Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Khai thác thị trường bay Mỹ, châu Âu chưa bao giờ dễ.
1/- Báo quốc doanh viết bừa
Làm bất cứ việc gì cũng không thể bao quát được hết kiến thức về mọi ngành nghề, người làm báo cũng vậy. Tuy nhiên khi nhà báo đã viết ra đăng công khai thì trước vạn, triệu độc giả thì thông tin phải chính xác. Đó không chỉ là đóng góp cho tiến bộ, phát triển xã hội mà còn tôn trọng người đọc, người xem. Như vậy, nhà báo chỉ viết điều gì mình am hiểu.
Thế nhưng thời gian gần đây nhiều tờ báo quốc doanh không chỉ viết sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt nhiều sự việc mà còn cung cấp kiến thức, nhận định sai, ấu trĩ, bốc đồng…rất có hại với những ai tin vào họ.
Ngày 15/9/2021 báo Vietnam.Net đăng bài: “43 triệu người bị tước mất cơ hội bay vé giá rẻ”, phản đối việc dự thảo của cục HKVN về ấn định giá vé sàn cho các hãng HKVN. Bài báo phân tích dân ta còn nghèo, GDP đầu người năm 2019 chỉ 4,2 triệu đ/tháng, chi tiêu 2,89 tr đ/tháng mà giá vé sàn đã chiếm ½ thu nhập
– Lý sự rất thô thiển, sai. Bởi vì, 43 triệu người năm 2019 đi máy bay không phải hoàn toàn là giá rẻ. Không phải bất cứ ai đi máy bay của hãng gọi là “giá rẻ”( thực chất ở VN chưa có đủ điều kiện cho hãng bay giá rẻ hoạt động) là hưởng giá rẻ. Bởi trong một chuyến bay có nhiều mức giá, chi phí cho mỗi hành khách. Số người đi được vé 0đ và vài trăm nghìn ngang hoặc thấp hơn giá vé sàn trong dự thảo chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Loại vé giá không tưởng này các hãng HK đặt ra chủ yếu để quảng cáo, tiết kiệm ghế trống khi vắng khách còn trên thực tế khi bình thường người “săn” được vé giá 0 đồng, không tưởng rất ít mà chủ yếu là những người giỏi về mạng, rỗi việc chứ không phải công nhân, nông dân nghèo… Đặc biệt những người đi bằng vé giá này chủ yếu đi chơi, thăm thân vì không cần thời điểm nhất định như đi làm, đi học…
– Hiện nay cuộc cạnh tranh giữa các hãng HK ở Việt Nam đã rất khốc liệt. Điều gì sẽ xảy ra nếu một hoặc vài hãng kinh doanh đa ngành, có tiềm lực tài chính bắt tay nhau chịu lỗ một thời gian cứ bán thật nhiều giá rẻ, vé không đồng thu hút hết khách của các hãng yếu hơn đến khi phá sản hết chỉ còn họ tồn tại? Khi đó hành khách phải đi máy bay giá độc quyền, trở lại thời khách phải mua vé máy bay bằng giấy giới thiệu như hồi Vietnam Airlines độc quyền? Đây là nguyên nhân chính để hãng HK Indochina Airlines của nhạc sĩ Hà Dũng và Mekong Air phá sản mấy năm trước. Việc Việt Nam hay nhiều nước khác phạt, đánh thuế cao những mặt hàng nước khác xuất sang VN với giá dưới chi phí là bảo vệ cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.
– Chi phí vận tải cho đơn vị trọng lượng ở ngành HK lớn hơn nhiều so với đường bộ do 70% bằng ngoại tệ, tốc độ đi, lại nhanh, an toàn. Vì vậy không có chuyện dân nghèo thì DN phải bán vé rẻ dưới chi phí. Việc các báo quốc doanh kêu áp giá sàn làm 43 triệu người nghèo không được đi máy bay là mị dân, dốt nát.
Tôi không nói mức giá sàn mà nhà chức trách HKVN dự kiến đã hợp lý chưa nhưng việc quy định giá sàn vào thời điểm ở mức cạnh tranh nào đó để các DN cạnh tranh về giá vé chỉ là thứ yếu mà chủ yếu cạnh tranh trên các lĩnh vực như an toàn, đúng giờ, văn minh, lịch sự…Quy định giá sàn ở thời điểm thích hợp chính là để HKVN phát triển lành mạnh, người dân được đi lại với giá vé cạnh tranh.
2-/ Việc bay đi Mỹ của hãng Bamboo Airways
– Vừa qua, báo chí quốc doanh rùm beng hãng Bamboo của đại gia Trịnh Văn Quyết bay thẳng sang Mỹ rồi vẽ ra những lợi ích lớn, tương lai rực rỡ nào thuê máy bay khổng lồ Airbus 380 (800 chỗ), “mỗi chuyến bay thẳng VN-Mỹ sẽ đóng góp thêm vào nền kinh tế khoảng 800 triệu USD thông qua chi tiêu trực tiếp, gián tiếp…” mặc dù mới chỉ là chuyến bay charter.
Hiện tại Bamboo Airways có phi đội 29 chiếc máy bay gồm 1 A319, 3 Boeing 787,5 Embraer, 20 A320, hầu hết máy bay và phi công, bộ khung quản lý khai thác là thuê từ A đến Z. Như vậy tiềm lực của FLC là rất nhỏ, “mỏng manh” đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật, thương mại, kinh nghiệm. Nếu FLC với tiềm lực của mình mà bay thường lệ được đường bay VN- Mỹ từ khi lỗ đến khi cân bằng rồi lãi thì là một kỳ tích không chỉ đem lại lợi ích cho DN mà còn cả nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác mà chưa hãng HK nào làm được.
Năm 2004 hai hãng HK lớn của Mỹ là United Airlines và Delta Airlines khai thác đến VN nhưng đến 2007 phải rút vì quá lỗ. Từ đó đến nay tình hình đã khác nhưng khai thác thị trường Mỹ, châu Âu chưa bao giờ dễ. Điều này tôi nghi ngờ FLC bởi họ còn rất nhiều dự án trên đất “đắp chiếu”. Nếu FLC không đủ tiềm lực tài chính mà đi vay mượn nhất là với nước ngoài đến khi để họ thao túng thị trường HKVN thì rất nguy hiểm.