Chim báo bão (VNTB) Để một túi ny-lon tự phân hủy thì cần thời gian hàng trăm năm. Trong thực tế, chưa có ai còn sống mà trông thấy một túi ny-lon đã tự phân hủy bao giờ. Các nước đều cố gắng giảm thiểu loại rác thải này và phần nào thành công. Ở Việt Nam, những nỗ lực đó dường như không mang lại tác dụng.
Giáo dục đi đôi với biện pháp
Hiện nay ở Việt Nam, từ cấp 1 đến cấp 3 và đại học, cấp nào cũng có những giờ tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Trong những giờ đó, một sự thực diễn ra là chủ yếu thầy cô khuyên trò phải bỏ rác đúng chỗ, tức là khi có rác rồi thì mới nói đến việc không nên xả rác. Trong khi đó, ở các nước tiến bộ, người thầy hướng dẫn học trò lý do phải giảm thiểu rác thải ny-lon. Ở những nước có hệ thống xử lý rác thải tiên tiến với những công nghệ hiện đại nhất, người dân vẫn buộc phải nhắc nhở lẫn nhau là không nên sử dụng những gì phát sinh ra ny-lon. Về hình thức thì tất cả các nước đều na ná như nhau, sự khác biệt nằm ở chỗ các nước tiến bộ có biện pháp.
Cô giáo Đào Thị Diễm Trang là một thạc sỹ về Ấn Độ học, giảng dạy tại một số trường và viện tại Việt Nam. Cô Trang đã sống nhiều năm tại Ấn Độ và kể lại rằng ở Ấn Độ, khi bạn mua một thực phẩm thì người bán hàng chỉ đưa cho bạn thực phẩm đó mà thôi. Nếu bạn muốn người bán hàng đưa cho túi ny-lon để đựng thực phẩm thì bạn phải trả thêm một đồng. Càng sử dụng nhiều túi ny-lon thì càng phải trả thêm nhiều tiền. Do đó, tự giác những bà nội trợ muốn tiết kiệm thì phải mang theo giỏ đựng thực phẩm từ nhà đi theo. Cứ như thế, rác thải ny-lon ở Ấn Độ được giảm thiểu nhiều. Đó là kết quả của sự giáo dục đi đôi với biện pháp.
Về thực tế, chỉ có thể giảm thiểu rác thải ny-lon chứ không thể cắt bỏ, cấm cản hoàn toàn. Ngay một nước có trình độ kỹ thuật cao như Nhật Bản cũng không nằm ngoài thực tế đó. Ai thường ăn bánh kẹo Nhật Bản sẽ thấy người Nhật hạn chế sử dụng ny-lon như thế nào. Mở ra thì thấy từng chiếc bánh nhỏ có thể bọc bằng ny-lon, nhưng vỏ hộp bánh thì phải làm bằng giấy. Đi vào các siêu thị Nhật Bản để mua rau ắt hẳn sẽ được phát cho túi giấy. Chính vì vậy, đi trên đường Nhật Bản, dù là đường thành phố hay đường nông thôn, dọc hai bên đường không bao giờ có một cọng rác ny-lon.
Việt Nam: Khó giảm thiểu
Không có biện pháp, xã hội Việt Nam có treo bao nhiêu băng-rôn biểu ngữ bảo vệ môi trường để giáo dục người dân thì cũng vô dụng, kết quả đã thấy như ngày hôm nay. Chưa có chế tài để xử lý từ những vụ xả rác ny-lon nhỏ nên sự ô nhiễm càng ngày càng chồng chất. Túi đựng rác ny-lon mà cũng làm từ ny-lon dùng một lần rồi vứt đi nữa, thì chứng tỏ giảm thiểu rác thải ny-lon ở Việt Nam bắt buộc phải kèm theo một cú sốc về luật pháp.
Túi đựng rác thải ny-lon cũng làm từ ny-lon dùng một lần |
Giảm thiểu ny-lon ở Việt Nam rất khó, vì sai lầm là từ buổi ban đầu. Năm 1975, những người cộng sản hồ hởi xây dựng các khu kinh tế mới, mở rộng các thành phố, giai cấp công nông không nhận thức được mối nguy từ loại rác thải này. Và trong các bản quy hoạch- ngạc nhiên thay- không thấy chỗ cho những khu xử lý rác thải, điều này đã được chính các kiến trúc sư xã hội chủ nghĩa thừa nhận. Họ thừa nhận tình trạng sự đã rồi trên khắp 330 nghìn cây số vuông đất Việt Nam. Họ, mặc dù cũng là những kiến trúc sư tài giỏi, nhưng do giới hạn về ý thức hệ và thể chế chính trị nên đã không tiên đoán được vấn nạn này.
Rác thải từ một khu đô thị sinh viên ở Việt Nam đổ thẳng ra môi trường |
Phê bình sinh thái đã có ở Mỹ và phương Tây từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng thông tin về chúng bằng cách này hay cách khác đã không đến được với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Đến khi môi trường bị hủy hoại đến mức tan nát thì kiến trúc sư các nước này mới giật mình. Tình trạng càng tồi tệ thêm khi đã biết như thế rồi mà Việt Nam vẫn không chịu rót ngân sách để đầu tư mạnh tay cho những nhà máy xử lý rác thải. Đặc biệt là rác thải ny-lon.
Vì không thể chắc chắn một khối lượng rác thải ny-lon sẽ được xử lý hoặc tái chế ra thành cái gì, cho nên dù có giàu có và tiến bộ mức nào đi nữa thì Mỹ, Nhật hay mọi nước văn minh đều nhắc dân hạn chế sử dụng thứ này. Khắp lãnh thổ nước Việt Nam, số lượng nhà máy xử lý rác thải rất ít và thường tập trung chỉ ở các thành phố lớn, các tỉnh lẻ- các thị trấn và các vùng nông thôn nửa thị trấn hầu như không có. Bằng chứng là rác thải ny-lon không được thu gom riêng rẽ với chất thải lỏng, vì nếu có xử lý nghiêm túc thì bắt buộc phải có phân loại từ hộ gia đình. Cũng không có nơi tập kết rác thải cho ra quy chuẩn. Vì tất cả chính sách của chính quyền đều chỉ là nói cho có, người dân Việt Nam được dịp tha hồ đổ rác thải ny-lon ra môi trường. Ao hồ và các con sông ở Việt Nam cứ thế bập bềnh rác thải ny-lon .
Mai này, khi những ao hồ đã lấp hết, mặt đất bán và phủ xi-măng hết, lúc đó người dân Việt Nam không biết sẽ chôn rác thải ny-lon ở đâu.