VNTB – Phản biện xã hội là một quyền ‘có định hướng’?

VNTB – Phản biện xã hội là một quyền ‘có định hướng’?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Thay vì tìm mọi cách ngăn chặn các trang web như Việt Nam Thời Báo, cần quản lý những trang đó bằng hành lang pháp luật, vì đây là trang trung thành với chủ để phản biện xã hội ôn hòa.

 

Thay vì ‘chặn tường lửa’, hãy tạo điều kiện cho trang Việt Nam Thời Báo

Phản biện xã hội là một chủ đề được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều giác độ khác nhau như chính trị, pháp lý, báo chí, truyền thông, xã hội học…. Phản biện xã hội có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau khi nhậm chức cũng đã kêu gọi tinh thần cầu thị về đón nhận các ý kiến phản biện xây dựng đối với các chính sách của ông.

Vậy thì vì sao cần ủng hộ các trang web đeo đuổi chủ đề “phản biện xã hội ôn hòa, xây dựng” như Việt Nam Thời Báo, thông qua việc nhìn nhận quyền tự do ngôn luận cả với những tiếng nói ‘trái chiều’ – ‘trung ngôn – nghịch nhĩ’.

Rất đơn giản, quyền tự do ngôn luận được hiểu chính là tiền đề, là điều kiện cơ bản cần thiết để người dân thực hiện phản biện xã hội, và phản biện xã hội cũng chính là một trong những hình thức để người dân phát huy vai trò của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Trong đời sống chính trị của một đất nước, các thiết chế cầm quyền luôn đứng trước nhu cầu là phải lựa chọn, đắn đo cân nhắc trong số rất nhiều các dữ kiện chủ quan và khách quan cũng như các lợi ích của các giai cấp, các nhóm xã hội, dân tộc, quốc tế… khác nhau để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lý nhất để giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Do vậy, họ cố tranh thủ ý kiến, nhận xét của các tổ chức, cá nhân, xã hội. Các lực lượng xã hội khác, vì lợi ích của mình và lợi ích chung của cộng đồng cũng dưới hình thức này hoặc hình thức khác đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề đó. Kết quả là, nhờ thông qua sự sự tranh luận, tìm tòi mà đã đưa ra được những quyết sách đúng đắn, áp dụng vào cuộc sống đem lại lợi ích cho đất nước. Đó là hoạt động phản biện xã hội.

Phản biện xã hội là một lĩnh vực phản biện đặc thù.

Nếu như phản biện khoa học là hình thức được áp dụng khi tiến hành nghiên cứu, xét duyệt, nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học để đưa ra các quyết định về tính đúng sai.

Chủ thể tiến hành các cuộc phản biện khoa học là hội đồng nghiệm thu, đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, đề án, dự án có những thẩm quyền xác định nghiệm thu – không nghiệm thu, tán thành – không tán thành đối với công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế được đưa ra xét duyệt, thì phản biện xã hội là hình thức được áp dụng để tìm được sự đồng thuận xã hội về lợi ích trong thẩm định, xét duyệt các chủ trương, đường lối, trong ban hành các đạo luật, trong hoạch định các đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Trang Việt Nam Thời Báo tranh biện nhằm ‘lật đổ’ cái xấu

Luật sư Bùi Xuân Đức biện giải: Khác với đả kích, nói xấu, bôi nhọ mang tính chống đối, lật đổ, xuyên tạc sự thật, phản biện xã hội mang tính xây dựng, hỗ trợ, vì mục tiêu chung.

Phản biện xã hội là hình thức tranh biện giữa những chủ thể có cùng mục đích, động cơ nhằm đạt được kết quả cao hơn, nhiều hơn, tốt hơn. Trong phản biện xã hội, bên phản biện không phải lúc nào cũng nêu ý kiến phản bác mà có cả những ý kiến tán đồng, những ý kiến sửa đổi, bổ sung nhằm làm cho dự án, kế hoạch đưa ra được đầy đủ, hoàn thiện hơn.

So với góp ý kiến, kiến nghị vốn lâu nay vẫn được tiến hành trong đời sống xã hội, phản biện xã hội tuy có những nét tương đồng, nhưng không phải đồng nhất.

Góp ý kiến, kiến nghị, phê bình, phản ánh ý kiến nhân dân chủ yếu thể hiện sự tham gia thụ động của đối tượng chịu sự lãnh đạo, quản lý với chủ thể lãnh đạo, quản lý, theo yêu cầu của họ mà không có sự chủ động, đặc biệt là không có sự tranh biện.

Nội dung góp ý kiến, kiến nghị không đòi hỏi phải nêu ra đầy đủ các luận cứ khoa học để chứng minh, trong nhiều trường hợp chỉ để thể hiện nguyện vọng của bên kiến nghị, góp ý kiến, việc chấp thuận ý kiến, kiến nghị tuỳ thuộc vào sự xem xét của phía nhận được kiến nghị.

Còn trong phản biện xã hội không phải chỉ nêu lên các khẳng định hay phủ định, mà đòi hỏi phải có luận cứ chứng minh kèm theo. Kiến thức và trách nhiệm của bên phản biện đòi hỏi phải có sự đáp ứng cao hơn, và điều này dễ dàng tìm thấy trong các bài viết trước đây của tác giả Phạm Chí Dũng, của Lê Hữu Minh Tuấn cùng nhiều cộng tác viên khác trên trang Việt Nam Thời Báo.

Tuy nhiên cho đến nay, những phản biện của các tác giả trên trang Việt Nam Thời Báo, đáng tiếc đã không có được sự ‘tranh biện’ hai chiều từ phía nhà chức trách.

Ai cũng hiểu, nếu quả thật tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đón nhận các ý kiến phản biện xây dựng, có nghĩa khi phản biện, bên biện luận và bên phản biện luận đều phải nêu rõ quan điểm, lập luận, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn để phủ định hoặc khẳng định. Việc chấp nhận hay không chấp nhận các lập luận biện luận và phản biện luận phải nêu rõ căn cứ, lý do và thông báo công khai, rộng rãi cho mọi người biết.

Và điều này còn đồng nghĩa với những tác giả tiếp tục lựa chọn chủ đề “phản biện xây dựng” để cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo tiếp tục phập phồng, rằng liệu mai đây họ có vướng vòng lao lý của điều luật 117 hay 331 của Bộ luật Hình sự, vì hiện tại vẫn là ‘độc thoại phản biện’, chứ không phải ‘sòng phẳng tranh biện’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)