Nguyễn Nam
(VNTB) – Đang có rất nhiều thắc mắc của dân chúng liên quan đến chính sách gọi là ‘sống chung an toàn’ với dịch bệnh Covid, song vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm cuối cùng cho câu trả lời.
Một.
Ai cũng biết, luật và các quy định không chỉ dành cho dân, mà các quan chức chủ chốt của quốc gia càng phải là nhóm đối tượng tuân thủ đầu tiên.
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước bay ra bay vào Hà nội – Sài Gòn suốt, sao không phải bị cách ly, vậy mà chỉ có dân dù chích 2 mũi vắc xin, kèm xét nghiệm Covid-19 âm tính nữa mới được bay, nhưng bay đến nơi buộc bỏ tiền túi ra để cách ly 7 ngày nữa.
Vậy con cúm Tàu nó có mắt , sợ lãnh đạo Đảng nên nó tránh, còn dân nó tấn công, hay như thuyết âm mưu là không có con cúm Tàu, mà chỉ là âm mưu chính trị toàn cầu. Nếu cách ly chỉ dành cho dân đen còn lãnh đạo không thì họ nghi ngờ cũng có lý.
Hai.
“Trận dịch này là bất ngờ, chưa tiền lệ và không chỉ có VN sai lầm”, là câu nói chúng ta thường xuyên gặp trên báo, trên cửa miệng các quan chức để bào chữa cho chính họ.
Đúng, nhiều nước đã sai lầm ở thời kỳ đầu, ngay cả Mỹ và Châu Âu. Nhưng họ đã kịp sửa sai và họ không có sai lầm về khủng hoảng nhân đạo khi hàng hàng lớp lớp người dân dùng mọi phương tiện đang có, dù nó xộc xệch, mất an toàn, thậm chí đi bộ hàng trăm cây số để rời bỏ các thành phố, các khu công nghiệp, cũng là tâm dịch.
Cũng cần thấy rằng dịch không tấn công Việt Nam bất ngờ, mà gần 1 năm sau khi đã càn quét qua Ý, Mỹ, Ấn Độ…
Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều đã và đang xảy ra, trước mấy chục ngàn cái chết và cái đói hiện tiền của tầng lớp nghèo khổ nhất?
Ba.
Ai có quyền đóng cửa quốc lộ? Chưa tìm thấy có văn bản hay quy định nào mang điều khoản này, và ai được trao quyền lực đó.
Chỉ mới thấy nếu xét Luật Quốc phòng 2018, thì phải có tình trạng khẩn cấp về Quốc phòng, hoặc là tình trạng thiết quân luật. Chỉ thị 16 được ký ban hành từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc còn làm Thủ tướng, liệu có giao quyền này cho tỉnh, thành phố được làm không?.
Nhà của họ thì họ có quyền về. Nhà cha mẹ, người thân của họ thì họ có quyền về. Không có pháp luật nào ghi hành vi về nhà của họ là “tự phát”. Không có pháp luật nào cấm họ về nhà họ.
Nơi nào tiếp nhận họ, mướn họ làm việc thì họ đến. Không có pháp luật nào quy định họ phải đủ điều kiện mới được đi đến nơi làm việc mới của họ, ngoại trừ điều kiện nghề nghiệp do công ty mướn họ quy định.
Bốn.
Dù họ là công nhân hay lao động thời vụ, tự do, dù họ từ Sài Gòn hay Bình Dương. Đồng Nai trở về chốn quê nhà chôn nhau cắt rốn, phải công nhận là thời gian qua, họ vẫn bị coi là người ngụ cư chứ không phải nhập cư ở nơi mà họ tin rằng là thiên đường mưu sinh.
Chính sách cho người lao động còn ở trên giấy quá nhiều, và những gì gọi là chăm lo cho họ đều được “cân ke kỹ quá”. Tuần lễ qua, cuộc bỏ phiếu bằng chân của họ đã cho chúng ta quá nhiều bài học sâu sắc về giai cấp lãnh đạo là công nông.
Tự nhiên ngẫm về con số hơn 60% người lao động vừa về nhà đã bộc bạch dự tính là sau thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức, bớt nhớ thương “quê nhà” sau cơn ác mộng ập đến quá nhanh mà lại kéo quá dài, tới 4 tháng bị “phế võ công” ngồi một chỗ, muốn quay về chốn cũ để tìm việc làm lại.
Một số chuyên gia than phiền là chúng ta để bị lệ thuộc FDI, họ lạm dụng sức lao động của công nhân Việt. Nói vậy thì ai nói cũng được, nói thì dễ nhưng phải nghĩ, muốn thay đổi cách sống bám vào gia công này là cả một bài toán khó tổng hợp về chiến lược kinh tế và phát triển…
Nhưng dù nghĩ thế nào, chúng ta vẫn không khỏi thoát được niềm ray rứt đau xót từ “cuộc di dân khổng lồ” lại là của người lao động gắn bó bao năm với mình.
Vang lên câu nhắc nghiêm khắc và quen thuộc của cha ông: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.