Quang Nguyên
[tds_note]
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và một số nhà hoạt động tại Hoa Kỳ tổ chức chuyến đi một tháng từ ngày 10 tháng 9 đến nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ để tìm hiểu, lắng nghe, và đối thoại với một số cá nhân đoàn thể, tổ chức đang hoạt động tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.
Phái đoàn gồm hai nhà báo của Hội NBĐLVN là Ngô Văn và Quang Nguyên cùng Mục sư Vang Chí Mình, lãnh đạo tổ chức H’mong United for Justice, hai nhà hoạt động Giáo sư Đoàn Viết Hoạt và Giáo sư Trần Thị Thức
Việt Nam Thời Báo sẽ công khai cập nhật từng chặng đường đi và những cuộc nói chuyện.
Hội Nhà Báo Độc Lập mong muốn độc giả đóng góp những ý tưởng, suy nghĩ, ý kiến để chúng tôi đưa vào các cuộc thảo luận ở những tiểu bang mà đoàn đi qua. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gửi email về địa chỉ: Vn5931a@student.american.edu
[/tds_note]
Hôm 10 tháng 9, nhóm các nhà hoạt động Việt Nam tại Hoa Kỳ (gồm hai nhà báo thuộc hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, ông Ngô Văn và Quang Nguyên, Mục sư Vang Chí Minh, hai Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt và Trần Thị Thức) đã gặp cộng đồng người H’Mong tại Minnesota, do Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Foung Hawj dẫn đầu, ông Tong Vang và Ganghis Khang Chủ tịch và phó chủ tịch hội cựu chiến sĩ H’Mong, ông Chủ Tịch Cộng Đồng và nhiều chức sắc đại diện gần 70 chục ngàn người H’Mong trong tiểu bang Minnesota.
Chủ tịch cộng đồng người H’mong cho biết về sự thành công của người H’Mong trên nhiều mặt sau 46 năm trốn chạy khỏi quê hương. Nhiều người trở thành triệu phú, nhà kinh doanh, đầu tư nổi tiếng. Rất nhiều con em thế hệ thứ 2 trở thành những nhà trí thức, hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị, nhiều người tham gia chính quyền cả trong 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, nhiều nhà văn, nghệ sĩ tên tuổi. Đến nay, con em người H’Mong có khoảng 2.000 tiến sĩ mọi ngành.
Nhà báo Ngô Văn đã trình bày về chuyến thăm các cộng đồng người H’Mong bị chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo đang trốn tránh tại Miến Điện, Thái Lan và Lào. Ông nói:
“…Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã có dịp dự những hội nghị liên quan đến tự do tôn giáo ở Đông Nam Á, Âu châu và Hoa Kỳ, cùng với người H’Mong, chúng tôi cũng đã từng có dịp đến một số nơi vùng Đông Nam Á tìm và gặp những người H’Mong đang trốn tránh sự đàn áp tự do tôn giáo của cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi tìm thấy hàng trăm gia đình người H’Mong phải trốn tránh trong rừng sâu, khu chiến tranh giữa quân chính phủ và phe chống đối, con em họ bị bắt đi lính cho cả 2 bên để đổi lấy sự an toàn cho gia đình. Họ sống tùy thuộc vào lòng tốt của chính quyền địa phương. Người tỵ nạn không có đất canh tác, người chết không có đất chôn phải thả trôi theo dòng suối.
Phóng viên VNTB cũng đã đến thăm hàng trăm người H’Mong từ Việt Nam trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam đang sống ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Nhiều người trong đó đã nhận được quy chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn có nhiều người gồm cả phụ nữ cùng con nhỏ bị giam cầm trong các trại tù. Năm vừa qua, tổ chức ACF (All Charitable Fund Foundation), đã đóng tiền thế chân cho hơn sáu chục người ra khỏi nhà tù.
Những người H’Mong tỵ nạn ở Thái Lan đang sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người. Họ phải làm thuê cực nhọc như nô lệ, và thường bị đám cò mồi giật tiền công, bị cảnh sát bắt phạt, tước đoạt tiền bạc. Họ phải đến các chợ tìm rau, trái cây đã đổ bỏ về làm thức ăn.
Hàng chục người H’Mong bị cộng sản Việt Nam bắt, bỏ tù, giết vì không bỏ đạo Tin Lành.…”
Sau bài nói chuyện của Ngô Văn, ông Thượng nghị sĩ tỏ ra rất buồn và ngạc nhiên vì những sự kiện được nghe đến. Những người H’mong hiện diện cho biết họ chưa bao giờ được nghe những chuyện như vậy về người H’Mong. Chủ tịch hội Cựu chiến binh H’Mong cho hay nhiều năm nay cộng đồng người H’mong ở Minnesota đã không còn người chuyên trách việc đấu tranh cho nhân quyền. Họ hoàn toàn không biết những tin tức về người H’Mong trong vùng Đông Nam Á bị vi phạm nhân quyền. Ông cho rằng hầu hết thế hệ thứ hai lớn lên lo củng cố kinh tế, đã quên đi trách nhiệm với đồng bào còn ở lại tại Lào và Việt Nam.
Lãnh đạo các tổ chức của người H’Mong có mặt cũng lần lượt bày tỏ tình cảm của họ với đồng bào đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn bởi sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Họ hứa sẽ cùng nhau ngồi xuống một ngày gần đây để soạn thảo chung chương trình phối hợp hành động bênh vực nhân quyền và tự do tôn giáo cho mọi người nói chung và người H’Mong tại Việt Nam, Lào nói riêng.
Có khoảng 70 ngàn người H’Mong tỵ nạn đang sống tại Minnesota trong tổng cộng khoảng 330 ngàn người tại Hoa Kỳ, phần lớn là người trẻ dưới 20 tuổi. Tại Việt Nam hiện nay có gần 1 triệu rưỡi người, nhiều người theo đạo Tin Lành.