Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngụy biện và hài hước – những khẩu hiệu chiến đấu

Dương Tử

 

(VNTB) – “Quân đội Việt Nam bách thắng” của ta hiển nhiên đã thất bại không giữ được nguyên vẹn biên giới phía Bắc và hai quần đảo lớn nhất biển Đông

 

1. Khẩu hiệu và hiện trạng

Ở Việt Nam từng nghe mấy câu khẩu hiệu hô hào quen tai đến nhão ra rồi, đại loại như :

– “Chủ nghĩa Mác Lê nin bách chiến bách thắng”

– “Dưới ngọn cờ Mác Lê Nin bách chiến bách thắng”

– “Quân đội nhân dân bách chiến bách thắng”

– “Quân đội ta trăm trận, trăm thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” và .v.v…

Phản biện khẩu hiệu ở trên quá dễ  dàng. Ngày nay nó đã trở thành chuyện tiếu lâm.

Chủ nghĩa Mác-Lê nin” rõ ràng đã “bách chiến NHẤT bại” ngay tại quê hương Nước Đức của Mác và quê hương Liên Xô của Lê nin, lan ra khắp đông Âu. (Kẻ khôn lanh bỏ chủ nghĩa chạy đầu tiên là…Trung Cộng)

Quân đội Việt Nam bách thắng” của ta hiển nhiên đã thất bại không giữ được nguyên vẹn biên giới phía Bắc và hai quần đảo lớn nhất biển Đông. Trước đó thời nhà Nguyễn về trước ngoại giao khôn khéo vẫn giữ nguyên bờ cõi và hải phận (nguyên nhân nhờ đâu sẽ được thuyết minh ở phần sau).

2. Đi tìm nguồn gốc khẩu hiệu

Tôi băn khoăn, ở đâu nảy nòi ra cái loạt khẩu hiệu tự mãn kiêu ngạo dữ dằn vậy nhỉ ? 

Cảm thấy rằng mấy câu trên thuộc dạng hình thành ngữ, tục ngữ gốc Hán.  Lật một số Từ điển Hán- Việt ở Việt Nam

Tri kỷ tri bỉ, bách trận bất BẠI” 

       Biết người biết ta, trăm trận bất bại (tức là trăm trận thắng hết)

 ① Bại: thua, tàn lụi. 

Từ điển Hán ngữ khác ở Việt Nam giải thích là: 

   知己知彼,百戰不殆 Biết người biết ta, trăm trận không thua.

Hóa ra cốt lõi điển tích của nó gần như là có THẬT. Có điều, nó bị dịch nghĩa Nôm sai một chữ thôi, vì họ cố tình “bẻ lái” khác đi.

Nguyên văn câu thành ngữ Hán ấy là: 

Tri kỷ tri bỉ, bách trận bất đãi”

知己知彼, 百戰不殆 

 Dịch nôm “Biết người biết ta, trăm trận không thiệt hại nặng”.

Phương châm hành xử của viên tướng cầm quân ra trận là “Hiểu người biết ta, trăm trận cố giảm thiểu tổn thất (bất đãi)”. Còn cái kết cục Thắng / Bại thì chưa thể quả quyết được. Theo quan điểm cổ xưa, chính danh sẽ thắng, số mệnh do Trời định.

(đãi): tổn thất, thiệt hại, tử vong.

Tuy nhiên người ta đã xuyên tạc và Việt ngữ hóa thành:

知己知彼, 百戰不

Tri kỷ tri bỉ, bách trận bất BẠI” 

Bại (thua trận, thua cuộc) khác xa với  Đãi (thế nguy, tổn thất) 

Tại sao tôi phải viện dẫn từ điển gốc của China ? 

Bởi vì nơi đây là nguồn gốc của loạt khẩu hiệu kể trên thời hiện đại. Chúng ta đều biết rằng nền văn hoá truyền thống dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán suốt ngàn năm qua, ngày nay cũng chưa hẳn đã gột sạch hoặc rửa bớt đi những yếu tố tiêu cực. Muốn giải thích một hiện tượng ở Việt Nam thì truy nguyên nguồn gốc vẫn là một phương pháp nghiên cứu đương nhiên cần thiết.

Và đây là trang Từ điển “bách khoa hiểu biết” của Trung Quốc  (Chi đạo bách độ.com)

https://zhidao.baidu.com/question/67664130.html (mục từ: 知己知彼,百戰不殆).

Và phần giải thích từ ngữ, thành ngữ của họ khác hẳn với từ điển Việt Nam và sự vận dụng của các ông tướng trí thức nước ta.

Ai đó đã thay một chữ cuối câu, đãi thay bằng bại!

Người Việt láu cá khôn lỏi thế chứ ! Ông tưởng cậy nhiều chữ sửa thành ngữ để lừa quân lính “quê hương anh quê hương anh nước mặn đồng chua”ít chữ hoặc mù chữ! Khiến cho anh ta cao hứng tin theo khẩu hiệu như là chân lý vậy.

