Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì không đảm bảo ‘an toàn vật nuôi’ nên phải tiêu hủy!

Thới Bình – Hồng Dân

 

(VNTB) – Nếu  không đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì tiến hành tiêu hủy.

 

“Trước áp lực về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và từ bà con nhân dân, tác động từ những người đang cách ly trong khu vực, Ban điều hành tiếp tục yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý để đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nếu không đảm bảo thì tiến hành tiêu hủy.”

Đó là giải thích của chính quyền huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tại cuộc họp báo vào chiều ngày 10-10-2021.

Vì người dân nơi cách ly phàn nàn, nên…

Đại diện chính quyền cho biết lúc 22 giờ 30 phút ngày 8-10, Trung tâm Chỉ huy xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời có tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch; trong đó có mang theo 15 con chó và 1 con mèo vào Khu cách ly tập trung Trường trung học phổ thông Khánh Hưng.

Sau đó, xã Khánh Hưng tiến hành lấy mẫu test nhanh Covid-19; đồng thời lấy mẫu PCR đối với 7 người nêu trên. Sau khi có kết quả 2 lần test nhanh, Ban điều hành, cụ thể là bác sĩ Đỗ Kim Chi, Trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng, đã xin ý kiến về Trung tâm y tế huyện, trong đó có báo cáo về việc khó khăn trong quản lý 15 con chó, 1 con mèo đi theo người về quê.

Đại diện chính quyền nói rằng người dân phản ánh yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng từ đêm 8 đến ngày 9-10 , gia đình người nuôi chó, mèo không quản lý được như yêu cầu, để chó chạy trong khu cách ly, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Trước áp lực về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và từ bà con nhân dân, tác động từ những người đang cách ly trong khu vực, Ban điều hành tiếp tục yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo quản lý để đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19, nếu không đảm bảo thì tiến hành tiêu hủy. Lúc này, gia đình người nuôi không có ý kiến gì.

Như vậy, theo giải thích tóm tắt như trên ở buổi họp báo, sở dĩ nhà chức trách nơi đây phải tiêu hủy số vật nuôi này của người dân, là nhằm giải quyết các ý kiến của người dân đang cách ly trong khu vực về số vật nuôi này.

Tóm lại, nhà chức trách đã đáp ứng nguyện vọng của dân chúng, và chủ vật nuôi cũng “không có ý kiến gì” nên việc cộng đồng mạng xã hội lên tiếng phản đối chính quyền là phiến diện (?!).

Có phải là quốc gia vô pháp, vô thiên?

Pháp luật có những quy định ra sao về trường hợp như trên? Luật sư Trần Thành diễn giải như sau:

Trước hết, các viên chức ở tỉnh Cà Mau chắc chắn có tham dự buổi tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị Covid-19 ngày 28-8-2021.

Tài liệu tập huấn cho biết Bộ Y tế mới chỉ khuyến cáo người nhiễm SARS-CoV-2 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật. Ngoài ra, người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình…

Do đó, nếu viên chức ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời cho rằng nghi ngờ chó, mèo mang virus SARS-CoV-2, có thể nhốt riêng chúng lại, cách ly một thời gian, không để người khác tiếp xúc, thay vì tiêu hủy chúng.

Thứ hai, Luật thú y chấp nhận hướng xử lý vụ việc như trên của viên chức ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau khi số vật nuôi bị tiêu hủy nằm trong nội dung chế tài của “Điều 18. Khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người” của Luật thú y.

Tuy nhiên như đã nói, chưa có quy định pháp lý cụ thể nào nói rằng SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, là nguồn truyền lây giữa vật nuôi với người.

Câu hỏi đặt ra là sự việc trên có phải xuất phát từ lúng túng của chính quyền huyện Trần Văn Thời, vì đến nay xử lý vật nuôi của người nhiễm SARS-CoV-2 ra sao thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn?

Ghi nhận tại TP.HCM là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất. Trong số này có nhiều người nuôi chó, mèo. Vậy chó, mèo của họ được xử lý ra sao?

Phương án xử lý chung tại TP.HCM là người nhiễm Covid-19 tự thu xếp việc chăm sóc vật nuôi trong thời gian đi cách ly, điều trị, bằng cách gửi người thân, bạn bè… Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ được đón vật nuôi. Và vì chưa có hướng dẫn, quy định nên việc xử lý vật nuôi như thế nào cũng phải được sự đồng ý của người dân theo đúng quy định về quyền dân sự.

Các khu cách ly chỉ tập trung chăm sóc, điều trị con người; không đủ điều kiện chăm sóc thêm vật nuôi nên chính quyền địa phương đã yêu cầu người nhiễm Covid-19 sắp xếp gửi vật nuôi cho người thân.

Tin rằng chủ nhân của số chó, mèo ở trên khi từ Bình Dương về lại Cà Mau, vì đây là quê nhà chôn nhau cắt rốn, nên việc gửi số chó, mèo này nhờ bà con nuôi dùm trong lúc phải đi cách ly sẽ không mấy khó khăn, thay cho chuyện phải chọn giải pháp là tiêu hủy, vừa vi phạm pháp luật, vừa dễ gây thất nhân tâm.

Chưa đúng thì điều chỉnh, có gì đâu mà phải ‘tự diễn biến’!

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông Trần Tấn Công nói cơ sở pháp lý để tiêu hủy đàn chó là Nghị định 117 năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và áp lực về phòng chống dịch cũng như người dân.

Có lẽ thư ký của ông chủ tịch huyện đã tham vấn cho sếp của mình không đến nơi đến chốn. Nghị định 117/2020/NĐ-CP, điểm đ, khoản 2, Điều 12 nói: “Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều này”.

Dẫn chiếu 2 điểm kia thì căn cứ để tiêu hủy vẫn phải là “động vật là trung gian truyền bệnh”. Muốn kết luận điều này, phải chứng minh mấy con chó là trung gian lây truyền cúm Tàu – điều mà cả thế giới hiện nay chưa ai chứng minh được. Ngoài ra, ở khoản 5 nhắc “vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch”. Hiện nay, không hề có “tình trạng khẩn cấp” ở bất cứ tỉnh, thành nào tại Việt Nam.

Áp lực từ người dân là lý do không thể chấp nhận. Viên chức lãnh đạo không thể vì một nhóm người (cho là có) ghét chó của người khác mà đem chó của người ta ra giết. Cũng theo ông Công, họ đã tiêu hủy đàn chó “trước sự chứng kiến của người dân” – nghĩa là ‘bản án xử công khai’, tử hình công khai!

Và ông Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói thêm với báo chí rằng là cái gì chưa đúng thì điều chỉnh thôi, chẳng gì mà phải ầm ĩ cả.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phiên bản “bay giải cứu” 2023 ở Trung Quốc

Do Van Tien

VNTB – Có nên chấm dứt việc độc quyền kinh doanh vàng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chấn hưng Phật giáo “chủ nghĩa xã hội”

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.