VNTB – Cứ giãn cách xã hội kéo dài, lấy gì sống?

VNTB – Cứ giãn cách xã hội kéo dài, lấy gì sống?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Louis Pasteur có thể tìm ra vắc xin cứu nhân loại. Nhưng chắc rằng ông không thể cứu tế người nghèo, người lao động mất việc qua cơn đại dịch.

 

Ở riêng thành phố Hồ Chí Minh trên đường trốn khỏi virus cúm, nhà chức trách nơi đây đã cùng với vị phó Thủ tướng Thường trực đã quyết định co cụm 2 tuần, rồi lại tuần nữa, rồi tuần kế tiếp – thậm chí người ta sẵn sàng tuyên bố không chút cảm xúc, rằng “Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện”.

Thế nhưng ‘của dể dành’ của không ít người đã cạn cả gạo – muối – mắm, sự sống sót luôn trong điểm giới hạn, đâu là ngưỡng để ai nấy đi tiếp giấc mơ về có được liều vắc xin đầu tiên và 1 bữa cơm…có thịt, cá?

Theo Chỉ thị 10 do chủ tịch Nguyễn Thành Phong của TP.HCM ký ban hành ngay sau khi thành phố này kết thúc 2 tuần lễ giãn cách với quy mô xen kẽ của nội dung Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì giờ đây tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ mà chính quyền cho là “không thiết yếu” tiếp tục dừng hoạt động, các chợ tự phát phải tạm giải tán để tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Cả dịch vụ như xe buýt, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và taxi cũng phải tạm dừng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân các cơ sở sản xuất bị xác định là F0, F1 đều phải đi cách ly.

Nhà chức trách không trả lời các thắc mắc: Liệu hàng trăm nhân viên sẽ ra sao? Họ phải trang trải tiền chợ búa, tiền nhà trọ, lo cho con cái, gửi tiền về quê. Nhiều người phải chật vật làm mấy công việc mới lo nổi bao nhiêu là thứ đó. Đùng một cái tất cả dừng lại, giờ họ không biết phải làm sao.

Trạng thái giãn cách xã hội kéo dài trong khi người dân “không biết lấy gì sống” sẽ dẫn đến một số tình huống không tốt. Trước tiên là tình trạng “phá rào” vì người ta vẫn phải sống. “Chết dịch” hay “chết đói” thì đều là chết cả, do vậy không thể trách những người “phá rào” được.

Hệ lụy tất yếu là sự oán than chế độ. Bởi khó khăn kinh tế, cô lập, hạn chế hoạt động bên ngoài có thể dẫn đến những diễn biến phức tạp về tâm lý.

Rõ ràng sự oán than chế độ là một mặc nhiên, vì dẫu chưa phải trả giá bằng sinh mạng bởi virus tấn công thì con người, thì phải giải thích sao đây khi với sự ngạo nghễ và thiếu hiểu biết nhất khi cho rằng đã chinh phục thế giới tự nhiên, cải tạo thiên nhiên, vỗ tay hân hoan sau những dải băng đỏ khánh thành nào đô thị thông minh, thành phố đáng sống bậc nhất…. để rồi đến lúc như giờ đây những quan chức bề trên cũng phải lẳng lặng tháo chạy khỏi những “kỳ tích” văn minh đủ thứ chấm ấy mà họ từng ‘tự sướng’ trong các bài diễn văn ngợi ca nhau?.

Có ý kiến là vì sao lại ‘chính trị hóa’ về một chính sách giữa lúc dầu sôi lửa bỏng dịch bệnh đến như vậy? Bởi, nếu dịch bệnh lan rộng thì cũng không làm ăn được, kinh tế cũng bị tổn hại thôi, phải cố gắng cầm cự cho “hết dịch” thôi mà.

Thế nhưng bao lâu thì “hết dịch”? Đã gần hai năm rồi, chưa có dấu hiệu gì sẽ hết dịch cả. Số biến chủng virus thì ngày càng phức tạp, Ấn Độ công bố hai biến chủng mới của Delta là ví dụ.

Một câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn thời sự.

Ngay từ tháng 4-2020, khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42 khoảng 61.580 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, cả Trung ương lẫn địa phương; hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 16.200 tỷ đồng, và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng…

Kết cuộc thì sao?

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, gói hỗ trợ bằng tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ/ 35.880 tỷ. Trong đó, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng thuộc mục tiêu hỗ trợ chính, gồm: người lao động mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể, người lao động không có hợp đồng, các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể, chỉ có 56.026 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền 80,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23%.

Có 37.317 hộ kinh doanh được hỗ trợ, với số tiền 38 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng kinh phí dự kiến thực hiện. 173.473 người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ với số tiền 177,6 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.

Khoảng 1,07 triệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc được hỗ trợ với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm 2,79% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.

Những con số phần trăm ở trên cho thấy tỷ lệ giải ngân vô cùng thấp, có nghĩa tấm lưới an sinh xã hội ở Việt Nam lâu nay đúng là mỹ từ ‘trên ti-vi’ như dè bỉu của dân chúng.

Mặc dù nhiều vị bề trên vẫn tiếp tục trị vì trên cao chót vót, nhưng đã qua rồi giai đoạn Việt Nam có thể vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế mà không phải trả giá gì cả…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)