến thể Delta, B.1.167.2, phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã được ghi nhận ở 85 quốc gia. Biến thể này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Theo đó, trong khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2 – 4 người khác thì chủng biến thể Alpha (B.1.1.7, phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện đã được ghi nhận ở 170 quốc gia) có thể lây cho đến 7 người khác, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40 – 60%.
Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Một nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Ông Phan Trọng Lân cho biết tại khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm. Ví dụ bệnh nhân 7488 tiếp xúc với bệnh nhân 7445 lúc trưa ngày 25-5, nhưng chỉ 32 tiếng sau, đến tối 26-5, bệnh nhân đã có triệu chứng hô hấp (chuỗi trong gia đình ở Long An).
Hay trường hợp bệnh nhân 7539 (ở Đồng Tháp) tiếp xúc với bệnh nhân 7083 (ở Tiền Giang) lúc 18h ngày 29-5, nhưng chỉ sau 38 tiếng, đến 8g sáng ngày 31-5, kết quả xét nghiệm của người này đã dương tính.
Lý giải việc trên thực tế lần đầu xét nghiệm âm tính rồi sau 3-4 lần xét thì dương tính, dưới góc độ y học, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hà, Trưởng khoa Xét nghiệm của bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Thứ nhất, người bệnh nhiễm Covid-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính, đó là lý do vì sao người có nguy cơ nhiễm Covid-19 phải cách ly đủ 14 ngày.
Thứ hai, kết quả xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật, thời gian lấy mẫu và quá trình vận chuyển, bảo quản mẫu”.
Tóm lại, nếu một người đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày là điều quan trọng nhất. Ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời. Xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị, gây tâm lý chủ quan, không cách ly và có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ dương tính.
Câu hỏi tiếp theo: vậy thì vì sao chính quyền TP.HCM vẫn tuyên bố “Mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố” tốn rất nhiều tiền của, thời gian và nguồn nhân lực?.
Câu trả lời có thể từ đến từ ‘cái cớ’ sau: Ngày 28-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có văn bản khẩn gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.
Theo đó, TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư và cũng là nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để chủ động trong phòng chống dịch, thành phố cần có kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh ngân sách Nhà nước.
Từ khi vận động đến ngày 31/5, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố (Ban vận động) đã nhận gần 268 tỷ đồng. Thành phố đã chi gần 191 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch.
Do nhu cầu kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng cho người dân rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước giới hạn, Ban vận động đã kêu gọi ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng và Ban vận động đã tiếp nhận hơn 65 tỷ đồng.
“Khi ủng hộ kinh phí mua vắc xin, hầu hết tập đoàn, doanh nghiệp lớn của TP.HCM có nguyện vọng được cơ quan Nhà nước cấp vắc xin để tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị”, công văn nêu.
Để đẩy lùi dịch bệnh, hiện tại, TP.HCM cần nhiều nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch.
Với thực tế đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách Nhà nước kinh phí mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị Trung ương giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, bao gồm cả việc mua vắc xin. Căn cứ chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về mua vắc xin phòng Covid-19, TP.HCM sẽ chủ động các nguồn lực tài chính để thực hiện, đảm bảo vắc xin tiêm phòng cho người dân.
Nôm na nội dung của văn bản trên: tiền do chính quyền TP.HCM xoay xở được để phòng dịch Covid thì chính quyền có quyền sử dụng đúng mục đích, không phải chuyển về Trung ương để rồi chờ đợi Trung ương ‘bố trí ngân sách’ trở lại như cung cách quen thuộc lâu nay.