Lê Tự Do
(VNTB) – Có lẽ ông Vũ Đức Đam biết và hiểu khá rõ Hà Nội cũng như Bắc Ninh
Kể từ khi dịch bệnh do con virus đến từ Vũ Hán, Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam, gây biết bao nhiêu là ảnh hưởng đến đời sống cũng như tinh thần của nhiều người, có lẽ, cái tên Vũ Đức Đam không quá xa lạ.
Có thể nói, từ dạo đó cho đến tận bây giờ, dưới sự hết lòng chống dịch của cựu Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, Vũ Đức Đam, Việt Nam đã nhiều lần thành công trong việc đẩy lùi con virus trong cộng đồng.
Là một người con đến từ đất Hải Dương, ông Vũ Đức Đam được đào tạo bài bản, học hành đàng hoàng, với chuyên môn nghiệp vụ về Điện cơ, Luật, Kinh tế và ông cũng là Phó Tiến sĩ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế.
Theo một số thông tin về tiểu sử ông Vũ Đức Đam, ông từng giữ vai trò kỹ sư tại Công ty Xuất nhập khẩu và Dịch vụ kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện. Cũng xin được nói thêm, theo thông tin từ trang VN Post, Tổng cục Bưu điện tọa lạc tại địa chỉ Số 05 đường Phạm Hùng – Mỹ Đình 2 – Nam Từ Liêm – Hà Nội – Việt Nam.
Và cũng tại nơi này, tháng 04 năm 1993, ông được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện, khi vừa mới 30 tuổi. Tháng 10 năm 1994, ông được điều chuyển sang Văn phòng Chính phủ, giữ vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ Việt Nam. Từ tháng 11 năm 1995 đến tháng 08 năm 1996, ông là Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Văn phòng Chính phủ Việt Nam.
Cũng theo lý lịch này, trước khi ông được tín nhiệm bầu làm Phó thủ tướng, ông từng công tác tại tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh. Có thể nói, gần như cuộc sống và sự nghiệp của ông đa số là ở ngoài Bắc. Lẽ hiển nhiên, nơi “chôn nhau cắt rốn” thường là nơi con người hiểu rõ nhất có thể cũng như có nhiều tình cảm nhất dành cho nó.
Nhưng trong đợt bùng dịch lần thứ 4 ở trong Nam, ông Vũ Đức Đam lại thường xuyên có mặt ở phía Nam để hướng dẫn và chỉ đạo.
Có thể nói, ông thân chinh chỉ đạo khắp mọi nơi, trải từ Bình Dương, Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh, Long An. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ là nơi ông ở lâu nhất. Ông đi “thị sát” nhiều nơi trong thành phố; đi “giảng bài” cho F0; bác bỏ thông tin người đi ngoài đường đa số là shipper và đi mua nhu cầu thiết yếu từ lãnh đạo địa phương; chỉ đạo tỉnh; yêu cầu shipper xét nghiệm hằng ngày….
Thế nhưng ông quên mất một điều rằng, trong lý lịch trích ngang, ông không sinh ra ở bất kỳ tỉnh nào của miền Nam cũng như chưa từng công tác ở miền Nam. Điều này khác hoàn toàn với cựu phó thủ tướng Trương Hòa Bình, quê quán ở Long An.
“Mình thấy thế này, dù có giỏi cỡ nào đi chăng nữa, cũng khó có thể hiểu vùng đất đó bằng chính con người địa phương. Và tình cảm, có lẽ, cũng không bằng chính những người đã sinh ra và lớn lên ở đó. Với lại, để tìm hiểu rõ một địa phương đó như thế nào, đó không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai mà là ngày rộng tháng dài”, một cựu sinh viên đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Theo báo chí, bản tin ngày 30-8-2021, viết: “Hà Nội trưa 30-8 ghi nhận thêm 45 ca mắc Covid-19 mới, riêng ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 32 ca. Số người mắc Covid-19 tại ổ dịch rất phức tạp đã lên tới 303”.
Trong một diễn biến tương tự, báo chí cũng viết: “Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta vẫn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là lúc dịch đã đi qua, như Bắc Ninh vừa xuất hiện ổ dịch mới”.
Thiết nghĩ, trong lần bùng dịch thứ 4 này, không chỉ các tỉnh miền Nam ảnh hưởng mà ngay cả Hà Nội cũng xuất hiện những ca nhiễm. Và may mắn thay, ông Vũ Đức Đam với lý lịch trích ngang, lại đem đến niềm tin rằng, có lẽ ông biết và hiểu khá rõ Hà Nội cũng như Bắc Ninh.
Hà Nội là thủ đô, cần lắm những người con đã có thời gian sống ở đó, sinh ra trên đất Bắc, đầy kinh nghiệm chống dịch, trở về và rất mong ông ở lại chốn quê nhà, cùng chung tay chống dịch để… bảo vệ thủ đô.
1 comment
Tg Le tu do, viet theo dinh nghia moi cua quan chuc duong nhiem,tham thui that khi co nha y moi kheo a. VD Dam ve HN de thanh ho duoc Tu do, mot chut..?