Triệu Long
(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược
Dường như câu chuyện về chữ nghĩa có các tầng nấc về cách hiểu chưa ‘đồng bộ’ giữa Tổng bí thư với Thủ tướng.
Hai năm trước, phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trên cơ sở những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được.
Và đó cũng là khẳng định, là thông điệp của người đứng đầu Đảng, Nhà nước tại nhiều diễn đàn, nhiều sự kiện của đất nước.
Nếu mang câu chữ về “cơ đồ – tiềm lực – vị thế – uy tín” vẫn thường được Tổng bí thư lặp đi lặp lại, thì sẽ giải thích thế nào khi hôm 16-2-2022, tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 lại đưa ra những yêu cầu như cần hoàn thiện thể chế để bảo đảm xứng tầm?
Đây là phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Trước đó, ngay trong tháng 1, chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật.
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược; bám sát thực tiễn và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, phù hợp tình hình, thực thi hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Như vậy, nếu mang câu từ ra để so sánh như học trò phổ thông, có thể thấy sự mâu thuẫn rất rõ ràng, bởi nếu đã khẳng định từ mấy năm trước là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, vậy thì vì sao hiện tại lại yêu cầu hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm?
Dễ dàng chia sẻ về yêu cầu của người đứng đầu chính phủ thay cho chuyện ‘tự sướng’ của người đứng đầu đảng khi mà người ta đi… đổ xăng. Bởi nói gì đi nữa, thì đúng là cần coi lại thể chế thế nào mà dù giá xăng dầu vừa tăng gần 1.000 đồng/lít, nhưng nguồn cung bán buôn một số nơi vẫn “nhỏ giọt”, có nơi chỉ cấp đủ lượng bán trong ngày.
Cụ thể, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại tỉnh Bình Dương cho hay, doanh nghiệp này đang trong tình cảnh chập chờn “lúc thiếu xăng, lúc thiếu dầu”.
“Nguồn cung ít, nhất là mặt hàng dầu. Sản lượng dầu nhập về giảm 40-50% so với trước điều chỉnh”, ông Hán nói. Theo ông, nguồn cung thiếu hụt nhưng để đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng ông vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Nếu thiếu xăng sẽ treo biển báo “hết xăng, chỉ bán dầu” và ngược lại.
Ông Hán dẫn báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 28 đơn vị nhập khẩu xăng dầu và 4 – 5 nhà máy sản xuất nhưng hiện nguồn cung lại quá phụ thuộc vào 3 ông lớn xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Xăng dầu quân đội.
Ông Trần Thái Bình, chủ chuỗi 8 cửa hàng xăng dầu ở Đồng Tháp, cho biết hiện mức chiết khấu dành cho các đại lý như doanh nghiệp ông chỉ 100 đồng một lít. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, vận hành, chủ cửa hàng lỗ 350 đồng mỗi lít. Trung bình mỗi cửa hàng, ông Bình lỗ gần 2 triệu đồng một ngày và tình trạng này đã kéo dài hơn một tháng.
Không gồng lỗ nỗi, một số đơn vị kinh doanh xăng dầu tư nhân buộc phải xin cấp có thẩm quyền nghỉ bán để tránh phá sản.
Điểm sơ qua mỗi chuyện xăng dầu đang thời sự cho thấy, liệu có khi nào mai này trong diễn văn soạn cho Tổng bí thư, cắc cớ viết rằng: nhiều khi cơ đồ có, tiềm lực có nhưng chỉ kẹt thiếu mỗi chuyện vị thế và uy tín nên khiến cho bên chính phủ đành phải hô hào hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm?