Việt Nam Thời Báo

VNTB – Gãy đổ chuỗi sản xuất vì giãn cách quá dài

Hồng Ngự

 

(VNTB) – Hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông đóng cửa.

 

Doanh nghiệp thủy sản dự cảm khó khăn

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho tới nay, tỷ lệ tiêm mũi vắc xin Covid-19 của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình chỉ là 40-50%.

Tỷ lệ 100% doanh nghiệp được lấy ý kiến đều cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất và nếu chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp, thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng – khai thác – chế biến – kinh doanh – xuất nhập khẩu đang hiện tiền trước mắt.

Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho biết nhiều doanh nghiệp cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu sau ngày 15-9 các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Theo ghi nhận của bà Tạ Hà, các doanh nghiệp chế biến cá tra tại miền Nam Việt Nam, từ cuối tháng 7-2021, khi dịch bệnh lan từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây, thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên.

Đã có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm về xuất khẩu thủy sản phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt ‘size’/ kích cở do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 – 20%.

Tại tỉnh Hậu Giang, đa số nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được “3 tại chỗ”, thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hơn thế nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được tại nhà máy.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký tuy nhiên cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn như: tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm…

Một số doanh nghiệp khác tại đồng bằng sông Cửu Long ngưng hoạt động, bắt đầu chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách. Và cho tới hạ tuần tháng 8-2021, hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho, nên đã dừng hoàn toàn hoạt động.

Vẫn theo bà Tạ Hà, nặng nề hơn khi nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại xứ cù lao Bến Tre đã ngừng chế biến cá tra từ đầu tháng 8-2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân lo ngại bị nhiễm bệnh nên cũng xin nghỉ. Tỷ lệ doanh nghiệp chế biến được chích vắc xin hiện dưới 15%.

Để cầm cự sản xuất, một số doanh nghiệp cố gắng chế biến hải sản nghêu, nhưng rồi giá thấp nên cũng đang cân nhắc quyết định ngưng hoạt động. Thêm nữa, không ít khách hàng nhập khẩu đòi hủy hợp đồng và tìm khách hàng thay thế với lý do chậm tiến độ giao hàng.

Doanh nghiệp thủy sản ‘mắc cạn’ vì Covid-19

Tình hình ở ngành tôm cũng bi đát không kém.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FIMEX Việt Nam, sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại đồng bằng sông Cửu Long bị đảo lộn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19. Không chỉ vậy, còn có việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện nay đều buộc phải giảm công suất còn 30 – 50% để thực hiện “3 tại chỗ”, nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.

Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy hiện nay vẫn khó khăn, do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm, hiện tại, việc một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn đã làm gián đoạn lịch thả giống thứ hai trong năm và hoạt động thả nuôi vụ hai đang có xu hướng trầm lắng.

VASEP cho rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, còn lâu dài quá 2 – 3 tuần thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chịu nổi. Còn các các doanh nghiệp lớn hơn có thể ráng chịu trong vòng 4 – 5 tuần.

Để thoát ra khỏi tình trạng này, cần một cái nhìn tích cực tương thích với chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam là 5K cộng với tiêm vắc xin.

Các chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng cho rằng Việt Nam cần phải bằng mọi cách có vắc xin mới có thể “sống chung với Covid”. Vì thế, VASEP cho rằng với biến thể mới là chủng virus Delta, thì chống đứt gãy chuỗi sản xuất cũng phải nhìn theo hướng này, tức là phải có vắc xin cho doanh nghiệp. Không phải một loại vắc xin như đang chích trong dân chúng, mà phải cần đến hai loại.

Đó là “vắc xin” chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là các gói hỗ trợ, giảm thuế, giảm đóng công đoàn phí, giảm tiền điện, hạ lãi suất cho vay… được thực hiện tử tế, kịp lúc chứ không phải chỉ “trên tivi”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Một luật sư ở Bihar khởi kiện Tập Cận Bình và đại sứ Sun Weidong vì đại dịch

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổ chức y tế Trung Quốc – CHO?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghĩa đồng bào với những công bộc ‘đầy tớ’…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo