Anh Quân
(VNTB) – Ba tuần sau khi Bộ Ngoại Giao tuyên bố tích cực giúp đỡ, tình trạng tồi tệ của công nhân Việt Nam ở Serbia vẫn không có gì thay đổi
“Đồng bào ta bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, ơn chính phủ,” đó là tựa của một bài báo lề Đảng. Và có lẽ không ít người vẫn nghĩ như vậy. Với họ, Đảng đã giúp cho họ có cuộc sống khấm khá hơn trong gần 80 năm qua.
Nhận định này chỉ đúng ở trên báo, còn với nhiều người dân khác thì thực tế lại khác xa. Trong đó có hơn 400 công nhân Việt Nam, nhiều người cùng quê Nghệ An với “Bác Hồ”. Họ xuất ngoại, bước chân vào đời công nhân xuất khẩu lao động tại Serbia, làm việc tại công trường của công ty Trung Quốc Ling Long hồi tháng Mười vừa qua sau khi tốn hàng ngàn USD cho công ty môi giới, vé máy bay và các khoản khác. Trong khi đó chủ lao động Trung Quốc lại bảo rằng họ đã “mua” mỗi một lao động Việt Nam với giá 130 triệu đồng.
Đến nơi, họ được đưa vào ở trong những công-ten-nơ không máy sưởi, không nước nóng trong khi thời tiết ở thành phố Zrenjanin rất lạnh, có lúc xuống đến âm 2 độ. 500 công nhân chỉ có hai nhà vệ sinh cáu bẩn, lại còn bị nghẹt. Nước rửa chén thậm chí còn không có, nói gì đến nước nóng nước sạch.
Mỗi bữa sáng, họ được một tô cơm và một quả trứng luộc. Bữa trưa, được 3 đến 4 miếng thịt heo, và một ít bắp cải. Ngày nào cũng vậy. Không đủ để bù lại sức lực đã bỏ ra cho một ngày làm công việc xây dựng ngoài công trường. Chưa kể đến việc phải ngồi ăn dưới ánh sáng phát ra từ điện thoại chứ còn không có được đèn thắp sáng tử tế.
Khi bị nhiễm covid, họ bị buộc phải ở trong công-ten-nơ để tự cách ly. Không được chăm sóc y tế, phải tự dùng thuốc mang từ Việt Nam qua, dù hợp đồng lao động quy định chủ thuê lao động cung cấp bảo hiểm y tế và chi trả phí khám chữa bệnh.
Vì quá khổ sở, họ gọi cho công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam, Công ty không nghe điện thoại. Gọi cho Sứ Quán Việt Nam tại Rumani, cũng không nghe bốc máy. Điện thoại của sứ quán cũng không cho để lại lời nhắn.
Không chịu nổi tình trạng này, công nhân quyết định đình công và được truyền thông Serbia, và quốc tế cũng như các tổ chức nhân quyền lên tiếng bênh vực. Sau đó, họ được chuyển sang một nơi ở mới, khá hơn một chút: những căn nhà chứ không phải công-ten-nơ nữa.
Tuy vậy, nơi ở mới vẫn không có máy sưởi lẫn nước nóng. Bữa ăn vẫn tồi tệ như cũ.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam, qua phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng, cho biết họ đang “theo sát tình hình”, tích cực và chủ động giải quyết vấn đề lao động Việt Nam bị chủ lao động Trung Quốc ức hiếp.
Đến nay, công nhân Việt Nam vẫn không có nước nóng để tắm, dù nhiệt độ ngoài trời tuần này có lúc sẽ xuống dưới âm 5 độ C. Họ phải qua tắm nhờ bên lán trại của công nhân Trung Quốc. Công nhân Trung Quốc thì có nước nóng, công nhân Việt thì không. Công nhân Việt Nam vẫn không được dùng máy sưởi do không được cung cấp nguồn điện.
Tuần vừa rồi, có những ngày vừa mưa vừa lạnh, anh em không dám đi làm vì sợ bị ốm trong khi không được chi trả chi phí y tế nên ở nhà. Chủ lao động đến và đe dọa rằng nghỉ một ngày sẽ trừ hai ngày lương.
Một công nhân cho biết đã gọi nhiều lần cho công ty xuất khẩu lao động đã đưa anh sang Serbia nhưng không khi nào có người nghe máy.
Anh cho biết nhiều công nhân muốn về Việt Nam lại nhưng không về được vì mới sang làm chưa đủ tiền mua vé máy bay và chưa đủ tiền để trả tiền nợ vay tại quê nhà. Ở lại thì phải làm việc trong điều kiện không an toàn, không bảo hiểm tai nạn, không bảo hiểm y tế. Chế độ ăn uống không đủ bù sức lực đã bỏ ra. Nhà ở không có máy sưởi, không có nước nóng.
Về cũng dở, ở lại cũng không xong.
Trong khi Nhà nước không giúp gì được cho những người công nhân này, và công ty xuất khẩu lao động cũng làm ngơ, một số tổ chức ở Serbia thấy thương tình, đã mua thuốc cảm, thuốc ho, và một số loại thuốc thông thường khác đem đến cho. Họ đến từ tận Beograde, cách đó khoảng 90 phút lái xe. Ngày hôm qua, có tổ chức còn đem đồ ăn đến cho công nhân Việt Nam.
Một tổ chức Serbia còn tổ chức biểu tình trước lán trại của công nhân Việt Nam để tỏ tình yêu thương, đoàn kết với họ. Trên băng rôn của họ có dòng chữ: “Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh này,” bằng tiếng Việt.
Thương lắm!
Từ ngày Bộ Ngoại Giao Việt Nam ra tuyên bố đã cử nhân viên Sứ Quán Việt Nam tại Rumani đến thị sát tình hình, “tích cực làm việc”, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Chúng tôi cũng không nhận được bất cứ thông tin nào về các động thái mới của chính quyền Việt Nam nhằm giúp các công nhân này.
Đảng đâu rồi anh chị em?
3 comments
“Đảng đâu rồi anh chị em?”
Đảng ở trong tim mọi người
Hèn chi đa số người dân Việt Nam bị chứng trụy tim, luôn sống trong trạng thái lo sợ – hồi hộp – bất an. Nếu Đảng đừng có tìm mọi cách xâm nhập vào tim mọi người, thì chắc mọi người sẽ được sống bình yên. Tốt nhất cho mọi người là không có sự hiện diện của cái Đảng lừa lọc – dối trá này.
Mọi người tự nguyện đưa Đảng vô tim . Chết ráng chịu thôi, còn trách ai nữa .