Việt Nam Thời Báo

VNTB – MV There’s no one at all nhìn từ “Luật hè phố”

Xuyến Chi

 

(VNTB) – Một bài hát có thể u buồn, nhưng là để giúp người ta được trải lòng và chữa lành, chứ không phải khiến mọi thứ đi vào ngõ cụt.

 

Đó là nhận xét chung nhất khi coi clip ca nhạc There’s no one at all (tạm dịch: Không một ai cả) của ca sĩ Sơn Tùng. MV There’s no one at all có nhiều cảnh nhân vật khổ sở giằng xé nội tâm, kèm những câu hát bằng tiếng Anh kèm phụ đề Việt ngữ đầy chán chường cuộc sống.

Không tìm thấy lối ra trên con đường tăm tối chạy mãi mà chẳng thấy điểm dừng, cuối cùng, cái chết lại trở thành lựa chọn duy nhất để giải thoát một tâm hồn vốn đã mục rữa từ bên trong.

Trong MV, nhân vật chính là đứa trẻ được ai đó bỏ trước một nhà thờ và có lẽ sau đó được các bà sơ nuôi dưỡng. Clip được phát hành ngay dịp 47 năm sự kiện 30 tháng 4, 1975, và điều này làm người ta nhớ đến Duyên Anh (Vũ Mộng Long, 1935 – 1997) một nhà văn của giới trẻ đường phố ở Sài Gòn trước tháng tư, 1975.

Tác phẩm “Luật hè phố” của nhà văn Duyên Anh từng có tên “Giấc mơ một loài cỏ” và ở lần xuất bản sau đó mang tên “Con suối ở miền Đông”. Tác phẩm lấy bối cảnh ở Sài Gòn nói về cuộc sống những đứa trẻ bụi đời kiếm sống bằng nghề đánh giày và cũng chất chứa thù hận còn hơn cả nhân vật trong MV There’s no one at all.

Đó là câu chuyện về hai đứa trẻ Danh và Lựa sống vất vưởng trên hè phố. Thiếu ăn, thiếu mặc, luôn lo sợ thiếu tiền đóng thuế cho đại ca giang hồ Quý đen vì cái nịt với khóa đồng của hắn thẳng tay đánh xuống lưng của những kẻ thiếu thuế không thương tiếc.

Thằng Danh vì thương Lựa, đánh giày, tằn tiện từng đồng để thực hiện ước mơ được đi học của thằng Lựa. Lựa muốn đọc được “pồ gam” cải lương, tử vi trên báo, Tam quốc chí cho thằng Danh nghe…

Nhưng sự khát khao được nghe Lựa đọc của Danh tan biến thành mây khói với cái chết của thằng Lựa khi bị xe nhà binh cán trong một tai nạn trên đường phố…

Niềm vui, hy vọng, tắt ngúm, thắp lên sự căm hờn trong lòng thằng Danh. Cái hình xăm 2 đứa đánh giày trên cánh tay thằng Danh, cùng chữ S.C.C.N (sống chết có nhau) với hình hai đứa, giờ sẽ là nỗi nhớ không bao giờ tắt… Những tiếng cười, có người làm khổ Danh như thằng Lựa đã không còn nữa…

Về Miền tây mang theo nỗi căm thù, thằng Danh tình cờ quen biết ông Nghị và bé Thảo – con nhỏ có chiếc răng khểnh rất đẹp và hay làm nũng bố.

Bé Thảo và ông Nghị đã rót vào lòng thằng nhỏ 16 tuổi ấy sự tốt bụng, ngây thơ…Ước mơ một lần nữa xốn xang, đẹp một cách lạ lùng, làm ấm lòng Danh. Tình yêu mà bé Thảo dành cho nó là thứ xa xỉ nhất thế gian…

Thế rồi chiến tranh lại cướp đi ước mộng tương lai nhỏ bé của Danh. Trên con đường trở lại Sài Gòn ông Nghị và bé Thảo đã lên thiên đường. Một lần nữa, trái tim thằng bé tan vỡ. Thà đừng có ai yêu thương nó, quan tâm nó, nó đỡ bớt đau khổ hơn…

Tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình chứ không hề như nhân vật trong MV There’s no one at all.

Đa số trẻ con trong truyện của Duyên Anh là những đứa nhỏ sống trên hè phố, hay có lối suy nghĩ riêng của một nhóc tỳ đàn anh, cóc sợ ai, dù biết mình chẳng bằng ai cả.

“Danh hồi tưởng kỷ niệm. Những buổi chiều ngồi ở công viên Nguyễn Du tỉnh lỵ Long Xuyên, những buổi trưa tắm suối ở Tây Ninh. Nó nghẹn ngào:

– Đi hết đời em chắc chắn không tìm được con bé nào có chiếc răng khểnh thương mình, đòi lớn lên làm vợ mình”… – trích Chương 17, Con suối ở miền Đông.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Lễ hội bánh dân gian Nam bộ

Phan Thanh Hung

VNTB – Cổ súy nhảy lầu tự tử?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bao dung: Hộp sữa…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo