VNTB – Việt Nam sẽ ưu tiên mua vắc xin Pfizer?

VNTB – Việt Nam sẽ ưu tiên mua vắc xin Pfizer?

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – “Chúng ta đang thúc đẩy chiến lược vắc xin, trong đó có vắc xin cho trường học, vắc xin cho trẻ em và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để các cháu được tiêm vắc xin sớm nhất có thể”.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ý kiến như vậy hôm 28-8, trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 – 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 – 2022.

Ông Vũ Đại Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, để đảm bảo an toàn trong môi trường học đường, Bộ Giáo dục và đào tạo nên tính toán đến chương trình tiêm vắc xin cho học sinh các cấp, đặc biệt là học sinh trung học phở thông.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện nay 91% giáo viên tỉnh này đã được tiêm vắc xin mũi 1, trên 44% được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, học sinh chưa được tiếp cận với vắc xin.

Theo bà Thanh, “tỉnh Vĩnh Long xác định học sinh chỉ được đến trường khi trước hết Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới; thứ 2 là các em phải được an toàn, giáo viên và học sinh phải an tâm trong quá trình dạy học, xã hội có thể an lòng… Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Y tế quan tâm, có chương trình tiêm vắc xin cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi, để đảm bảo quyền lợi các em là được bảo vệ khi đến trường”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cũng đề xuất Bộ Giáo dục và đào tạo cần xây dựng chương trình vắc xin học đường để học sinh được tiếp cận, an tâm đến trường.

Trước băn khoăn trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trường học trở lại hoạt động bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh học sinh. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em.

“Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phải tranh thủ mọi mối quan hệ quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc xin. Hiện, chúng ta đang thúc đẩy chiến lược vắc xin, trong đó có vắc xin cho trường học, vắc xin cho trẻ em”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết như vậy.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế căn cứ vào khoa học để quy định độ tuổi tiêm các loại vắc xin, tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm phù hợp. Ví dụ, loại vắc xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì trong thời gian tới, khi nhập khẩu vắc xin về, sẽ dành loại đó tiêm cho trẻ em. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể học bình thường kèm với các biện pháp phòng chống dịch khác như một số nước hiện nay cũng đang làm.

Hôm 17-8, trong một văn bản gửi Sở Y tế Bình Dương, Bộ Y tế cho biết ngày 5-8 có nhận được văn bản của tỉnh Bình Dương, xin chủ trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 12-18 tuổi.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế cho biết việc lựa chọn đối tượng tiêm vắc xin thực hiện theo nghị quyết 21 của Chính phủ và các quyết định của bộ này về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, ưu tiên tiêm trước cho các địa bàn, khu vực đang có dịch, tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam, lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế như các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa.

Bộ Y tế cũng cho biết đã đàm phán với Pfizer (tham khảo dữ liệu liên quan về Pfizer dành cho trẻ tại https://www.fda.gov/media/148542/download) và thỏa thuận mua 20 triệu liều vắc xin dành cho trẻ 12 – 17 tuổi, Chính phủ cũng thông báo cho phép triển khai mua lô vắc xin này. Thông tin cho hay lô Pfizer dành cho trẻ em này sẽ về Việt Nam vào quý 4 năm nay. Pfizer cũng là vắc xin duy nhất cho đến nay có chỉ định sử dụng cho trẻ em 12 – 17 tuổi.

Như vậy phải chăng đến đầu năm 2022 các trường phổ thông mở trở lại học ‘trực tiếp’, không còn phải ‘trực tuyến’?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)