Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xác định nhầm tội danh?

 

Hiền Vương

 

(VNTB) – Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, truy nã Ðào Minh Quân về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

 

Đời sống chính trị ở miền Nam trước tháng 4-1975 rất quen thuộc với hai từ “đảo chánh”, tức lật đổ chính quyền.

Đảo chánh, hay còn gọi là đảo chính, là dùng bạo lực bằng lực lượng quân sự hay lực lượng quần chúng, có khi dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài, tiến hành việc thay thế chính quyền trung ương hiện hành bằng các cơ quan quyền lực khác ngoài khuôn khổ pháp luật.

Đảo chánh do giới quân sự tiến hành gọi là đảo chánh quân sự. Tính chất và xu hướng của việc đảo chánh có thể là tiến bộ hay không tùy theo mục đích của các lực lượng đảo chánh và lợi ích của thế lực mà các lực lượng đó đại diện.

Trong chính trị, cách mạng và đảo chánh có những điểm giống và khác với nhau: Cách mạng và đảo chánh đều được tiến hành nhằm lật đổ chế độ chính trị cũ, nhưng khác nhau ở mục tiêu sau đó: cách mạng là thay chế độ cũ bằng 1 chế độ mới tiến bộ hơn về cơ cấu và tính chất, còn đảo chánh là thay thế 1 chính quyền này bằng 1 chính quyền khác có bản chất giống như cũ.

Một cuộc đảo chánh thường chỉ được thực hiện bởi một nhóm lãnh đạo nhắm vào một nhóm các lãnh đạo khác, trong khi một cuộc cách mạng thường được tổ chức bởi phần lớn quần chúng xã hội và thường lật đổ cả thể chế chính trị cũ của quốc gia.

Vậy thì “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” có thể coi là một cuộc đảo chánh?

Nhúm người vầy thì làm sao để dẫn tới bạo lực cách mạng?

Tin tức pháp đình cho biết, tại tòa án nhân dân TP.HCM sẽ diễn ra phiên hình sự sơ thẩm vào hai ngày 29 và 30-3-2022 về tội danh theo Điều 109 Bộ luật hình sự.

Theo nội dung của Quyết định số 608/2022/HSST/QĐ do thẩm phán Huỳnh Văn Trực ký ngày 1-3-2022, thì bà Trần Thị Ngọc Xuân, 53 tuổi, nghề nghiệp thợ may, ngụ tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, TP.HCM, bị truy tố và xét xử về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sau gần hai năm bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu.

Cùng ra tòa với bà còn có 11 người khác bị truy tố cùng tội danh, bao gồm:  Ông Nguyễn Thanh Xoan (50 tuổi, Nghệ An); bà Lương Thị Thu Hiền (54 tuổi, Đồng Nai); ông Trần Văn Long (67 tuổi, Đồng Nai); ông Y Hon Ênuôl (34 tuổi, sắc tộc Ê đê, Đắk Lắk); ông Y Tũp Knul (52 tuổi, sắc tộc Ê đê, Đắk Lắk); ông Y Phương Ding Riêh (44 tuổi, sắc tộc M’Nông, Đắk Nông); ông Nguyễn Minh Quang (62 tuổi, Lâm Đồng); bà Hồ Thị Xuân Hương (54 tuổi, Kon Tum); bà Nguyễn Thị Kim Phượng (55 tuổi, An Giang); ông Lê Ngọc Thành (50 tuổi, An Giang) và ông Phạm Hổ (73 tuổi, Phú Yên).

Bản cáo trạng dài 42 trang, truy tố 12 người trên về các hành vi như: Đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “Trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “Hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”…

Cách hiểu về “lật đổ” của những quan tòa ở  Việt Nam

Dấu hiệu pháp lý của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân lâu nay của cơ quan tố tụng ở Việt Nam như sau: Trước hết, khách thể trực tiếp của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, là sự tồn tại của chính quyền nhân dân, là an ninh chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối tượng tác động của tội phạm là chính quyền nhân dân từ Trung ương đến địa phương.

Chính quyền nhân dân được hiểu là hệ thống các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức chính trị thực hiện quyền lực của nhân dân ở vị trí trung tâm.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ở một cấp nào đó, song mục đích cuối cùng của người phạm tội là lật đồ toàn bộ hệ thống chính quyền, thay thế chế độ hiện hành bằng một chế độ xã hội khác. Từ tính chất và tầm quan trọng của khách thể, có thể thấy được bản chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này.

Thứ hai, mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được đặc trưng bằng hành vi hoạt động thành lập, hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Hoạt động thành lập tổ chức là hành vi nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động hoạt động đối lập về chính trị ở Việt Nam.

Hành vi này có một số biểu hiện cụ thể như: đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động của tổ chức thể hiện qua việc soạn thảo cương lĩnh, điều lệ, lời hiệu triệu của tổ chức; xây dựng cơ cầu, hình thành bộ khung của tổ chức; tiến hành các hoạt động nhằm công khai hóa tổ chức; tuyên truyền, lôi kéo người khác cùng hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức; tổ chức các hoạt động phá hoại để tạo tiếng vang cho tổ chức..

Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi tự nguyện hoặc chấp nhận đứng trong hàng ngũ của tổ chức khi biết rõ tổ chức ấy có mục đích lật đổ chính quyền, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đối tượng tham gia tổ chức phản động tiến hành các hoạt động phá hoại cụ thể theo sự chỉ đạo của tổ chức hoặc chỉ nhận lời tham gia tổ chức.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hoàn thành kế từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi hoạt động thành lập tổ chức, không kể đã thành lập được tổ chức hay chưa, hoặc từ khi nhận lời tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.

Thứ ba, chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm được hiểu thuộc lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Nghĩa là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam.

Xác định nhầm tội danh?

Tháng 1-2018, Bộ Công an Việt Nam chính thức xếp “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trước đó, vào tháng 8-2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, truy nã Ðào Minh Quân về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Như vậy với những người được cho là liên quan đến tổ chức của ông Đào Minh Quân tại Việt Nam, nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì cần xem xem xét điều chỉnh theo Điều 112 “Tội bạo loạn” hoặc Điều 113 “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ăn Tết thời Corona Wuhan

Phan Thanh Hung

VNTB – Bài báo 200 chữ

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỷ luật bí thư chi bộ kiêm lãnh đạo: nhìn chỗ dựa ghế

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo