Khánh Hòa
(VNTB) – Bán vốn nhà nước với tên gọi “thoái vốn”, lâu nay vẫn là địa chỉ của ngờ vực tham nhũng của phe nhóm quyền lực.
Sai phạm có dây nhợ, nhưng chỉ ‘vài đồng chí’ hầu tòa
Hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa, như với cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ từng xác định Bộ Giao thông vận tải với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy nhơn không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, trong chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần cảng Quy nhơn, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinalines bán cho công ty Hợp Thành 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần cảng Quy nhơn đã bán cho công ty Hợp Thành.
Đơn cử tiếp theo có thể kể đến sai phạm ở Tổng công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn Sabeco.
Sabeco là doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý. Trong số tài sản của Sabeco, thì khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM có diện tích 6.080m2, được xác định là nguồn vốn nhà nước do Bộ Công thương làm đại diện nắm giữ 89,59%.
Sau đó, Sabeco triển khai dự án tại khu đất “vàng” trên để xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và được UBND TP.HCM chấp thuận. Năm 2007, Sabeco hợp tác với công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) nhưng bất thành vì tiềm lực tài chính không đủ.
Lẽ nào một bộ trưởng đủ sức ‘che cả bầu trời’?
Năm 2012, chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Ông Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng Bộ Công thương bỏ qua yêu cầu này khi tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư xây dựng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng. Sau đó, liên doanh Sabeco Pearl gồm nhiều nhà đầu tư mới được thành lập với vốn điều lệ 484 tỷ đồng, để xây dựng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Trong đó Sabeco giữ 26% vốn, số vốn còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm: Attland (23%), Hà An (25,5%) và Mê Linh (25,5%).
Năm 2016, Attland, Hà An và Mê Linh cùng ký văn bản kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Được sự đồng ý của Bộ Công thương nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh Sabeco Pearl với giá 196 tỷ đồng. Tuy nhiên giá thực tế số cổ phần này khoảng 465 tỷ đồng vì dự án đã được cấp phép thêm chức năng căn hộ ở. Cùng năm 2016, Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl với giá 13.247 đồng một cổ phần. Sabeco thu về 196 tỷ đồng và rút tên khỏi liên doanh Sabeco Pearl.
Sau đó cơ quan tố tụng xác định, việc định giá, thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl làm thất thoát tài sản nhà nước số tiền rất lớn. Cụ thể, giá tài sản xác định tại ngày 1-4-2016, một cổ phần của Sabeco Pearl là 31.611 đồng. Nhưng việc định giá khi Sabeco thoái vốn chỉ là 13.247 đồng một cổ phần.
Trong vụ án này, ông Vũ Huy Hoàng khai nhận, tại cuộc họp ngày 29-3-2016 do ông chủ trì có bàn về nhiều vấn đề của Sabeco, trong đó có bàn về chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở trong trường hợp Sabeco thoái vốn. Ông Vũ Huy Hoàng khẳng định, đó không phải cuộc họp về thẩm định giá thoái vốn. Nhưng thực tế thì Sabeco đã căn cứ vào nội dung cuộc họp có chỉ đạo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để làm căn cứ định giá 13.247 đồng một cổ phần.
Trong cuộc họp ngày 29-3-2016, ông Võ Thanh Hà, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco đã báo cáo kết quả thẩm định giá của công ty TNHH Chứng khoán ACB xác định, giá Sabeco Pearl là 14.433 đồng một cổ phần. Nhưng theo hồ sơ vụ án thì ông Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm thoái vốn là 13.247 đồng một cổ phần…
Tháng 6-2016, Sabeco thoái vốn bằng cách bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỷ đồng. Sau đó một năm, ba cổ đông còn lại cũng thoái sạch vốn khỏi công ty Sabeco Pearl, toàn bộ số cổ phần của công ty này (cũng là chủ đầu tư của dự án) rơi vào tay các cá nhân là ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98%).
Trách nhiệm lãnh đạo tối cao của Đảng ở đâu?
Lưu ý về điểm chung của các vụ án ‘thoái vốn’, đó là tội danh này đòi hỏi chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, ở đây phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã vì động cơ cá nhân, vì vụ lợi hoặc vì lý do khác mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại đến tài sản, nguồn thu cho ngân sách.
Và để có thể gọi là sai phạm cũng cần thời gian dài với liên đới của nhiều quan chức, viên chức các cấp khác nhau, vậy nên rốt cuộc chuyện mua bán vốn ở đây sở dĩ dễ tự tung tự tác, vì đảng phái chính trị đang nhân danh nhà nước không phải chịu sự cạnh tranh nào…