3. Nhìn vào lịch sử thế giới và lịch sử Đại Việt.

Giở các trang sử hiện đại, dễ thấy rằng mấy câu khẩu hiệu trên đều là tào lao chém gió. Chiến cuộc nổ ra không thể  lường trước kết quả được, có thắng có thua, có khi cầu hoà  giữa hai  bên. Miễn sao cả hai bên đừng thiệt hại quá mức chịu đựng (bất Đãi).

Tôi từng đọc nhiều truyện chiến tranh từ Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc Diễn Nghĩa đến Chiến tranh và Hòa bình của Nga, lịch sử hoàng đế Napoleon của Pháp. Chưa thấy ông tướng nào dám tuyên bố rằng quân ta “bách chiến bách thắng” hoặc “bách chiến bất bại”. Chỉ ở trong truyện kiếm hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của văn sĩ Hồng Công Kim Dung mới có hiệp sĩ “Độc cô cầu bại” (suốt đời đi giang hồ chỉ ước mong gặp kẻ đánh bại mình. Mỗi khi đánh thắng đối phương, ông ta buồn bã, chỉ muốn chết). Tuy nhiên ông ta chỉ là một nhân vật hư cấu, huyễn hoặc và hài hước.

Lịch sử không thấy có ông Tướng nào dám huênh hoang ”Dù có phải đốt cháy cả… núi dài, rừng rậm …đốt hết cả đất nước…cũng phải giành cho được  thắng lợi”.

Chẳng biết Bố nào cố tình chế tạo ra mấy câu khẩu hiệu doping để xua quân liều chết, không thương xót mạng người? Duy ý chí đến thế chứ.

Chiến tranh có thể dẫn đến đàm phán cầu hòa, ấy là để bảo đảm cho cả hai bên không bị đãi (tổn thất) chứ không sợ bại (thua trận). Có khi là một cuộc nhượng đất, một cuộc hôn nhân xuyên quốc gia, giảm bớt tổn thất nặng nề, chứ không sợ bại (thua cuộc, thua trận).

Lịch sử thời Đại Việt giai đoạn lập quốc mở về phương Nam. Vấn đề vương quốc Champa khá phức tạp. Cuộc tranh chấp giằng co kéo dài từ nhà Lê đến nhà Trần không thể nuốt trôi xứ sở Tháp Chàm này, vì còn phải đối phó phương Bắc nguy cấp hơn. Mặt khác vì đánh xuống phương Nam đường xa khó vận chuyển, tốn kém và tổn hại không lường hết. Vua Trần bèn gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa họ Chế…. Về sau cũng vẫn bình định được xứ Champa này.

Xem bộ phim bom tấn Kong – Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) thường chiếu quanh năm trên 3 kênh HBO, CINE MAX, STAR MOVIES. Phim lấy cốt truyện là một vị tiến sĩ sinh học muốn đi tìm một phi công Mỹ thất lạc, mất tích trên Thái bình dương trong Thế chiến II chiến đấu với quân Nhật. Tuy nhiên ông ta lấy cớ là đi khám phá vùng đảo bí ẩn kỳ lạ ở Thái bình dương, gần bờ biển Việt Nam. Đoàn khảo sát cần thuê một phi đoàn trực thăng Mỹ. Lúc đó là đầu năm 1973 khi cuộc chiến Vietnam war vừa chấm dứt. Đoàn tìm gặp mời một đại tá Mỹ trưởng phi đoàn trực thăng đóng quân ở Đà Nẵng đang rục rịch rút quân về nước, tham gia cuộc thám hiểm. Viên đại tá trả lời câu hỏi của nữ nhân vật nhà báo ảnh rằng “Chúng tôi bỏ một cuộc chiến tranh, chứ không thua cuộc”. Bộ phim Mỹ nổi tiếng thế giới có nhiều cảnh quay ở Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình có thuê nhiều người dân địa phương đóng vai “thổ dân da vàng”…! Thâm nho quá, họ coi người Việt chỉ là… thổ dân da vàng cần được tìm hiểu, khám phá, trong bộ phim bom tấn chiếu khắp thế giới !

Chẳng hiểu Bộ Văn Hóa nước ta có hiểu thâm ý của bộ phim hay không. Có điều, họ cũng không dám đòi duyệt cắt câu nói của nhân vật đại tá trong phim ấy.

4. Tạm kết

Đó mới chỉ bàn sơ lược về hiện trạng giải quyết một cuộc chiến với những phương châm giải quyết kế cục khác nhau.

Chưa bàn về ý nghĩa, giá trị thực sự của THẮNG và BẠI. 

Thắng dành cho ai, và Bại dành cho ai?

 

(tham khảo FB.PhungHoaiNgoc)


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo dục Việt Nam có phải là quốc sách không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Học trò Liên Xô trả nợ cho nước Nga Putin thế  nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đi tìm lai lịch bí ẩn của danh nhân mới nổi (*)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo