VNTB – Việt Nam đang hướng đến chung sống với con virus Covid

VNTB – Việt Nam đang hướng đến chung sống với con virus Covid

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Việt Nam cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh

 

Việt Nam cũng không ngoại lệ với thế giới, cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội.

Tại hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, sáng 29-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đã hy sinh, thực hiện giãn cách xã hội phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh”.

Việt Nam không thể ngoại lệ

Theo tường thuật của báo chí, sau chuyến thị sát ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai trở về Hà Nội hôm 28-8, Thủ tướng nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, kể cả tại các nước có tiềm lực hàng đầu.

“Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp, dứt điểm kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội” – Thủ tướng nhận định.

Đối với thực hiện chiến lược vắc xin, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Do đó cần tổ chức tiêm vắc xin nhanh, an toàn, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên cụ thể bao giờ có thể cung ứng vắc xin để tiêm ngừa miễn phí đáp ứng nhu cầu, tiếc là không thấy báo chí cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói gì.

Theo báo cáo, từ ngày 19-7 đến ngày 28-8, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đã ghi nhận 343.686 ca mắc Covid-19. Riêng giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22 đến 28-8, ở 23 địa phương này có 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương đang tăng cường xét nghiệm diện rộng.

Như vậy, so với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh còn lại cộng lại. Có 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước.

Cần làm gì để “Việt Nam cũng không ngoại lệ”?

Trở lại với ý kiến không còn xem “dịch” là “giặc” để mà chăm chăm tiêu diệt nữa của “zero Covid”.

Các chính phủ ở châu Á, châu Âu và Mỹ đang khuyến khích người dân chuyển sang trạng thái bình thường mới, và đây chính là điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng “Việt Nam cũng không ngoại lệ”.

Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vì Covid-19. Đức đang cho phép những người đã tiêm phòng được đi du lịch mà không cần kiểm tra. Italy hầu như không còn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, và các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa tại Singapore.

Sự xuất hiện của nhiều biến thể với tốc độ lây lan nhanh chóng đồng nghĩa với việc ngay cả các quốc gia giàu có với lượng vắc xin dồi dào vẫn dễ bị tổn thương. Những nơi như Australia – đã đóng cửa biên giới – đang hiểu rằng họ không thể ngăn chặn virus. Vì vậy, thay vì từ bỏ lộ trình của mình, các quan chức đang bắt đầu chấp nhận rằng, việc phong toả và hạn chế là một phần của quá trình hồi phục.

Mọi người đang được khuyến khích thay đổi quan điểm về đại dịch và tập trung vào nỗ lực tránh trở bệnh nghiêm trọng và tử vong, thay vì tránh nhiễm bệnh. Những nước có tham vọng “zero-Covid” thì cân nhắc lại các chính sách, trong đó có Việt Nam.

Israel hướng nguồn lực vào các ca bệnh chuyển biến nặng, một chiến thuật mà các quan chức gọi là “áp chế mềm”. Israel cũng đang đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh, từ 1 con số ở một tháng trước đây lên đến hàng trăm trường hợp/ ngày. Nước này gần đây yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại.

Sài Gòn sẽ vẽ lại bản đồ chống dịch

Ngành y tế của TP.HCM cũng đang đi theo hướng của Israel.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá, hiện nay thành phố đang trong giai đoạn tập trung xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng, cộng với sự giãn cách xã hội, F0 sẽ giảm trong thời gian tới.

“Sau đợt này, đến đầu tháng 9 sẽ quét kiểm tra xong và sẽ vẽ lại bản đồ chống dịch Covid-19 mới, xem chỗ nào là ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’, ‘vùng vàng’ và ‘vùng xanh’. Sau đó, ‘vùng đỏ’ sẽ quét F0 mỗi 2 ngày 1 lần” – Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, F0 cách ly tại nhà, cách ly tập trung ở quận, huyện với sự hỗ trợ, các giải pháp từ bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19… sẽ không lo F0 tăng dẫn đến không còn giường.

Bên cạnh đó, tập trung tăng cường ô xy, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất khi cần, kéo giảm tỷ lệ tử vong.

Bình luận về vấn đề y tế, một cựu phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, rõ ràng Việt Nam có một khởi điểm quá yếu kém về năng lực hồi sức cấp cứu qua chỉ số giường ICU (Intensive Care Unit), cũng như nhân sự và trang bị. Với ước tính quá khiêm tốn, TP.HCM đã không thể chống trả được sự tấn công của Delta và cái giá quá đau đớn…

Bài học này giờ đây chỉ hy vọng dành cho các khu vực còn lại chuẩn bị đối phó khi tình hình dịch trở nên nghiêm trọng vì không thể trong vòng vài ngày có thể tăng số lượng giường ICU gấp 10 lần cùng với trang bị và nhân sự! Bởi, ‘lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất’, và chúng ta không thể có một nền y tế “Phù Đổng”!

Sai lầm từ đầu nên giờ đang nỗ lực sửa sai

So với thế giới thì chiến lược vắc xin của Việt Nam được đánh giá là quá chậm chạp.

Vào tháng 1-2020, Singapore phát hiện ra ca Covid-19 đầu tiên và ngay lập tức, từ kinh nghiệm xử lý dịch SARS và H5N1 trước đó, chính phủ Singapore, mặc dù chưa biết dịch Covid-19 sẽ lan rộng ra sao, nguy hiểm thế nào, nhưng vẫn lựa chọn chiến lược đầu tiên là phải có vắc xin và phải tiêm chủng cho toàn dân, nhanh nhất, sớm nhất.

Đến tháng 4-2020, Singapore tìm ra và chốt danh sách 35 cơ sở có tiềm năng sản xuất và cung cấp vắc xin, trong đó có Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sinovac… Vì chưa có tiền lệ, chưa có cơ sở đảm bảo rằng các vắc xin được chế tạo sẽ thành công, nên quyết định đầu tư của Singapore dựa trên 2 nguyên tắc: Nhà sản xuất nào sẽ đưa ra sản phẩm nhanh nhất, và công nghệ nào an toàn nhất.

Tháng 12-2020, tức là 11 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Singapore đưa được vắc xin Pfizer về nước, là nước sớm nhất ở châu Á sở hữu và tiêm chủng vắc xin cho dân chúng.

Cũng thời gian này, tháng 11-2020, một công ty tư nhân ở Sài Gòn cũng nhanh chóng ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin Astrazeneca – đây chính là số vắc xin mà đến tháng 6-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu công ty tư nhân này ‘nhượng không lợi nhuận’ cho chính phủ…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)