VNTB – Đảng muốn mạnh, muốn chống tham nhũng thì cần phải có báo chí độc lập

VNTB – Đảng muốn mạnh, muốn chống tham nhũng thì cần phải có báo chí độc lập

Phú Nhuận

 

(VNTB) – “Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một mặt phải chống các biểu hiện tham nhũng, mặt khác phải chống suy thoái, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”.

 

Báo chí độc lập sẽ giúp Đảng luôn phải biết tự tu chỉnh

Ông Lê Quốc Lý, cựu phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng xây dựng và chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, Đảng cầm quyền muốn mạnh thì phải luôn luôn chỉnh sửa và hoàn thiện mình.

“Cám dỗ càng lớn thì cán bộ cũng dễ bị sa ngã hơn. Đảng ta và tất cả các đảng cách mạng khác trong quá trình lãnh đạo đất nước đều đối mặt với thực trạng này. Và muốn xây dựng Đảng vững mạnh, mỗi đảng viên phải có sức đề kháng trước cám dỗ vật chất để không sa ngã.

Thực tế đảng nào, bộ máy cầm quyền nào cũng đều bị thu hút bởi sự hấp dẫn của vật chất, muốn vượt qua thì buộc phải thanh lọc nội bộ, phải chỉnh đốn đảng.

Nhiều cán bộ thấy lợi ích là rẽ ngang, nên Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ, loại bỏ những cán bộ cơ hội, rẽ ngang. Hội nghị Trung ương 4 tiếp tục đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ, không có đảng cầm quyền nào làm một lần xong được” – ông Lê Quốc Lý lập luận.

Người viết muốn góp với ông Lê Quốc Lý, là nếu thực sự Hội nghị Trung ương 4 đang diễn ra tại Hà Nội thật sự vì ‘xây dựng – chỉnh đốn Đảng’, thì hãy mạnh dạn đưa ra nghị quyết chấp nhận có nền báo chí độc lập, đúng như những điều mà nhà báo cách mạng Phan Đăng Lưu đã đăng trên số ra ngày 10-11-1938, báo Dân tiến, “Về tự do báo chí”:

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị đi để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hoá của dân chúng mà thôi”.

Giả dụ như ở Việt Nam có được “tự do báo chí” như ‘tôn chỉ’ của 5 điều mà ông Phan Đăng Lưu đã viết, thì có lẽ sẽ giúp Đảng nhanh chóng phát hiện những đảng viên nào đang “bị thu hút bởi sự hấp dẫn của vật chất” như cảnh báo của ông Lê Quốc Lý ở phần đầu bài viết này.

Báo chí độc lập sẽ giúp Đảng trị tham nhũng

Một biên tập viên báo chí nói rằng giờ chỉ cần các vị đang họp Hội nghị Trung ương 4 ‘tiếp cận’ cái gọi là “Hồ sơ Pandora”, sẽ nhận ra ngay giá trị đến đâu của công cuộc ‘đốt lò’ chống tham nhũng, khi có được các nhà báo độc lập của những tờ báo độc lập không phụ thuộc vào bất kỳ chủ quản nào, không phải chịu ‘định hướng’ nào từ cơ quan Tuyên giáo Trung ương.

Bộ hồ sơ Pandora được công bố hôm Chủ nhật 3-10-2021 do Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thực hiện, có hơn một 10 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã tích lũy hàng triệu tài sản bí mật ở nước ngoài.

Cuộc điều tra này gọi là “Pandora Papers”, có sự tham gia của 600 nhà báo từ hàng chục tờ báo các nước, dựa theo 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới, đang gây choáng váng cho nhiều chính trị gia các nước.

Các tài liệu bị rò rỉ những vụ kinh hoàng như: Vua Abdullah II của Jordan đã thành lập ít nhất 30 công ty nước ngoài ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có lợi thế về thuế mà thông qua đó, ông đã mua 14 bất động sản sang trọng ở Mỹ và Anh với giá hơn 106 triệu USD.

Rồi vụ Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã đầu tư 22 triệu USD vào các công ty vỏ bọc được sử dụng để tài trợ cho việc mua Chateau Bigaud, một bất động sản lớn ở Mougins, miền Nam nước Pháp. Sáng nay là việc công bố 1 chú bé 11 tuổi sở hữu 9 biệt thự siêu sang trị giá 44 triệu USD tại Dubai, và 4 biệt thự khác tại Anh mà ngày sinh, nhiều thông tin khác trùng hoàn toàn với con trai của Tổng thống Azerbaijan…

Có thắc mắc không biết bộ hồ sơ này có nhắc đến ai ở Việt Nam không, nhưng trong hồ sơ có phần đánh số tài liệu về Việt Nam. E rằng, vụ này, như thường lệ, khi báo chí phỏng vấn Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ sẽ nhận được câu trả lời, đại khái: Chúng tôi sẽ tham khảo thông tin nhưng chúng tôi không điều tra các vấn đề ở nước ngoài

“Tôi tin nếu báo chí tư nhân khai thác phần đánh số tài liệu về Việt Nam của cuộc điều tra “Pandora Papers”, tin chắc lượng phát hành sẽ đủ để thuyết phục mời gọi các doanh nghiệp tham gia ‘mua trang’ quảng cáo, qua đó tạo nguồn lực tài chánh giúp nuôi sống tờ báo.

Và đâu chỉ vậy, lúc nhà báo Phạm Chí Dũng có được quyền tự do viết lách, chúng tôi từng bàn bạc rằng chỉ cần nhà nước chấp nhận báo chí tư nhân, hoạt động đúng như các yêu cầu mà nhà báo Phan Đăng Lưu từng nhấn mạnh, thì chắc hẳn Đảng sẽ có thêm kênh truyền thông thích hợp cho đúng nhưng điều mà ông Lê Quốc Lý, cựu phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang trăn trở…”.

Một nhà báo từng làm việc chung với nhà báo Phạm Chí Dũng lúc còn ở khối nội chính Thành ủy TP.HCM, thời Bí thư Trương Tấn Sang, đã kể như trên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)