Ngọc Lan
(VNTB) – Khái niệm “nhu cầu sống tối thiểu” tại Việt Nam được giới thiệu chính thức trong Bộ luật Lao động tại điều luật số 91.
Việc xác định nhu cầu sống tối thiểu – thực chất là mức sống tối thiểu, các năm vừa qua do Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đảm nhận. Theo đó, nhu cầu sống tối thiểu bao gồm: Nhu cầu về lương thực, thực phẩm được tính trên 45 mặt hàng thiết yếu bảo đảm 2.300 Kcalo/ngày; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của bản thân người lao động; và chi phí nuôi con bằng 70% chi phí của người lao động.
Tuy nhiên, đây là vấn đề không có công thức chung nên những năm qua, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về mức sống tối thiểu khác nhau.
Ví dụ, vào năm 2018, khi xác định nhu cầu sống tối thiểu, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48%, còn phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%.
Phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45%, phi lương thực, thực phẩm là 55%. Chỉ với khác biệt này đã làm cho việc xác định nhu cầu sống tối thiểu giữa hai cơ quan chênh nhau hơn 300.000 đồng.
Lần điều chỉnh gần đây nhất vào đầu năm 2020, mức lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng (cao nhất trong bốn vùng lương hiện nay).
Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Mức lương tối thiểu theo vùng được Chính phủ quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu theo vùng này được thay đổi hàng năm để phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Còn lương cơ bản không phải là một khái niệm được pháp luật quy định, nhưng lại được rất nhiều người lao động nhắc đến. Lương cơ bản là mức lương mà người lao động nhận được khi làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung. Khi thoả thuận lương cơ bản, người sử dụng lao động phải đảm bảo mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà pháp luật quy định đối với từng đối tượng, trình độ.
Cụ thể là, mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất; mức lương cơ bản cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Sau hai năm không tăng lương tối thiểu để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp thì Hội đồng Tiền lương Quốc gia bắt đầu bàn về vấn đề lương tối thiểu vùng với ‘đề bài’ là sẽ phải cân đối với khả năng chi trả của doanh nghiệp sau hai năm chống đỡ Covid và các yếu tố đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng, kèm theo các yếu tố về tăng năng suất lao động.
Theo một đại diện của Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và là Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, lo ngại trong bối cảnh Covid gây ra nhiều khó khăn, việc tăng lương tối thiểu giai đoạn này là “chưa khả thi”, sẽ làm tăng chi phí lao động.
Có những quan điểm lo ngại rằng điều này dẫn tới việc doanh nghiệp cắt giảm lao động và sẽ làm giảm số việc làm của nhóm lao động yếu thế – nhóm cần được bảo vệ việc làm và thu nhập nhất.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trong năm 2021 cho thấy, 21% người lao động phải ăn nhiều mì gói, hơn 48% lao động phải giảm lượng thịt hằng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, “tín dụng đen” hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên người ta thường bảo ở Việt Nam nhiều người không sống bằng “lương” mà bẳng “bổng”. “Bổng” thường được hiểu là những khoản thu nhập ngoài lương, mà trong nhiều trường hợp nằm ở “vùng xám”.
Đó là một thực tế tuy ít khi nói ra nhưng ai cũng biết, và nó lại không nằm trong nhóm đang băn khoăn của chuyện Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải tính toán ra sao để thực sự người lao động ở chế độ xã hội chủ nghĩa nổi tiếng về tính ưu việt có thể “sống tối thiểu” như điều luật 91 của Bộ luật Lao động hiện hành.